Ninh Thuận phát triển du lịch cộng đồng từ lợi thế của địa phương

Ninh Thuận phát triển du lịch cộng đồng từ lợi thế của địa phương
Du khách tham quan, trải nghiệm tại Khu du lịch văn hóa sinh thái Sen Charaih Ninh Thuận (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Du khách tham quan, trải nghiệm tại Khu du lịch văn hóa sinh thái Sen Charaih Ninh Thuận (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Ông Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho hay, để hỗ trợ các địa phương, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2022 với tổng kinh phí thực hiện trên 20,4 tỷ đồng. Qua đó, tỉnh hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ du lịch cộng đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sàn, nhà vệ sinh, cải tạo cảnh quan; lắp đặt hệ thống thu gom rác thải; các biển báo chỉ dẫn; đào tạo, bồi dưỡng cộng đồng làm du lịch và hỗ trợ tuyên truyền, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch của các địa phương.
 
Du khách thích thú trải nghiệm tại cánh đồng hoa Thì là (xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Du khách thích thú trải nghiệm tại cánh đồng hoa Thì là (xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Cụ thể, các điểm du lịch cộng đồng nằm trong kế hoạch sẽ được hỗ trợ kinh phí gồm: Vùng cây ăn trái xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn); Làng du lịch sinh thái dân tộc thôn Bố Lang, Làng sinh thái dân tộc Raglai ở thôn Hành Rạc 1, thôn Hành Rạc 2 (huyện Bác Ái); Làng du lịch thôn Vĩnh Hy, Làng du lịch thôn Cầu Gãy, Làng Nho thôn Thái An (huyện Ninh Hải); Hợp tác xã làng nghề gốm Bàu Trúc; Hợp tác xã làng nghề dệt Chung Mỹ; Hợp tác xã làng nghề dệt Mỹ Nghiệp; Vùng rau an toàn, thôn Nam Cương, xã An Hải; Vùng Nho an toàn, thôn Thuận Lợi, xã Phước Thuận; Vùng Nho an toàn, thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước).

Để đáp ứng nhu cầu của du khách muốn tìm hiểu văn hoá bản địa và các sản phẩm đặc thù của địa phương, ngành Du lịch Ninh Thuận đã cùng các địa phương xây dựng, phát triển tour du lịch làng nghề khá hiệu quả với hai làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm ở huyện Ninh Phước: làng nghề gốm truyền thống Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Các tour du lịch này thu hút ngày càng đông du khách tới tham quan, tìm hiểu nét văn hóa tín ngưỡng của đồng bào, mua sắm các sản phẩm truyền thống được các nghệ nhân lão luyện làm ra bằng tư duy mỹ thuật đặc sắc.
 
Biểu diễn chế tác mô hình tháp Chăm tại tháp Po Klong Garai, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Biểu diễn chế tác mô hình tháp Chăm tại tháp Po Klong Garai, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Cùng với khai thác các giá trị văn hóa bản địa, hiện nay, ngành Du lịch Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp gắn với 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh.Nổi bật trong số đó phải kể đến tour tham quan và hái nho ngay tại vườn ở Làng nho Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải). Các hộ trồng nho không chỉ sản xuất mà kết hợp mở cửa đón khách du lịch. Đến làng nho Thái An, du khách có dịp được tự tay cắt những chùm nho yêu thích, được thưởng thức nho tươi và các sản phẩm từ nho ngay tại vườn, được nghe chủ vườn giới thiệu về cây nho, các sản phẩm chế biến từ nho.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, tạo sinh kế cho người dân địa phương, tận dụng lợi thế khí hậu mát mẻ như cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng), những vườn trái cây sum xuê nằm dưới chân đèo Ngoạn Mục (xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn) đang được ngành Du lịch và địa phương xây dựng trở thành điểm đến hấp dẫn. Du khách sẽ được hòa mình vào không khí làng quê thanh bình, thỏa sức ngắm nhìn và thưởng thức những trái cây như măng cụt, bưởi da xanh, bơ, mít, sầu riêng. Đặc biệt, du khách có dịp thưởng những món ngon độc đáo như: gà nấu với chôm chôm, gà ướp sầu riêng nướng, gỏi gà trộn với măng cụt...

Bên cạnh những sản phẩm du lịch cộng đồng mang tính định hướng phát triển của tỉnh, nhiều cá nhân, gia đình ở Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với các hoạt động du lịch. Tiêu biểu như mô hình khởi nghiệp trồng sen của anh Quảng Ngọc Nhiên (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước). Từ vốn ban đầu chỉ 10 triệu đồng nhưng với sự đột phá trong cách nghĩ, cách làm, anh Nhiên đã cải tạo những ruộng bùn sình lầy thành những cánh đồng hoa sen bát ngát để làm du lịch sinh thái, thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm. Ông Nguyễn Quý (xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc) trồng cánh đồng thì là để thu hạt kết hợp làm du lịch khi mùa hoa nở.

Những mô hình du lịch cộng đồng trên đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa của các dân tộc, những mô hình này còn góp phần tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả cho cộng đồng cư dân cư địa phương. Người dân không chỉ đơn thuần sản xuất mà còn kết hợp làm du lịch, dịch vụ để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tạo thêm việc làm từ các hoạt động du lịch phụ trợ để nâng cao thu nhập, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Nguyễn Thành
TTXVN

Có thể bạn quan tâm