Những sản phẩm độc đáo nâng giá trị loài sen ở Huế

Những sản phẩm độc đáo nâng giá trị loài sen ở Huế
Sản phẩm "nón lá sen" của Nguyễn Thanh Thảo. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Sản phẩm "nón lá sen" của Nguyễn Thanh Thảo. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Đến với Festival nghề truyền thống Huế 2019 có nghề dệt tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận (Hà Nội); các loại rượu sen, trà sen; tranh sen, nón lá sen, tranh sen, khăn sen, quạt sen... của các nghệ nhân Huế, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp...Những sản phẩm độc đáo này nâng giá trị loài sen. Ban tổ chức bố trí, sắp đặt nhiều không gian với hình thức trang trí đẹp, mang tính nghệ thuật như: không gian sen, không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề, không gian lụa và thổ cẩm, không gian áo dài, không gian nghề đông y, không gian lồng đèn, diều, không gian giới thiệu sản phẩm truyền thống của các thành phố quốc tế... Mỗi không gian là một câu chuyện về nghề, tập trung sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế. Chuẩn bị trưng bày không gian sen tại Festival nghề truyền thống Huế 2019, Nguyễn Thanh Thảo tâm đắc với chiếc nón lá sen - sản phẩm biến tấu độc đáo đạt đến tinh hoa nghề truyền thống Huế. Anh cho biết, cùng với hoa sen - quốc hoa của Việt Nam, chiếc nón lá đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Nhiều người nói rằng, trên đất nước Việt Nam có rất nhiều làng nghề chằm nón lá nhưng hiếm nơi nào có thể làm cho chiếc nón lá trở thành đặc sản như cố đô Huế.
Trong ảnh: Tranh sen của Nguyễn Thanh Thảo. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Trong ảnh: Tranh sen của Nguyễn Thanh Thảo. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Huế có nhiều diện tích sen được trồng trong các hồ, nhất là sen trắng, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nghệ nhân thỏa sức sáng tạo. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có diện tích trên 200 ha được đưa vào trồng sen, cho thu nhập từ hạt sen đạt 50 triệu đồng/ha, chưa kể các khoản thu từ bán giống, ngó, hoa, lá và cá nuôi dưới ao sen. Việc tận dụng các ao hồ để trồng sen lấy hạt ở Huế cũng đã có từ lâu, khách du lịch đến Huế có thể mua hạt sen bất kỳ mùa nào ở các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự... Riêng tại thành phố Huế hiện có gần 100ha diện tích mặt nước có thể trồng được sen, nhưng chỉ khoảng 20ha được trồng; trong đó, tập trung chủ yếu ở các phường nội thành như Hồ Tịnh Tâm, hồ Mân, hồ Tàng Thơ... Khu vực quanh Đại Nội, người ta vừa trồng sen làm cảnh, vừa có thu nhập cao. Người trồng sen lâu năm ở đây cho biết mỗi kg hạt sen tươi bán ra thị trường có giá 150.000 đồng. Nếu cây sen phát triển tốt thì  thu nhập hàng năm khoảng từ 25-35 triệu đồng/ha. Ngoài ra, tất cả các phần của cây sen còn được tận dụng như lá sen được bán cho các tiệm làm thuốc, cho khách sạn để gói cơm sen; củ sen, ngó sen được thu mua với giá 70.000 đồng/kg... Thấy rõ lợi thế của sen trong đời sống của người dân, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, từ năm 2017, Nguyễn Thanh Thảo, sau khi tốt nghiệp Khoa đồ họa tạo hình, Trường Đại học Mỹ Thuật Huế bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu nhiều loại lá cây nhằm biến chúng thành chất liệu mới trong nghệ thuật và ứng dụng vào hàng lưu niệm. Phải mất nhiều thời gian thử nghiệm, anh mới thành công với việc tạo độ bền cho lá sen, để lá sen hiện diện trên lớp lợp ngoài cùng của chiếc nón Huế. Kết quả, qua bàn tay khéo léo của những người thợ làng nón truyền thống Đốc Sơ (thành phố Huế), chiếc nón lá truyền thống và chiếc lá sen tưởng như bình thường đã trở thành sản phẩm biến tấu nón lá sen độc đáo. Mới đây, sản phẩm nón lá sen của Nguyễn Thanh Thảo đã giành được giải A cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2018.
Sen trắng Đại Nội Huế là nguồn nguyên liệu cho các nghệ nhân sáng tạo tranh sen, nón lá sen. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
 Sen trắng Đại Nội Huế là nguồn nguyên liệu cho các nghệ nhân sáng tạo tranh sen, nón lá sen. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Không dừng lại ở đó, Nguyễn Thanh Thảo tiếp tục đưa lá sen vào các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc sáng tạo riêng của người nghệ sĩ xứ Huế. Đó là những chiếc tráp đựng trang sức, bình hoa trang trí lá sen đến những chiếc đèn lồng, quạt, tranh lá sen. Lần đầu tiên xuất hiện tại Festival nghề truyền thống Huế 2019, nón lá sen và các tác phẩm lấy chất liệu từ lá sen của Nguyễn Thanh Thảo sẽ được giới thiệu tại không gian sen (Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, số 17 đường Lê Lợi, thành phố Huế) cùng với những sản phẩm về sen của các nghệ nhân khác từ mọi miền đất nước như dệt tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận (Hà Nội), rượu sen, trà sen, khăn sen, quạt sen... của các nghệ nhân Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp chắc chắn mang đến những điều mới lạ, thu hút du khách. Riêng chiếc nón lá sen của Nguyễn Thanh Thảo với mong ước trở thành một sản phẩm lưu niệm mang hồn riêng của đất Việt đến với thế giới. Ý nghĩa hơn, Nguyễn Thanh Thảo đã sáng tạo ra những chiếc nón lá sen độc đáo mà chưa nơi nào có được - chiếc nón lá sen là một tác phẩm nghệ thuật từ thiên nhiên, là bằng chứng của sự kế thừa tinh hoa nghề truyền thống Huế...

Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm