Món ngon ngày Tết: Hương vị đặc sản bánh khảo Sơn Tòng

Món ngon ngày Tết: Hương vị đặc sản bánh khảo Sơn Tòng
Đóng gói bánh khảo tại cơ sở bánh khảo Sơn Tòng.
Đóng gói bánh khảo tại cơ sở bánh khảo Sơn Tòng.
Ông Lâm Thanh Quý, chủ cơ sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng cho biết: Để làm bánh khảo không quá khó, nhưng để sản xuất ra được những chiếc bánh khảo thơm ngon, cần trải qua nhiều công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu đến các khâu sản xuất đòi hỏi người làm sự khéo léo, cẩn thận. Nguyên liệu để làm bánh khảo gồm: Gạo nếp ngon, lạc, thịt mỡ, vừng. Cơ sở thường chọn loại gạo nếp hương Trùng Khánh hoặc nếp cái hoa vàng để làm bánh. Gạo sau khi rửa, đãi sạch sạn, đem rang trên chảo gang. Mỗi mẻ rang từ 1,5 - 2 kg gạo, đảo đều tay trong khoảng 20 phút thấy hạt gạo chín vàng đều là được. Gạo nếp rang xong sẽ đem xát, bột càng xát mịn bánh sẽ càng ngon. Bột đem ủ tầm 5 - 7 tiếng cho hút ẩm. Lấy đường kính trắng trộn với bột theo tỷ lệ phù hợp rồi dùng khúc gỗ tròn có tay cầm để cán cho bột và đường hòa đều vào nhau. 

Nhân bánh khảo thường là nhân thập cẩm. Lạc chọn hạt to đều để khi sấy sẽ chín đều. Tách sạch vỏ lạc rồi giã nhỏ, trộn với đường, vừng rang. Chọn thịt mỡ mông ngon, luộc chín, thái nhỏ như hạt lựu rồi trộn lẫn với lạc, vừng để thành hỗn hợp nhân bánh. Sau khi đã có bột và nhân bánh sẽ đóng bánh vào khuôn. Khuôn bánh khảo làm bằng gỗ cỡ 40 x 40 cm. Người làm bánh đổ một lớp bột vào khuôn, dàn đều bột ra rồi đổ nhân lên trên, dàn đều nhân ra khắp chiều rộng khuôn bánh, sau đó đổ thêm một lớp bột lên trên cùng để hai phần bánh bên ngoài lớp nhân bằng nhau rồi nén bánh. Khi nén bánh, người làm bánh cần có sự khéo léo, tỉ mỉ. Nếu nén mạnh quá bánh sẽ bị cứng, mất ngon, còn nén nhẹ quá bánh sẽ bị bở, không có độ kết dính, khi gói dễ bị vỡ. Sau đó dùng dao để cắt bánh thành từng chiếc bánh nhỏ theo độ dài, rộng đo sẵn, rắc thêm ít bột để các chiếc bánh không dính vào nhau. Bánh làm xong có thể gói ngay. 

Từ năm 2013, cơ sở bánh khảo Sơn Tòng đã đặt hộp bánh có đầy đủ nhãn mác tại thành phố Hồ Chí Minh và xin cấp giấy chứng nhận sử dụng mã số, mã vạch cho sản phẩm. Đồng thời hoàn thiện các thủ tục đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm bánh khảo Sơn Tòng và được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chấp nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm năm 2014. Sản phẩm bánh khảo Sơn Tòng có thương hiệu không chỉ trong tỉnh mà còn được khách hàng nhiều tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang…, mua làm quà dịp Tết. Chị Hoàng Thị Thu Ngọc, chủ một cửa hàng bán bánh khảo tại chợ Xanh (Thành phố) cho biết: Gần 10 năm nay tôi vẫn thường nhập bánh khảo Sơn Tòng để bán cho khách hàng vì chất lượng đảm bảo, lại được đăng ký nhãn hiệu, có hộp đẹp mắt nên khách hàng rất yên tâm khi mua về sử dụng và đem làm quà cho bạn bè, người thân. Mỗi năm, đặc biệt là dịp tết, tôi thường bán được hàng nghìn hộp bánh khảo Sơn Tòng. 

Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 600 bánh, dịp tết sẽ sản xuất từ 2.000 - 2.500 bánh/ngày, giá bán 100 nghìn đồng/hộp. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cơ sở đã đầu tư đầy đủ các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, như: Máy xát bột, máy trộn nhân, máy sấy lạc…; chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ uy tín cho thương hiệu bánh khảo Sơn Tòng. Cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 6 lao động, thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng. 

Gần đến Tết Nguyên đán, cơ sở bánh khảo Sơn Tòng đang dồn toàn bộ nhân lực để sản xuất đủ bánh cung cấp ra thị trường. Bánh khảo Sơn Tòng hiện nay đã có thương hiệu nổi tiếng và được mang đi làm quà khắp các tỉnh, thành trong cả nước, góp phần quảng bá cho văn hóa ẩm thực của quê hương Cao Bằng. 
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm