Liên kết phát triển du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long

Liên kết phát triển du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất năm 2018, ngành du lịch các địa phương tiếp tục thực hiện liên kết trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước; xây dựng chiến lược, kêu gọi đầu tư, quy hoạch và chính sách phát triển sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành phố; liên kết trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch; phối hợp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và liên kết tạo ra các sự kiện chung. Đặc biệt, năm 2018, các địa phương trong cụm đẩy mạnh liên kết hợp tác với ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. 
 
Du khách thăm quan Mũi Cà Mau, vùng đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc. Ảnh: Mai Hưng- TTXVN
Du khách thăm quan Mũi Cà Mau, vùng đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc. Ảnh: Mai Hưng- TTXVN

Theo đó, các địa phương trong cụm và Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hoạt động du lịch, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành du lịch, áp dụng công nghệ thông tin… Ngành du lịch các địa phương triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời thực hiện Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó xây dựng sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của từng địa phương để kết nối thành sản phẩm chung của cụm nhằm thu hút khách du lịch. 

Các đơn vị cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, như liên kết biên soạn in ấn các tài liệu quảng bá du lịch, bản đồ du lịch; xây dựng chương trình du lịch liên kết các sản phẩm du lịch đặc thù của các địa phương; đồng thời làm đầu mối cho các doanh nghiệp du lịch trao đổi, khảo sát các tuyến, điểm du lịch để hợp tác kinh doanh và kết nối tuyến, điểm du lịch. 

Cùng với đó, ngành du lịch các địa phương tăng cường liên kết tập huấn nguồn nhân lực quản lý nhà nước về du lịch, bồi dưỡng kỹ năng nghề du lịch cho đội ngũ lao động trong cụm; phấn đấu trong năm 2018, mỗi địa phương tổ chức ít nhất 1 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch… 

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, sau 4 năm liên kết phát triển, du lịch các địa phương phía Đông Đồng bằng sông Cửu long đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2017, tổng lượt khách và doanh thu từ hoạt động du lịch của các địa phương trong cụm đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng lượt khách đạt trên 9,5 triệu lượt; trong đó khách quốc tế 1.692.021 lượt, chiếm 17,77% tổng lượng khách. Tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh du lịch đạt 3.500 tỉ đồng. 

Bên cạnh đó, công tác liên kết tham gia chung các sự kiện du lịch tạo ấn tượng, từng bước xây dựng hình ảnh chung và được Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng cục Du lịch ghi nhận, đánh giá cao. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương đã tham mưu UBND  các tỉnh, thành phố lập quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch quốc gia như: Khu du lịch quốc gia cụm Long Lân Quy Phụng của Tiền Giang và Bến Tre, Khu du lịch quốc gia “Tràm Chim - Láng Sen” (Đồng Tháp - Long An), Điểm du lịch quốc gia “Xứ sở Hạnh phúc – Happy land” (Long An), điểm du lịch quốc gia “Văn Thánh Miếu” (Vĩnh Long), điểm du lịch quốc gia “Ao Bà Om” (Trà Vinh). 

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Tổng thu du lịch của các địa phương trong cụm tuy tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn còn thấp so với tiềm năng du lịch. Việc liên kết giữa cụm với Thành phố Hồ Chí Minh chưa thường xuyên. Các địa phương chưa xây dựng được hình ảnh chung để quảng bá, xúc tiến du lịch, chưa tạo được nhiều sản phẩm du lịch mới…
Thanh Hòa

Có thể bạn quan tâm