Liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương - Bài 2

Liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương - Bài 2
Bài 2 - tiếp theo và hết: Hướng tới liên kết, phát triển du lịch bền vững
Từ thực tế hiện nay, các nhà quản lý du lịch địa phương và doanh nghiệp cho rằng cần sớm khắc phục để hướng đến mục tiêu hợp tác phát triển du lịch bền vững.
Hành khách vừa kết thúc chuyến hành trình khám phá tuyến buýt sông Sài Gòn, chặng Bạch Đằng – Linh Đông. Ảnh: Đức Âu - TTXVN
Hành khách vừa kết thúc chuyến hành trình khám phá tuyến buýt sông Sài Gòn, chặng Bạch Đằng – Linh Đông. Ảnh: Đức Âu - TTXVN
 
Liên kết còn chưa chặt chẽ
Mặc dù các chương trình liên kết hợp tác được thực hiện liên tục nhưng chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự phối hợp đồng bộ. Đây là nhận xét chung của hầu hết đại diện các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan quản lý du lịch tại địa phương đối với các chương trình liên kết hiện nay giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.
 
Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân do Chương trình tam giác phát triển (Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Thuận – Lâm Đồng, giai đoạn 2013 -2018) còn hạn chế nhất định trong hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp du lịch của ba địa phương. Các hoạt động này chưa chặt chẽ, còn mang tính tự phát, thiếu thống nhất. Vì vậy, các địa phương chưa thực sự gắn kết, để tạo thành các chương trình du lịch mới, hấp dẫn, đặc trưng, phong phú nhằm quảng bá thương hiệu chung “Chợ Sài Gòn - Biển Mũi Né - Hoa Đà Lạt” vốn là những “đặc sản” riêng của từng vùng.
 
Bên cạnh đó, thông tin quảng bá du lịch chung của “3 địa phương – 1 điểm đến” khá sơ sài. Đến nay, ba địa phương chưa phát hành ấn phẩm quảng bá chung về các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương; chưa phát hành danh bạ các doanh nghiệp du lịch (cẩm nang du lịch) của ba địa phương bằng các ngôn ngữ khác nhau cũng như chưa thực hiện chuyên mục về du lịch để phát sóng trên kênh truyền hình địa phương, đặc biệt là truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, theo từng chủ đề cụ thể.
 
Theo ông Võ Đức Trung, Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Mạo hiểm Việt tại Lâm Đồng, việc các cơ quan quản lý du lịch địa phương ký kết hợp tác du lịch với nhau tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho các doanh nghiệp du lịch phát triển. Đặc biệt, nếu các liên kết giữa các địa phương diễn ra chặt chẽ sẽ còn là sự cộng hưởng mạnh mẽ để các doanh nghiệp cùng “bắt tay” nhau, tạo một chương trình du lịch khép kín, đáp ứng chất lượng phục vụ cũng như giá cả ưu đãi dành cho khách.
 
Tương tự, Chương trình liên kết du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và bốn tỉnh duyên hải Nam Trung bộ hiện còn vướng ở khâu xây dựng hình ảnh du lịch chung của các địa phương, để giới thiệu trên báo đài, website du lịch và các trung tâm thông tin du lịch của địa phương.
 
Theo báo cáo Tổng kết Chương trình hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và bốn tỉnh duyên hải Nam Trung bộ (giai đoạn 2013 – 2018), việc hợp tác trao đổi thông tin liên quan đến chương trình xúc tiến du lịch còn hạn chế và chưa đi vào chiều sâu. Chương trình hợp tác chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp với điều kiện phát triển du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng biển của các địa phương.
 
Trong lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng, các doanh nghiệp lữ hành Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, các địa phương này có tiềm năng rất lớn để thu hút khách du lịch cao cấp và tăng khả năng chi tiêu của khách trong thời gian lưu trú. Thế nhưng, qua chương trình liên kết chưa khai thác được hết lợi thế này.
 
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, phát triển sản phẩm du lịch liên tuyến giúp tăng sức hấp dẫn điểm đến cho du khách, nhưng việc liên kết giữa các địa phương còn chưa sâu, rộng; có tâm lý so đo giữa địa phương này với địa phương khác dẫn đến sự rời rạc, chưa thống nhất.
 
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Tổng Công ty Du lịch Saigontourist cho biết, tại Bình Định, Phú Yên và Ninh Thuận, các cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 3 sao trở lên vẫn còn khá ít. Với lợi thế điều kiện tự nhiên, danh lam thắng cảnh nổi bật, các địa phương cần sớm đầu tư nhiều cơ sở lưu trú cao cấp hơn và nâng chất lượng dịch vụ du lịch mới phát huy được tiềm năng và thế mạnh du lịch.
 
Gắn kết bền vững
Để liên kết du lịch hiệu quả giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương, cần thắt chặt hơn nữa quá trình hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp lữ hành tại địa phương.
Khách quốc tế tham quan Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Khách quốc tế tham quan Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Do vậy, phương hướng liên kết du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong thời gian tới (giai đoạn 2019 – 2023) đều nhấn mạnh đến yếu tố thống nhất để đạt được kết quả tương xứng tiềm năng và vị thế.
 
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, trong “Chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Thuận – Lâm Đồng giai đoạn 2019 – 2023”, các địa phương sẽ tập trung vào các nội dung về chính sách tạo hành lang kết nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp.
 
Việc kết nối về du lịch không đơn thuần lĩnh vực du lịch mà còn phải gắn kết các lĩnh vực văn hóa, giao thông vận tải và các hoạt động khác để tạo ra những sản phẩm mới thu hút. Mục tiêu mỗi năm, các địa phương sẽ thống nhất chọn ra một hoặc hai nội dung trọng tâm gắn với chương trình du lịch chung “Chợ Bến Thành – Biển Mũi Né – Hoa Đà Lạt” để phối hợp thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, thành lập Tổ nghiên cứu phát triển sản phẩm, nhằm mục đích nắm bắt nhu cầu hoạt động du lịch chung cũng như thống nhất quy định chung về giá sản phẩm cho cả ba địa phương trong cụm liên kết này.
 
Đối với liên kết phát triển sản phẩm đặc trưng, đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao thương hiệu du lịch riêng của ba địa phương nhằm phát huy rõ thế mạnh du lịch từng nơi; tạo sự gắn kết trong từng tỉnh trước khi xây dựng các chương trình liên kết với bên ngoài. Mặt khác, Hiệp hội Du lịch của ba địa phương cần chủ trì việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch; đồng thời vận động các doanh nghiệp xây dựng chính sách kích cầu du lịch (ưu đãi, giảm giá, khuyến mãi…).
 
Tương tự, giai đoạn 2019 – 2023, trong Chương trình hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 4 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ tập trung đề cập đến các địa phương thống nhất phối hợp xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư xen kẽ với các sự kiện, lễ hội để thông tin đến các nhà đầu tư một cách cụ thể và kịp thời.
 
Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Du lịch các địa phương tổ chức các đoàn khảo sát (famtrip, presstrip) cho các doanh nghiệp du lịch tìm hiểu đầu tư xây dựng các tour, tuyến điểm du lịch. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tham gia kích cầu du lịch thông qua các chương trình khuyến mại, giảm giá dịch vụ du lịch nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.
 
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, để du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh biết các điểm đến các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, bốn tỉnh tham gia ký kết Chương trình giai đoạn 2019 – 2023 cần chọn ra một điểm đến du lịch để làm thông điệp chung. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thành phố quảng bá và đưa điểm đến vào xây dựng, chào bán tour tuyến cho các đối tác du lịch trong và ngoài nước.
 
Với vai trò là đầu tàu du lịch và kết nối, Thành phố Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương cùng hợp tác, xúc tiến quảng bá du lịch và đưa khách về các tỉnh, thành lân cận. Song song đó, các địa phương tích cực thực hiện các chương trình kích cầu, giảm giá ưu đãi và nâng cấp cơ sở lưu trú để doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour mới, giữ chân du khách với các dịch vụ du lịch chất lượng, ổn định./.
  Gia Thuận
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm