Liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương - Bài 1

Liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương - Bài 1
Bài 1: Hiệu quả từ các chương trình liên kết
Liên kết phát triển du lịch là yêu cầu tất yếu, do vậy ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với các địa phương, nhất là các tỉnh, thành lân cận nhằm hợp tác phát triển du lịch liên tỉnh một cách chặt chẽ. Qua đó, mời gọi doanh nghiệp đầu tư; kích cầu du lịch trong nước, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Du khách quốc tế tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Bưu điện Thành phố. Ảnh: An Hiếu – TTXVN
Du khách quốc tế tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Bưu điện Thành phố. Ảnh: An Hiếu – TTXVN

Tam giác phát triển liền mạch
Chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Thuận – Lâm Đồng (giai đoạn 2013 – 2018) được các địa phương đánh giá là một trong các chương trình hợp tác du lịch khá hiệu quả, nhận được sự quan tâm sâu sát từ các cấp lãnh đạo và được tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp liên quan cùng nhau phối hợp, hỗ trợ. Đánh giá kết quả sau 5 năm liên kết tam giác phát triển, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các nội dung trong Chương trình hợp tác đã góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch của các địa phương, vừa đẩy mạnh khai thác thị trường khách quốc tế và nội địa vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng về lượng khách đến các địa phương. Bên cạnh đó, sự đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch cũng đã ngày càng đáp ứng được nhu cầu của du khách. Tính đến nay, hơn 50% các dự án lĩnh vực du lịch ở Bình Thuận và Lâm Đồng đều do các doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh khai thác, đầu tư.

Riêng tại Bình Thuận, các nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai 239 dự án du lịch, chiếm 62% tổng số dự án được chấp thuận đầu tư tại tỉnh này với tổng số vốn đầu tư gần 31.250 tỷ đồng.

Tại Lâm Đồng, có đến 100 dự án du lịch đến từ các nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, chiếm 44% tổng số dự án được chấp thuận đầu tư tại Lâm Đồng, với tổng số vốn khoảng 30.000 tỷ đồng.
Du khách tham quan Tháp PôsahInư, thành phố Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Du khách tham quan Tháp PôsahInư, thành phố Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư du lịch, Thành phố Hồ Chí  Minh cùng với tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng còn liên kết cùng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển, đảo, nhằm quảng bá hình ảnh và điểm đến du lịch ở các địa phương.

Cụ thể như Chương trình du lịch sinh thái liên kết ba địa phương: Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng) – Bàu Trắng, Suối Tiên, Hồ Biển Lạc (Bình Thuận) – Du lịch sinh thái Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh); Chương trình du lịch gắn kết văn hóa, lịch sử, kiến trúc ba địa phương: Cồng chiêng Tây Nguyên, hệ thống kiến trúc châu Âu (Lâm Đồng) – Lâu đài rượu vang, tháp Bà Poshanu, Trường Dục Thanh (Bình Thuận) – Khu di tích Địa đạo Củ Chi – Dinh Thống Nhất – Nhà thờ Đức Bà (Thành phố Hồ Chí Minh).

Từ những nỗ lực hợp tác các địa phương và sự chủ động của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch, chương trình liên kết hợp tác tam giác phát triển đã đạt được mục tiêu thu hút du khách trong và ngoài nước.

Đại diện ngành Văn hóa du lịch các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng cho hay, trong 5 năm trở lại đây, trung bình hàng năm, lượng khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng ước đạt 50% trên tổng số khách du lịch. Qua đó, tiếp tục quảng bá hình ảnh du lịch và điểm đến của ba địa phương trong Tam giác phát triển liên tục, hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Lan Ngọc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh -  Lâm Đồng – Bình Thuận là những trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Nam. Chương trình liên kết ba tỉnh, thành là giải pháp thiết thực, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế phát triển du lịch của các địa phương, phù hợp với tính đặc trưng “liên vùng” của du lịch đã được xác định trong Nghị quyết 08-NQ/TW (16/1/2017) của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Liên kết phát triển du lịch biển, đảo 
Nhiều năm qua, sản phẩm du lịch biển, đảo luôn có sức hút, lôi cuốn cả du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, trong công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch, lãnh đạo ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm, xúc tiến kết nối với các tỉnh, thành duyên hải Nam Trung bộ, nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch biển, đảo nhiều hơn đến với du khách.

Biển Đồi Dương - Phan Thiết đông đảo du khách vào những dịp Lễ, Tết. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Biển Đồi Dương - Phan Thiết đông đảo du khách vào những dịp Lễ, Tết. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Theo đó, từ năm 2013, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã ký kết song phương Chương trình hợp tác phát triển du lịch (giai đoạn 2013 – 2018). Đến nay, các hoạt động được cam kết trong chương trình đã đồng loạt được triển khai, tạo được sự gắn kết giữa các địa phương.

Hơn thế nữa, từ chương trình hợp tác này, các địa phương còn ghi nhận những chuyển biến tích cực với số lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Kéo theo đó là sản phẩm du lịch dần được nâng cao về chất lượng và số lượng, tạo được những dấu ấn riêng trong lòng du khách. 

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, qua Chương trình này, các sản phẩm du lịch ở địa phương được đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng kết nối tour, tuyến du lịch. Đáng lưu ý là sự phối hợp chặt chẽ trong hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp du lịch các địa phương cùng hỗ trợ thông tin, kết hợp các chính sách ưu đãi nhằm giới thiệu đến du khách những tour tuyến hấp dẫn, giá ưu đãi.
Theo báo cáo tổng kết Chương trình hợp tác giai đoạn (2013 – 2018), riêng tại Khánh Hòa, với điều kiện thuận lợi về giao thông, thời tiết, khí hậu của địa phương, nhiều nhà đầu tư đã tập trung khai thác, trong đó có gần 50 dự án du lịch đến từ các nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Một số dự án khi đưa vào hoạt động đã đạt được hiệu quả cao, là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước như: Khu du lịch Suối khoáng nóng Tháp Bà; Khu du lịch và giải trí Nha Trang, Khách sạn Novotel Nha Trang…
Là doanh nghiệp lữ hành hàng đầu cả nước chú trọng tập trung khai thác du lịch ở các điểm đến khu vực biển, đảo, đại diện Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho biết, trong những năm qua, đơn vị đã xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú tại các địa phương như: Sài Gòn – Ninh Chữ (Ninh Thuận); Sài Gòn – Yasaka (Khánh Hòa), Sài Gòn – Phú Yên; Sài Gòn – Quy Nhơn (Bình Định). Tại các cơ sở lưu trú, Saigontourist đã ghi nhận được nhiều đánh giá cao từ phía các khách du lịch trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Chương trình liên kết hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương còn tập trung hỗ trợ, giới thiệu cho các địa phương các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch có uy tín của thành phố. Từ đó, các địa phương tiếp tục chủ động liên kết, hợp tác, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực phục vụ dịch vụ du lịch ngày càng chuyên nghiệp ở các địa phương./.
 Gia Thuận
 Bài 2: Hướng tới liên kết, phát triển du lịch bền vững
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm