Khuyến khích đầu tư phát triển du lịch vùng cửa ngõ Tây Bắc

Khuyến khích đầu tư phát triển du lịch vùng cửa ngõ Tây Bắc
Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái cho biết, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch theo 4 vùng đó là: Vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận; vùng du lịch miền Tây và vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên.

Khuyến khích đầu tư phát triển du lịch vùng cửa ngõ Tây Bắc ảnh 1
Với cộng đồng 30 dân tộc, nhiều nét văn hóa riêng, tài nguyên du lịch phong phú, Yên Bái có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy, đây là một trong ba hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam với 19 nghìn ha mặt nước; 1.300 đảo có hệ thống động thực vật phong phú. Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà. Sản phẩm du lịch đặc trưng được xác định là: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng và du lịch thể thao, vui chơi, giải trí.

Vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận được xác định sẽ tập trung các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch văn hóa tâm linh; du lịch hội nghị, hội thảo, hội chợ; du lịch tìm hiểu lịch sử; du lịch sinh thái gắn với thể thao…

Nổi bật với các danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đèo Khau Phạ, đỉnh Tà Xùa, Tà Chì… cùng các giá trị văn hóa phi vật thể của người Thái, người Mông, người Mường, vùng du lịch miền Tây của tỉnh Yên Bái được xác định phát triển theo hướng chú trọng tới các sản phẩm như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch lễ hội…

Khuyến khích đầu tư phát triển du lịch vùng cửa ngõ Tây Bắc ảnh 2
Du lịch Yên Bái sẽ trở thành ngành có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh minh họa: Internet. 

Vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên, với điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như Đền Đông Cuông - một trong những điểm đến quan trọng trong hệ thống đền, phủ của Đạo Mẫu Việt Nam, tỉnh Yên Bái xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là du lịch tín ngưỡng tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng.

Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tạo đà cho phát triển du lịch, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính... Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, hiện nay, thời gian cấp quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh Yên Bái giảm từ 25 ngày xuống còn 10 ngày; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giảm từ 5 ngày xuống còn 3 ngày, thủ tục thành lập doanh nghiệp giảm từ 3 ngày xuống còn 2 ngày. Tỉnh đã thành lập các tổ công tác do lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp làm tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan nhằm đồng hành, hỗ trợ, cùng doanh nghiệp từng bước tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động đầu tư kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thực tế hiện nay, du lịch Yên Bái phát triển chưa tương xứng tiềm năng; dịch vụ du lịch còn thiếu, chất lượng chưa cao, nhất là dịch vụ lưu trú; sản phẩm du lịch thiếu đa dạng. Việc huy động nguồn lực đầu tư dự án lớn cho phát triển du lịch của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn...

Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo xây dựng ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, trong đó có lĩnh vực du lịch, giai đoạn 2017-2020. Theo đó, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ về san tạo mặt bằng; hỗ trợ trong việc quảng cáo, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm trên Website và các kênh thông tin khác của tỉnh...

Khuyến khích đầu tư phát triển du lịch vùng cửa ngõ Tây Bắc ảnh 3
Tỉnh Yên Bái xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là du lịch tín ngưỡng tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng. Ảnh minh họa: Theo Báo ảnh Việt Nam.

HĐND tỉnh Yên Bái đã ra Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định 24 của UBND tỉnh nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư về du lịch. Theo đó, đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch có giá trị từ 200 tỷ đồng trở lên sẽ được hỗ trợ chi phí san lấp mặt bằng (không quá 3 tỷ đồng), hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng trong phạm vi dự án. Riêng đối với các dự án lớn, có tác động mạnh đến xã hội, giá trị đầu tư 10 nghìn tỷ đồng trở lên, Yên Bái cam kết sẽ tiếp tục điều chỉnh để tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án.

Là tỉnh miền núi nằm ở cửa ngõ Tây Bắc, trên trục hành lang kinh tế trọng điểm Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Yên Bái giữ vị trí trung tâm kết nối giao thông của các tỉnh miền núi phía Bắc. Với cộng đồng 30 dân tộc, nhiều nét văn hóa riêng, tài nguyên du lịch phong phú, Yên Bái có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Với những thay đổi trong chính sách khuyến khích và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cùng các lợi thế của mình, du lịch Yên Bái sẽ trở thành ngành có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn này.
Đinh Hữu Dư (TTXVN) 

Có thể bạn quan tâm