Khôi phục vị thế cây quế Trà My

Khôi phục vị thế cây quế Trà My
Ông Nguyễn Thành Tiêu, dân tộc Xơ Đăng, ở thôn 3, xã Trà Leng, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, là người trồng quế hạng "siêu" ở xứ sở này. Hiện, gia đình ông Tiêu có hơn 10ha quế gốc Trà My loại từ 5-20 năm tuổi. Năm nay, ông tiếp tục phát dọn nương rẫy trồng mới 50 nghìn cây quế con. 

Ông Tiêu kể rằng giai đoạn trước năm 1995, một cây quế gốc Trà My khoảng 10 năm tuổi có thể bán hơn 10 chỉ vàng. Nhưng hơn hai chục năm trở lại đây, giá quế rớt thê thảm không rõ nguyên nhân. Có năm, một kg quế vỏ chỉ bán được hơn 10 nghìn đồng. Chính vì thế mà nhiều hộ trồng quế như ông Tiêu thua lỗ nặng. Một số gia đình đã phải chặt bỏ cây quế lấy đất trồng keo, chuối... 

Kể từ năm 2011, khi tỉnh Quảng Nam đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vỏ quế Trà My, đã đưa giá thu mua tăng lên gấp đôi, giúp người trồng quế yên tâm phát triển. Hiện tại 1kg quế vỏ bán tại chỗ từ 10- 50 nghìn tùy theo chủng loại. Ông Nguyễn Thành Tiêu cho biết:
 
- Quế Trà My có chỉ dẫn địa lý, sau này chúng tôi vận động bà con trồng thêm, tệ nhất 1 năm trồng thêm khoảng 5-6 trăm cây. Gia đình nào có nhiều giống quế thì trồng cỡ hơn ngàn cây. Bà con ở đây rất mê cây quế. Giờ đây chúng tôi sẽ tiếp tục trồng.
 
Quế Trà My. Ảnh: Mai Thành Dũng
Quế Trà My.  Ảnh: Mai Thành Dũng

Vỏ quế Trà My chứa nhiều tinh dầu hơn tất cả các loại quế khác ở Việt Nam hiện nay. Tinh dầu quế có tác dụng chữa các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, kích thích sự tuần hoàn của máu, lưu thông huyết mạch, giúp cơ thể ấm lên và có tính chất sát trùng. 

Trước đây, vỏ quế chủ yếu được chế biến thành quế kẹp, quế thanh, quế ống hoặc nấu tinh dầu theo cách thủ công rồi xuất khẩu ra thị trường thế giới. Còn hiện nay, với sự quan tâm đầu tư từ các doanh nghiệp, nhiều sản phẩm công nghiệp dược liệu, hương liệu từ quế Trà My đang dần hình thành, tạo cơ hội để phát triển vùng nguyên liệu. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Nam tập trung thu mua, chế biến sản phẩm từ quế như các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, rượu quế, bột quế, tăm xỉa từ thân quế… 

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược – sâm Ngọc Linh Quảng Nam cho biết:
 
- Chúng tôi đang phối hợp với trường Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh nghiên cứu một số sản phẩm từ cây quế Trà My như viên ngậm, kẹo ngậm. Cây quế ngày xưa chỉ dùng thô thôi. Bây giờ, mình chiết xuất lấy tinh dầu đưa vào thành phần trong thuốc thì giá trị sẽ tăng lên và thực sự phục vụ cho sức khỏe con người. Ngoài ra, chúng tôi còn liên kết với đối tác bên ngoài tìm nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
 
Nam Trà My hiện có hơn 1.900 ha quế gốc Trà My. Năm 2015, huyện này đã xây dựng 9 vườn ươm với gần 1 triệu cây giống cung cấp cho dân; đồng thời quy hoạch 6 nghìn ha đất lâm nghiệp trồng quế với mục tiêu biến nơi đây trở thành thủ phủ quế của khu vực miền Trung – Tây Nguyên vào năm 2020. Tuy nhiên, chứng nhận chỉ dẫn địa lý mới chỉ dừng lại ở khâu xác định nguồn gốc, xuất xứ. Muốn khẳng định thương hiệu bền vững cho quế Trà My trên thị trường, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người trồng quế, cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học. 

 
Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm