Hội thảo “Giải pháp thu hút thương hồ và khách tham quan tại Chợ nổi Cái Răng”

Hội thảo “Giải pháp thu hút thương hồ và khách tham quan tại Chợ nổi Cái Răng”
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Đa số các ý kiến tại Hội thảo cho thấy Chợ nổi Cái Răng còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng cần các giải pháp đồng bộ, dài hơi. Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng cho biết: Được hình thành từ tập quán sinh hoạt của người dân địa phương với nét văn hóa đặc trưng gắn liền với miền sông nước, Chợ nổi Cái Răng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc và đặc biệt có ý nghĩa trong phát triển du lịch.

Ngày 10/3/2016, văn hóa Chợ nổi Cái Răng chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia”. Đây là ưu thế của Cần Thơ trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút khách du lịch, doanh thu… của Chợ nổi Cái Răng vẫn được đánh giá còn quá thấp so với tiềm năng.

Một mô hình tiểu cảnh được làm từ trái cây trưng bày tại Ngày Hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” năm 2018. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Một mô hình tiểu cảnh được làm từ trái cây trưng bày tại Ngày Hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” năm 2018. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra do quy hoạch phát triển chưa đồng bộ. Ở tầm quản lý vĩ mô, hiện Chợ nổi Cái Răng chưa có nhà hàng, quán ăn chuyên phục vụ du khách, chưa có nhà vệ sinh đạt chuẩn; khu vực chợ nổi chưa có bến tàu du lịch. Về phía người dân buôn bán và sinh hoạt tại chợ nổi, đa phần tiểu thương kinh doanh theo hình thức tự phát, do đó giá cả, chất lượng cũng như ý thức bảo vệ môi trường chưa được đảm bảo.

Hoạt động tái hiện làng nghề truyền thống dệt chiếu tại Ngày Hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” năm 2018. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Hoạt động tái hiện làng nghề truyền thống dệt chiếu tại Ngày Hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” năm 2018. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Ban Quản lý di tích thành phố Cần Thơ cho rằng cần đẩy mạnh quảng bá về hình ảnh Chợ nổi Cái Răng trên các kênh truyền thông một cách “trung thực”, tránh tô vẽ khiến du khách thất vọng khi đến tham quan thực tế. Đồng thời cần có các biện pháp quản lý về giá ghe tàu cũng như giá hàng hóa, dịch vụ tại chợ nổi để thống nhất, niêm yết rõ ràng, giúp du khách yên tâm sử dụng dịch vụ, không lo bị "chặt chém"...

Trưng bày các sản phẩm du lịch, đặc sản địa phương tại ngày hội. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Trưng bày các sản phẩm du lịch, đặc sản địa phương tại ngày hội.
Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Các đại biểu cũng nêu những giải pháp khác như: Cần đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm cho du khách khi tham quan Chợ nổi Cái Răng, trong đó gắn chặt với các tuyến du lịch sinh thái miệt vườn; Phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của Cần Thơ, tránh tình trạng hàng hóa chung chung, chất lượng kém, giá cả lộn xộn…

Một giải pháp không kém phần quan trọng được các đại biểu nêu ra là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Trong đó nhấn mạnh đến việc bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn viên, hướng tới các quy chuẩn quốc tế, ngoại ngữ lưu loát, am hiểu văn hóa Cần Thơ…

Trưng bày các sản phẩm du lịch, đặc sản địa phương tại ngày hội. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Trưng bày các sản phẩm du lịch, đặc sản địa phương tại ngày hội.
Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ đầu năm đến nay, tổng lượng khách đến Cần Thơ đạt xấp xỉ 300.000 lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó khách du lịch quốc tế chiếm hơn 35.500 lượt, khách nội địa hơn 267.800 lượt. Riêng Chợ nổi Cái Răng thu hút được 145.447 lượt khách.
Ánh Tuyết 

Có thể bạn quan tâm