Hậu Giang "sống lại" nghề làm lồng đèn truyền thống

Hậu Giang "sống lại" nghề làm lồng đèn truyền thống
                                Hậu Giang "sống lại" nghề làm lồng đèn truyền thống ảnh 1
                                     Gia đình anh Sơn tranh thủ thời gian nhàn rỗi để gia công lồng đèn.

Nghề làm lồng đèn thì quanh năm, nhưng rộ nhất là dịp Tết Trung thu. Ông Phạm Hữu Minh, chủ cơ sở gia công lồng đèn truyền thống ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Vào mùa trung thu, ước tính bình quân mỗi ngày, gia đình tôi tự làm và thu gom từ những hộ dân gia công cho cơ sở khoảng 8.000 cái lồng đèn các loại. Sản lượng tăng 10% so với năm rồi”.

Ngày càng chiếm lĩnh thị trường

Gần nửa tháng nay, các cơ sở gia công làm lồng đèn truyền thống trên địa bàn huyện Long Mỹ đã bắt đầu sôi động hẳn lên. Anh Võ Minh Đấu, ở ấp 10, xã Thuận Hưng, chia sẻ: “Làm lồng đèn rộ nhất là vào đầu tháng 7 (âm lịch), nên chúng tôi tranh thủ làm để kịp giao hàng cho các cơ sở gia công tại địa phương”. Ông Minh cho biết mấy năm về trước, khi sản phẩm lồng đèn Trung Quốc “lên ngôi” cũng chính là lúc lồng đèn truyền thống gặp nhiều khó khăn, thậm chí là mất dần hình ảnh trong tâm trí người dân. Do đó, nhiều thợ làm lồng đèn không đủ lòng kiên nhẫn đã “chia tay” với nghề. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, lồng đèn truyền thống đã bắt đầu có ưu thế trở lại và ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong nước. Bởi sản phẩm này đang được cách tân với nhiều kiểu dáng bắt mắt và phong phú hơn về mẫu mã.

Hiện có đến 30-40 mẫu lồng đèn truyền thống. Tất cả đều được trang trí bằng những hoa văn khác nhau như hình ảnh đất nước, cô tiên, hoặc phỏng theo hình của những con vật,... Còn giá bán ngoài thị trường cũng rất “mềm”, tầm khoảng 10.000-40.000 đồng/cái nên rất phù hợp với túi tiền của người sử dụng. Trong khi đó, hiện nay người dân đã quay lưng đối với lồng đèn Trung Quốc, vì họ rất e ngại khi cho con em mình sử dụng.

Chị Hồ Kim Xuyến, ở ấp 1, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho hay: “Mỗi lần nhắc đến lồng đèn Trung Quốc thì con tôi rất sợ. Vì thế tôi thường chọn lồng đèn mang thương hiệu Việt để mua hoặc tự tay mình làm cho các con chơi. Nó vừa vui nhà vui cửa mà cũng không phải tốn kém nhiều chi phí”.

Giải quyết công ăn việc làm

Sản phẩm đèn truyền thống đang “lên ngôi” không những tiếp tục khẳng định vị thế hàng Việt trên thương trường, mà còn góp phần “xóa đói giảm nghèo” cho lượng lớn lao động nhàn rỗi ở nông thôn thông qua việc gia công cho các cơ sở tại địa phương. Trung bình hàng năm, cơ sở của ông Phạm Hữu Minh đã giải quyết việc làm cho hơn 130 hộ dân trong và ngoài địa bàn xã Vĩnh Thuận Đông. Bên cạnh đó, cơ sở này còn sẵn sàng dạy nghề cho bà con khi có nhu cầu. Quan trọng là đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu ổn định để họ yên tâm gắn bó với nghề.

Theo anh Trần Hoàng Sơn, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Đông, nếu so với các nghề thủ công mỹ nghệ khác thì nghề gia công sản phẩm lồng đèn không phải tốn tiền đầu tư, mà chỉ cần sự kiên trì, khéo tay cùng với đôi mắt mỹ thuật. Song, bù lại khoản thu nhập hoàn toàn xứng đáng với công sức mà mình bỏ ra. Anh Sơn bộc bạch: “Ngoài chăn nuôi, tôi tranh thủ những lúc nhàn rỗi làm gia công lồng đèn để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, khoảng 50.000 đồng/ngày. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng đủ trang trải cho con ăn học”.

Ông Võ Minh Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho rằng: “Nghề làm lồng đèn truyền thống trên địa bàn xã đã giải quyết việc làm cho rất nhiều bà con nghèo nơi đây, góp phần vào mục tiêu “xóa đói giảm nghèo”. Khi mà cuộc sống của hầu hết số hộ gia công lồng đèn từng bước cải thiện rõ rệt. Vì vậy, trong thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích nhân rộng để tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế của cái nghề gia công lồng đèn truyền thống đầy triển vọng này”.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm