Hải Dương gắn kết du lịch giúp làng nghề phát triển

Hải Dương gắn kết du lịch giúp làng nghề phát triển
Hiệu quả bước đầu 

Thực tế cho thấy, việc triển khai loại hình du lịch làng nghề ở một số địa phương trong tỉnh Hải Dương thời gian qua đã và đang mang lại những hiệu quả bước đầu, giúp các làng nghề truyền thống vừa có thêm cơ hội quảng bá, vừa bán được nhiều sản phẩm. Theo ông Khổng Quốc Tuân - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Du lịch Hải Dương, nhờ sự kết nối với du lịch mà những làng nghề phát triển ngày càng mạnh mẽ như gốm Chu Đậu, gỗ mỹ nghệ Đông Giao, bánh gai Ninh Giang… 

Không gian gốm Chu Đậu. Ảnh: Hồng Kỳ - TTXVN
Không gian gốm Chu Đậu. Ảnh: Hồng Kỳ - TTXVN


Ông Nguyễn Văn Thế, chủ tiệm bánh gai Minh Tân (thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang) cho biết, cơ sở ông thường đón nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, đặc biệt là dịp lễ, Tết và cuối tuần. Đến đây, tận mắt quan sát và tìm hiểu quy trình làm nên một chiếc bánh gai, du khách có thể tự tay thử gói bánh, thưởng thức những chiếc bánh mới luộc còn bốc khói. Sau đó, những chiếc bánh gai đậm đà vị quê đất lúa Ninh Giang đã theo chân du khách đến với nhiều địa phương trong và ngoài nước. Mỗi ngày, trung bình tiệm bánh Minh Tân bán ra thị trường khoảng 2.000 chiếc và có thể số lượng lớn hơn gấp nhiều lần vào những dịp Tết. 

Tương tự, làng nghề gốm Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách) cũng là một điển hình cho thấy thành công từ việc gắn kết du lịch với làng nghề. Những năm qua, nơi đây đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước tìm đến mỗi năm. Sản phẩm gốm Chu Đậu ngày càng đa dạng, phong phú về kiểu dáng, mẫu mã, trở thành một món quà lưu niệm độc đáo mà du khách thích thú chọn mua khi đến thăm làng nghề. 

Để hỗ trợ cho các làng nghề trong việc quảng bá tên tuổi, thời gian qua, Trung tâm xúc tiến du lịch Hải Dương đã có nhiều hoạt động như: Tạo điều kiện cho một số đại diện làng nghề tham gia hội chợ xúc tiến du lịch ở các tỉnh bạn, kết hợp với việc tổ chức đưa doanh nghiệp lữ hành và báo chí khảo sát các điểm làng nghề. 

Tiềm năng bỏ ngỏ 

Theo Sở Công thương Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 66 làng nghề, sản phẩm đa dạng từ đồ gỗ, cơ khí, thêu ren, chế biến nông sản thực phẩm, gốm sứ, làm hương… Tuy nhiên, số làng nghề ở Hải Dương phát huy hiệu quả từ việc gắn kết du lịch hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo lý giải của một số địa phương, mỗi làng nghề có một loại sản phẩm đặc trưng, không phải làng nghề nào cũng phù hợp với việc phát triển du lịch, nên nhiều nơi không đặt kỳ vọng và chủ động kết nối với ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành để đưa du khách đến tham quan. 

Tuy nhiên, ý kiến một số người hoạt động trong lĩnh vực du lịch lại cho rằng, việc gắn kết làng nghề với du lịch không chỉ đơn thuần là tổ chức đưa du khách đến tận nơi để tham quan mà còn đưa các sản phẩm làng nghề đến với du khách. Cụ thể, theo ông Khổng Quốc Tuân - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Du lịch Hải Dương, cần khai thác tối đa lợi thế những điểm dừng chân dọc các tuyến quốc lộ đi qua tỉnh Hải Dương, coi đây là một kênh lý tưởng để quảng bá, đưa sản phẩm của nhiều làng nghề trong tỉnh tiếp cận với du khách trong và ngoài nước khi đến với Hải Dương. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 18 điểm dừng chân, nơi bày bán quà lưu niệm và đặc sản địa phương. Các làng nghề cần kết nối và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các địa chỉ này, m ở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống ở các điểm dừng chân nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề. 

Quy hoạch phát triển hệ thống làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 820/QĐ- UBND ngày 25/4/2013 của UBND tỉnh Hải Dương đã xác định: “Tiềm năng về du lịch làng nghề của Hải Dương là rất lớn, việc phát triển du lịch gắn với các làng nghề truyền thống là hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển kinh tế”. Trước những thách thức về cơ sở hạ tầng của các làng nghề nói chung và Hải Dương nói riêng thì tỉnh cần tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng các tuyến giao thông nội tỉnh, nội huyện cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ; gắn du lịch làng nghề với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái… để tăng khả năng chiếm lĩnh thị trường cho các sản phẩm làng nghề của tỉnh. 

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp lữ hành, để du lịch làng nghề hấp dẫn được du khách, bản thân các làng nghề phải tăng nội lực bằng cách cải tiến chất lượng sản phẩm, chú trọng đến bảo vệ môi trường. Song hành với đó, ngành du lịch địa phương cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch làng nghề, nâng cao nhận thức của những người trong làng nghề về giá trị của du lịch đem lại cũng như các kiến thức làm du lịch. Đây chính là những điều kiện quan trọng để tối ưu hóa các tiềm năng từ các làng nghề, không chỉ ở giá trị các sản phẩm độc đáo mà còn ở các giá trị về không gian văn hóa, lịch sử, cảnh quan..., từ đó giúp làng nghề phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm