Hà Nội phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó

Hà Nội phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó
Nghề làm giấy Dó của làng Yên Thái xưa (nay thuộc phường Bưởi) là nghề thủ công truyền thống nổi danh đất Thăng Long. Ảnh: thanglong.gocom.vn
Nghề làm giấy Dó của làng Yên Thái xưa (nay thuộc phường Bưởi) là nghề thủ công truyền thống nổi danh đất Thăng Long. Ảnh: thanglong.gocom.vn

Điểm du lịch này đặt tại khuôn viên Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ phường Bưởi, phố Trích Sài, quận Tây Hồ. Từ nay đến cuối năm, quận Tây Hồ gấp rút hoàn thành thu thập hiện vật, hình ảnh, tư liệu trưng bày; hoàn thành dự án phục dựng mô hình nghề sản xuất truyền thống làm giấy Dó thuộc làng Yên Thái xưa. Cơ quan phục dựng sẽ lấy nhà truyền thống làm trung tâm, xung quanh xây dựng các nhà, lán, phục dựng tượng và công cụ mô phỏng theo các công đoạn sản xuất. Nhà tưởng niệm sẽ làm nơi giới thiệu, trình chiếu phim tư liệu về làng nghề, trưng bày giới thiệu các điểm di tích, thắng cảnh của phường Bưởi. Sân khấu ngoài trời tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, đồng thời bổ sung một sân khấu nhỏ để tổ chức các chương trình nghệ thuật. 

Năm 2018, phường Bưởi và quận Tây Hồ tiếp tục hoàn thành cải tạo, nâng cấp hạ tầng cụm di tích đình, chùa Võng Thị và Đài tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ phường Bưởi; xây dựng khu tổ chức trưng bày các sản phẩm lưu niệm, đồ xưa, đá quý và đặc sản của quận Tây Hồ. Đồng thời, tạo khuôn viên vui chơi, giải trí ngoài trời, trang bị kỹ năng làm du lịch cho dân cư địa phương…nhằm đưa điểm du lịch vào hoạt động, đón khách tham quan. 

Hoạt động tham quan mô hình nghề sản xuất truyền thống làm giấy Dó kết hợp với các điểm du lịch tâm linh đình, chùa Võng Thị diễn ra tất cả các ngày trong tuần. Ban tổ chức cũng tổ chức cho khách du lịch tham gia tương tác một vài công đoạn trong quy trình sản xuất giấy Dó. Vào các tối thứ 6 hàng tuần, tại đây cũng tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Điểm tham quan này còn có trưng bày đồ lưu niệm, khu viết thư pháp, khu trưng bày bán tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống… 

Những năm qua, cứ gần đến Tết Nguyên Đán, tại Hà Nội lại xuất hiện một đoạn " Phố chữ " chạy dọc theo đoạn tường bao cổ kính, rêu phong của Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Tại đây, người ta bày bán đủ các thể loại chữ, từ chữ nho đến chữ quốc ngữ được viết trên giấy dó, trên gỗ, trên đá theo kiểu thư pháp. Phố chữ giờ đã đông người "bày mực tàu, giấy đỏ", nhiều người xin chữ với lòng thành kính, góp phần làm đẹp và tăng thêm nét văn hoá của Thủ đô mỗi khi Tết đến Xuân về. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Những năm qua, cứ gần đến Tết Nguyên Đán, tại Hà Nội lại xuất hiện một đoạn " Phố chữ " chạy dọc theo đoạn tường bao cổ kính, rêu phong của Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Tại đây, người ta bày bán đủ các thể loại chữ, từ chữ nho đến chữ quốc ngữ được viết trên giấy dó, trên gỗ, trên đá theo kiểu thư pháp. Phố chữ giờ đã đông người "bày mực tàu, giấy đỏ", nhiều người xin chữ với lòng thành kính, góp phần làm đẹp và tăng thêm nét văn hoá của Thủ đô mỗi khi Tết đến Xuân về. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Nghề làm giấy Dó của làng Yên Thái xưa (nay thuộc phường Bưởi) là nghề thủ công truyền thống nổi danh đất Thăng Long. Tiếng chày giã Dó trở thành nét đặc trưng của đất Kinh kỳ, đã đi vào ca dao và ngấm vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Hà Nội. Việc sản xuất duy trì đến năm 1991, hợp tác xã sản xuất giấy Dó giải thể do thiếu nguyên liệu, không tiêu thụ được và nghề làm giấy Dó đã mai một. Hiện, các tư liệu, hiện vật của làng nghề không còn hoặc còn lại rất ít; nghệ nhân, thợ hiểu biết về nghề làm giấy không còn nhiều, tuổi đã cao. Việc phục dựng mô hình làm nghề giấy Dó vừa tạo điểm tham quan cho du khách, đồng thời vừa giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống địa phương.
Đinh Thị Thuận 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm