Du lịch Lào Cai - lĩnh vực đột phá kinh tế địa phương

Du lịch Lào Cai - lĩnh vực đột phá kinh tế địa phương
Bản làng vùng cao không còn heo hút

Trước kia, khi nhắc đến cụm từ “bản làng vùng cao", "vùng sâu", "vùng xa", dễ liên tưởng đến sự heo hút, nghèo đói, hay trình độ dân trí thấp. Nhưng kể từ khi mô hình du lịch cộng đồng, du lịch làng bản xuất hiện ở Lào Cai, bản làng lại chính là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Những giá trị độc đáo về cảnh quan tự nhiên, văn hóa tộc người, truyền thống lịch sử quyện hòa nơi vùng đất này đã được các địa phương xây dựng thành những loại hình và tuyến điểm du lịch đặc sắc, mang lại những trải nghiệm khó quên cho du khách gần xa. Sản phẩm du lịch cộng đồng giờ đã thực sự là tâm điểm, hiện diện trong hầu hết các hành trình được thiết kế để giúp du khách khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn vùng đất, con người Lào Cai.
 
Vườn hoa cải vàng óng trên bản Cát Cát, Sa Pa. Ảnh: Hương Thu - TTXVN
Vườn hoa cải vàng óng trên bản Cát Cát, Sa Pa. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Nhờ vậy, Lào Cai được Tổng cục Du lịch đánh giá là địa phương đứng đầu trong cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng homestay với trên 200 homestay tại khắp các địa bàn như Tả Van, Tả Phìn, Lao Chải (Sa Pa); Y Tý (Bát Xát); Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Tả Van Chư, Bản Liền (Bắc Hà); Nghĩa Đô (Bảo Yên)... do người dân trực tiếp đầu tư và thực hiện. Trong 2 năm liên tiếp 2016 và 2017, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch homestay tại xã Tả Van (Sa Pa) và xã Tà Chải (Bắc Hà) được nhận giải thưởng Homestay Asean – Đây là giải thưởng du lịch cộng đồng của Hiệp Hội du lịch các nước Asean trao hàng năm cho các khu vực phát triển du lịch cộng đồng sinh thái bền vững.

Điển hình như thôn Tả Van Giáy 1, xã Tả Van, huyện Sa Pa có 100 hộ dân thì có đến 60 hộ đang phát triển dịch vụ cộng đồng phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách. Nhiều hộ còn mạnh dạn liên kết với các hãng lữ hành để có lượng khách ổn định. Một số hộ khác cho thuê cả nhà rồi cùng tham gia vào chuỗi các hoạt động cộng đồng, để tăng thêm thu nhập.

Mô hình du lịch cộng đồng thực chất là lấy không gian sống và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số làm trung tâm để phát triển du lịch vốn đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng chưa bao giờ nở rộ và được hoạch định bài bản như hiện nay. Bản làng vùng cao giờ không còn heo hút, khách du lịch có thể đến đây, ăn ở, sinh hoạt cùng với đồng bào, tìm hiểu phong tục tập quán, trải nghiệm những không gian sống hoàn toàn mới mẻ. Trên 200 homestay tại khắp các địa bàn như Tả Phìn, Tả Van, Y Tý… giờ đã xuất hiện trong các sách, tạp chí hướng dẫn du lịch, một phần hành trang không thể thiếu của mỗi du khách khi đến với Lào Cai.

Bốn mùa đều có các lễ hội

Năm 2017, Lào Cai lần đầu tiên tổ chức và quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch mới “Lễ hội du lịch bốn mùa” phục vụ du khách. Đây cũng là địa phương duy nhất trên cả nước khi du khách đặt chân đến sẽ được chào đón trong suốt bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bằng sự sáng tạo trong việc xây dựng lịch trình và tổ chức sự kiện, bốn mùa trong năm của Lào Cai đều thực sự là bốn mùa lễ hội với mây ngàn Sa Pa, vó ngựa cao nguyên trắng Bắc Hà, hay kiệt tác ruộng bậc thang được khắc tạc trên núi đồi Bát Xát đều thực sự tỏa sáng, thôi thúc khát khao khám phá, thưởng ngoạn của du khách muôn phương.

Mùa xuân Lào Cai tổ chức các lễ hội đặc sắc, hấp dẫn như Hội xuân Đền Thượng; chuỗi hoạt động các lễ hội đầu xuân tiêu biểu như hội Gầu Tào, hội Xuống Đồng, lễ hội hoa Sa Pa… Lễ hội mùa Hè là những cuộc đua ngựa kỳ thú hay lạc vào những vườn mận thơm mọng trái chín tại cao nguyên trắng Bắc Hà hay tại Sa Pa là những Ngày hội văn hóa Mông, Dao, Giáy, Tày, du lịch khám phá bản làng tại các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại vườn quốc gia Hoàng Liên… Lễ hội mùa Thu quyến rũ diễn ra vào tháng 8, 9, 10 hằng năm đưa du khách thưởng lãm những chân ruộng bậc thang Y Tý, chinh phục các đỉnh núi cao trên 3.000m ở Bát Xát, lễ hội trăng rằm tại Sa Pa, Giải maraton vượt núi quốc tế tại Sa Pa… Lễ hội mùa Đông ấn tượng với lễ hội tuyết tại Sa Pa diễn ra vào đúng dịp Noel đến hết Tết dương lịch.

"Lễ hội du lịch bốn mùa đã được Lào Cai nâng tầm phát triển thành thương hiệu du lịch mới góp phần giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc trưng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của địa phương, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến du lịch", ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,  nhấn mạnh.

Năm 2018, du lịch Lào Cai tiếp tục có sự tăng trưởng tốt, số khách du lịch đến Lào Cai đạt 4,3 triệu lượt người, vượt 7,5% kế hoạch, tăng 22,7% so cùng kỳ, vượt 7,5% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV (giai đoạn 2016-2020) đề ra. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 13.400 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch, tăng 42% so cùng kỳ. Ngoài những con số ấn tượng về lượng khách và doanh thu, các hoạt động được tổ chức trong năm 2018 đã thực sự góp phần giới thiệu, quảng bá mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch của các địa phương Lào Cai.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển du lịch ở Lào Cai vẫn bộc lộ những hạn chế, đó là cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu. Khu du lịch quốc gia Sa Pa có hơn 400 cơ sở lưu trú với gần 5.000 phòng khách sạn, trong đó chỉ có khoảng 800 phòng đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên. Dự báo nhu cầu lưu trú tại Sa Pa đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 10.000 phòng, năm 2030 trên 25.000 phòng, trong đó khoảng 3.000 phòng khách sạn từ 3 sao trở lên. Như vậy, để có 10.000 phòng khách sạn vào năm 2020 đáp ứng nhu cầu lưu trú, Sa Pa cần thêm 6.000 phòng nữa và đến năm 2030 thêm hơn 20.000 phòng. Có thể thấy, Sa Pa đang trong tình trạng thiếu phòng khách sạn và đặc biệt là nơi nghỉ dưỡng cao cấp. Trong bối cảnh này, cuối năm 2018 Sa Pa đã khai trương một loạt khách sạn hạng sang, trong đó có khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế của tập đoàn Sun Group với 249 phòng cùng với nhiều tiện ích sang trọng đẳng cấp. Ngoài ra, một trong những khó khăn đang tác động đến sự phát triển của ngành là chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch – dịch vụ còn thiếu và yếu.

Ông Hà Văn Thắng cho biết, để khắc phục thực trạng trên, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Từ đó, ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực tại địa phương (người dân bản địa) phục vụ du lịch cộng đồng, góp phần tạo việc làm trong khu vực nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, thu hút nguồn nhân lực du lịch có trình độ cao từ các địa phương khác về làm việc tại tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương chú trọng nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo du lịch về cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ cán bộ giảng viên; đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực nhằm mở rộng quy mô, hình thức đào tạo; quan tâm công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, công tác đào tạo lại nguồn nhân lực; khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động đào tạo. Ngoài ra, tỉnh còn nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo cho doanh nghiệp, người dân từ nguồn ngân sách địa phương và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2018 – 2020./.

Hương Thu
TTXVN

Có thể bạn quan tâm