Dự án giảm nghèo bền vững - động lực phát triển kinh tế xã hội vùng cao Sơn Tây, Quảng Ngãi

Dự án giảm nghèo bền vững - động lực phát triển kinh tế xã hội vùng cao Sơn Tây, Quảng Ngãi

Từ nguồn vốn của hai chương trình 135 và 30a, huyện Sơn Tây đã xây dựng 56 công trình trọng yếu như đường giao thông, trạm y tế xã, thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, điện phục vụ sản xuất và dân sinh…Các công trình sau khi hoàn thành được đưa vào sử dụng ổn định góp phần đáng kể trong việc thay đổi diện mạo vùng cao. Đến nay, toàn huyện có trên 5.400 lượt hộ nghèo vay vốn; 450 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở và 559 lao động nông thôn được đào tạo nghề; gần 67.000 lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hơn 112.800 lượt người nghèo dân tộc thiểu số được khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế; hơn 49.600 lượt hộ nghèo được hỗ trợ cây, con giống, tiền mặt…Anh Đinh Văn Vương, xã Sơn Mùa phấn khởi cho biết, từ khi được nhà nước cấp bò giống Zebu, gia đình chăm làm ăn hơn hẳn. Gia đình được hướng dẫn trồng cỏ để nuôi bò. 
 

Ảnh minh họa- TTXVN
Ảnh minh họa- TTXVN



Niềm vui của anh Vương cũng là niềm vui của nhiều hộ được nhận bò giống. Gia đình chị Đinh Thị Bằng không thuộc diện nghèo nhưng vẫn được cấp bò. Đây là chủ trương hay của xã vì muốn tìm người có kinh nghiệm trong chăn nuôi để làm gương cho bà con học tập. “Tôi sẽ nuôi con bò này thật tốt để nó sinh sản rồi chia cho đồng bào mình nuôi, giúp họ cùng vươn lên thoát nghèo” chị Bằng quả quyết. 

Huyện Sơn Tây đã triển khai thực hiện 18 mô hình trình diễn cây lúa nước; 10 mô hình nuôi cá nước ngọt bằng vốn chương trình 30a với trên 139 hộ nghèo tham gia; có hơn 1.100 hộ nghèo được tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đây là những mô hình giảm nghèo hiệu quả đã được nhân rộng.Theo ông Đinh Xuân Bình - Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thật sự là “đòn bẩy” giúp đồng bào vươn lên, tạo sinh kế bền vững để họ thoát nghèo. Nhiều mô hình đã thật sự bén rễ với vùng đất Sơn Mùa. 

Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm đáng kể theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, từ 3.149 hộ nghèo năm 2011 đã giảm xuống còn 1.856 hộ cuối năm 2015; bình quân mỗi năm giảm 6,44%, đạt 5-7% so với mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,8%, đạt 114,7% so với mục tiêu; thua nhập bình quân đầu người cũng tăng lên, đạt hơn 6,8 triệu đồng/người/năm, đạt 105%... 

Ông Đinh Quang Ven, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho hay: Dự án giảm nghèo bền vững đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt miền núi của tỉnh. Đặc biệt nhất phải kể đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, không còn cảnh đồng bào phải trèo đèo, lội suối vào rẫy mưu sinh. Sản vật của rừng đã có giá trị giao thương hơn, giá trị kinh tế hơn. Sơn Tây sẽ còn đổi khác hơn nữa khi có những chủ trương đi vào lòng dân như thế./. 


 

 

Có thể bạn quan tâm