Đồng bào Cơ tu vùng cao Quảng Nam làm du lịch cộng đồng

Đồng bào Cơ tu vùng cao Quảng Nam làm du lịch cộng đồng
Đồng bào Cơ tu biểu diễn điệu múa tung tung da dá phục vụ khách du lịch trong sân nhà gươl của thôn Pà Ia, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Đồng bào Cơ tu biểu diễn điệu múa tung tung da dá phục vụ khách du lịch trong sân nhà gươl của thôn Pà Ia, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Xã Tà Bhing có 7 thôn với 657 hộ đồng bào Cơ tu; tất cả các thôn đều tham gia làm du lịch cộng đồng. Du khách khi tới xã Tà Bhing như lạc vào một không gian sống xanh, yên bình giữa đại ngàn, được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây như xem biểu diễn múa tung tung da dá, dệt thổ cẩm, đan lát, khám phá kỹ năng đi rừng của người địa phương và thưởng thức những món ăn dân dã của núi rừng… Tất cả tạo thành một hành trình khám phá thú vị. Từ đầu năm 2019 đến nay, người dân ở xã Tà Bhing đã đón 8 đoàn khách đến tham quan. Dưới những nếp nhà Cơ tu truyền thống ở thôn Pà rồng, đoàn du khách người Nhật Bản vô cùng thích thú khi nghe chị Cha Hiếp Nung giới thiệu về những công việc hằng ngày của người phụ nữ Cơ Tu từ việc chẻ củi, giã gạo, dệt vải, đi hái thuốc… và tự tay tham gia làm những công việc này cùng với phụ nữ trong thôn. Với nụ cười mến khách, chị Cha Hiếp Nung ân cần giải thích những câu hỏi thắc mắc của các vị khách phương xa liên quan đến cuộc sống, phong tục của người dân địa phương. Gắn bó với công việc hướng dẫn viên du lịch được hơn 4 năm, chị Cha Hiếp Nung rất yêu công việc này bởi ngoài có thêm thu nhập, chị còn được tiếp xúc với nhiều người để giới thiệu về nét văn hóa của đồng bào mình.
Người Cơ tu ở xã Tà Bhing làm những chiếc rọ bằng sợi mây dùng đựng chai nước để bán cho khách du lịch. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
 Người Cơ tu ở xã Tà Bhing làm những chiếc rọ bằng sợi mây dùng đựng chai nước để bán cho khách du lịch. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Chị Cha Hiếp Nung tâm sự: Trước kia, bà con trong thôn rất ngại giao tiếp với người bên ngoài, người phụ nữ lại sống càng khép kín chỉ biết đến công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Mọi việc dần thay đổi khi người dân trong xã được học cách làm du lịch dựa vào những giá trị văn hóa của chính dân tộc mình. Thông qua việc giao lưu với bên ngoài, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như trong các hoạt động của cộng đồng từng bước được khẳng định. Là một trong những người đầu tiên ủng hộ phát triển du lịch cộng đồng, già làng Alăng Tấp, 78 tuổi ở thôn Pà rồng thấy rất rõ những đổi thay tích cực của bản làng mà hoạt động du lịch mang lại. Hiện tại, già làng Alăng Tấp trực tiếp tham gia giới thiệu cho du khách cách đặt bẫy, sử dụng cung nỏ truyền thống của người Cơ tu để xua đuổi thú rừng, bảo vệ mùa màng. Già làng Alăng Tấp cho biết: Hàng ngày, người dân vẫn đi làm những công việc nương rẫy, khi có đoàn khách đăng ký tới tham quan, bà con mới ở nhà chuẩn bị tiếp đón. Từ ngày làm du lịch cộng đồng, mọi người trong thôn bảo nhau giữ gìn môi trường sạch đẹp từ nhà ra ngõ, giữ gìn những ngôi nhà gỗ lợp lá cọ truyền thống, trồng thêm nhiều cây xanh để tạo không gian sống gần gũi với thiên nhiên, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan và quay trở lại.
Một nữ du khách người Nhật Bản được người dân địa phương hướng dẫn cách sẩy thóc. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Một nữ du khách người Nhật Bản được người dân địa phương hướng dẫn cách sẩy thóc. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Mô hình làm du lịch cộng đồng ở xã Tà Bhing ra đời từ năm 2012 với sự hỗ trợ của Tổ chức FIDR (Tổ chức Cứu trợ, Phát triển Quốc tế) đến từ Nhật Bản, với mục tiêu huy động tất cả cộng đồng đều tham gia và cùng hưởng lợi từ hoạt động du lịch tại địa phương. Bà Nobuko Otsuki, đại diện Tổ chức FIDR tại Việt Nam cho biết: Việc thay đổi suy nghĩ của người dân vùng cao vốn chỉ quen với công việc nương rẫy, sống dựa vào thiên nhiên chuyển sang làm du lịch là một quá trình không dễ dàng. Nhưng qua thời gian vận động, người dân ở 7 thôn của xã Tà Bhing đã nhận ra những lợi ích từ phát triển du lịch, vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Mô hình làm du lịch cộng đồng của đồng bào Cơ tu ở xã Tà Bhing đang ngày càng được nhiều du khách Nhật Bản biết tới và lựa chọn tham quan khi đến Việt Nam. Hiện nay, quản lý và điều hành hoạt động du lịch ở xã Tà Bhing là Hợp tác xã du lịch dựa vào cộng đồng Cơ tu - Nam Giang với sự tham gia của 256 thành viên đến từ 7 thôn của xã. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã tổ chức đón hàng chục đoàn khách du lịch, chủ yếu đến từ Nhật Bản và châu Âu. Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN vừa diễn ra vào tháng 1/2019 ở thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng của xã Tà Bhing vinh dự được nhận giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN.
Hướng dẫn khách du lịch cách đánh trống theo điệu múa tung tung da dá. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Hướng dẫn khách du lịch cách đánh trống theo điệu múa tung tung da dá.
Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Giám đốc Hợp tác xã du lịch dựa vào cộng đồng Cơ tu - Nam Giang Briu Thương cho biết, thời gian tới Hợp tác xã sẽ tiếp tục bổ sung thêm các sản phẩm du lịch cộng đồng, phát triển mặt hàng đồ lưu niệm thủ công mỹ nghệ để bán cho du khách. Tuy nhiên, Hợp tác xã chủ trương không chạy theo thương mại hóa trong phát triển du lịch vì có thể làm mai một, biến dạng văn hóa truyền thống, mà hướng tới chất lượng phục vụ du khách dựa trên bản sắc vốn có của đồng bào Cơ tu. Cách làm du lịch của đồng bào Cơ tu ở xã Tà Bhing đang có tác động lan tỏa tới nhiều khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam, góp phần đánh thức những tiềm năng phát triển du lịch vùng cao và từng bước kết nối với những sản phẩm du lịch di sản, du lịch biển đảo, tạo lên nét mới, sự đa dạng cho ngành “công nghiệp không khói” của địa phương.
Đỗ Trưởng

Có thể bạn quan tâm