Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh

Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh
Đây là nội dung chính của Diễn đàn phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ ngày 29/11. Diễn dàn là hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện “Hội chợ Du lịch Quốc tế Cần Thơ – VITM Cần Thơ 2019", diễn ra từ ngày 29/11 – 1/12/2019.
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
 Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Diễn đàn nhằm xác định tài nguyên, điều kiện phát triển du lịch của khu vực; đánh giá việc triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các giải pháp phát triển nhanh du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đưa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thành một trung tâm du lịch của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
 Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Theo báo cáo của các địa phương, đến nay có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố triển khai tích cực, có hiệu quả như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lào Cai, Cần Thơ, Bình Thuận, An Giang, Hòa Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu... Trên cơ sở đó, du lịch Việt Nam đã có những tiến triển đáng kể: Trong 10 tháng năm 2019, du lịch Việt Nam đón hơn 14,4 triệu lượt khách quốc tế (tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018), phục vụ 72,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó có 36,8 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 575.200 tỷ đồng (tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2018). Hiện nay, trên cả nước có 26.291 hướng dẫn viên đã được cấp thẻ, trong đó có 16.672 hướng dẫn viên quốc tế, 9.018 hướng dẫn viên nội địa, 601 hướng dẫn viên tại điểm. Theo báo cáo năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu, Việt Nam Việt Nam xếp hạng 67/136 nền kinh tế được đánh giá (tăng 8 bậc so với năm 2015).
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
 Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam,
phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, một số địa phương đã làm tốt công tác đánh giá tài nguyên du lịch, xác định loại hình du lịch có tiềm năng, thế mạnh phát triển. Đến nay, đã có Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của 7 vùng du lịch và 19 khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch Khu Du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Khu Du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài (Phú Yên), Khu Du lịch quốc gia Tân Trào (Tuyên Quang), Khu Du lịch quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình); Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Núi Bà Đen (Tây Ninh… Sản phẩm du lịch ngày càng phát triển đa dạng, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tạo cơ sở hình thành một số điểm đến hấp dẫn, các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam. Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế. Du lịch MICE trở thành thương hiệu thu hút khách quốc tế của Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại một số tỉnh Tây Bắc, Miền Trung – Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đang dần trở thành điểm đến của loại hình du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các di sản được UNESCO công nhận, đã được khai thác để hình thành các sản phẩm đặc trưng, thương hiệu của điểm đến du lịch để giới thiệu với bạn bè quốc tế, góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Bàn về các giải pháp nhằm phát triển du lịch Việt Nam cũng như các địa phương trong thời gian tới, ông Lê Quang Tùng nhấn mạnh, cần có những chính sách đặc biệt cho các địa phương đầu tàu trong thu hút đầu tư về du lịch, như ưu đãi về: thuế, đất đai, sản phẩm du lịch đặc thù...; chú trọng mô hình hợp tác công tư và ứng dụng công nghệ hiện đại (thị thực điện tử…); đa dạng hóa loại hình đào tạo để gia tăng tỷ lệ nhân lực có trình độ phục vụ trong ngành du lịch… Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, với vai trò là thành phố đầu tàu của Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kết quả, nhận thức xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của ngành du lịch gia tăng. Du lịch giúp tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thúc đẩy mời gọi đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, xúc tiến hợp tác phát triển du lịch, đẩy mạnh du lịch thông minh, phát triển các mô hình du lịch phù hợp với nguồn tài nguyên bản địa. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thành Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết, hiện du lịch địa phương đang có sự chuyển hướng trong định hướng phát triển. Theo đó, thay vì kêu gọi các nguồn lực tài chính bên ngoài trước, Long An sẽ tập trung phát triển du lịch dựa trên tài nguyên và văn hóa bản địa. Ông Thanh dẫn ví dụ, Long An nổi tiếng với cây tràm. Do đó, địa phương đẩy mạnh khai thác tài nguyên từ loại cây này: du lịch sinh thái rừng tràm, kết hợp cung cấp sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách từ cây tràm: tinh dầu, nấm tràm, mật ong hoa tràm… Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ ,chia sẻ, xu hướng lựa chọn của du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay nghiêng nhiều về các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm (farm trip). Khách đã có sự chuyển dịch xu hướng từ nhiều điểm đến trong một tour sang ít điểm nhưng được trải nghiệm nhiều. Do đó, các đơn vị lữ hành đã và đang liên kết với các nhà vườn, điểm du lịch mô hình nông trại để thiết kế các tour theo nhu cầu của khách hàng.
Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa các Hiệp hội Du lịch 3 miền Bắc - Trung - Nam. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa các Hiệp hội Du lịch
3 miền Bắc - Trung - Nam. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW là thời gian tới Việt Nam cần phải mở các văn phòng đại diện ở nước ngoài để xúc tiến du lịch. Việc có các văn phòng phòng đại diện ở nước ngoài sẽ giúp Việt Nam cạnh tranh với các nước ASEAN khác. Ông Sơn cho rằng: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản cây ăn trái, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông - thủy sản cho thị trường thế giới. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch đến năm 2030 trở thành trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng vùng hạ lưu sông Mê Công, mang tầm quốc gia và quốc tế. Du lịch còn được coi là một trong những giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu vốn đang và sẽ gây ra những tác động mạnh và tiêu cực tới sự phát triển nông nghiệp của vùng, với dự báo 45% diện tích vùng nhiễm mặn vào năm 2030, dưới tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng và xâm nhập mặn. Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, những điểm nghẽn khiến du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa phát triển đúng tầm đã được các đại biểu chỉ ra như: sản phẩm du lịch còn trùng lặp, đơn điệu, chưa có sự khác biệt, ít có sản phẩm mới, chủ yếu là các sản phẩm du lịch truyền thống; tính hấp dẫn du khách chưa cao, thiếu vắng các sản phẩm du lịch độc đáo. Hầu hết các địa phương chưa xây dựng được chiến lược sản phẩm, chiến lược thị trường; công tác xúc tiến quảng bá du lịch của vùng chưa thực sự hiệu quả do thiếu kinh nghiệm về tổ chức xúc tiến du lịch, cũng như thiếu sự vào cuộc của các hiệp hội doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; thiếu các chính sách có tính đột phá làm đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của vùng. Việc điều chỉnh quy hoạch du lịch cho phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh ở một số địa phương trong vùng còn chậm, liên kết vùng trong phát triển du lịch còn mang tính hình thức hiệu quả chưa cao. Trên cơ sở phân tích những điểm nghẽn đó, ông Sơn đề nghị, để du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát huy các tiềm năng và thế mạnh, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với phát triển du lịch; rà soát, xóa bỏ rào cản về những quy định pháp luật đã lỗi thời; tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển du lịch... Đồng thời, cần phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng chất lượng, bền vững và thông minh trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế, nhất là về sông nước, biển đảo, miệt vườn, di sản văn hóa và thiên nhiên đặc sắc miền Tây Nam Bộ, bản sắc con người miền Nam; gắn phát triển du lịch với giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Song song đó, cần đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch cả nội vùng với các vùng khác trong nước và quốc tế; chú trọng phát triển nhân lực du lịch, coi đây là khâu đột phá để đưa du lịch của vùng lên một tầm cao mới; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của vùng song song với việc xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo khác biệt và hấp dẫn du khách; tăng cường nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu du lịch của vùng và từng địa phương...
Ánh Tuyết

Có thể bạn quan tâm