Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh

Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, công ty lữ hành du lịch trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Hội thảo thu hút  sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, công ty lữ hành du lịch trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm - Trường Cao đẳng Cần Thơ cho rằng, để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển cần có sự đầu tư đồng bộ từ  hạ tầng, thông thoáng môi trường đầu tư cho du lịch, hợp tác liên kết giữa các địa phương… đến xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch. Những thuận lợi về tự nhiên phục vụ tốt cho du lịch như sông ngòi, cồn bãi, vườn trái cây…chưa được khai thác tương xứng dù đã có sự quan tâm đầu tư cho du lịch của chính quyền các địa phương. Đơn cử như Cần Thơ, thời gian gần đây khánh thành nhiều công trình điểm nhấn, thu hút du lịch như: cầu đi bộ, hệ thống khách sạn cao cấp, khu trung tâm thương mại, tu bổ các điểm du lịch… Trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh kêu gọi các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, thông qua cơ chế chính sách thông thoáng, giảm thủ tục hành chính.   Về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung - Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Cộng đồng chung ASEAN đã thực thi Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA – TP). Do đó, cần nhanh chóng phổ biến Hệ thống tiêu chuẩn nghề chung ASEAN nghề du lịch (ACCSTP) và Giáo trình chung ASEAN (CATC), cam kết sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo và mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực du lịch… nhằm chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực du lịch cho vùng. Ông Trung dẫn số liệu của Tổng cục Du lịch, hiện mới có 30% hướng dẫn viên du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được cấp thẻ “Hướng dẫn viên quốc tế” do những hạn chế về nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ. Hiện toàn vùng chưa có cơ sở đào tạo du lịch nào đào tạo trình độ sau đại học, cùng với phương thức dạy sáo mòn, lý thuyết, dẫn đến sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành du lịch chưa đáp ứng được mong muốn của nhà tuyển dụng và nhu cầu sử dụng lao động du lịch chất lượng cao của vùng. Trên cơ sở đó, ông Trung kiến nghị cần chú trọng công tác dự báo nhu cầu lao động, làm cơ sở cho các đơn vị đào tạo xây dựng chương trình bám sát thực tiễn. Các trường cũng cần liên kết chặt với các công ty dịch vụ lữ hành, du lịch để hình thành phương thức “đào tạo theo đơn đặt hàng”, mở rộng cơ hội thực tập cho sinh viên được làm quen với công việc thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đại học Cần Thơ cần nhanh chóng nhận lãnh trách nhiệm đầu tàu trong đào tạo sau đại học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, nhằm bồi dưỡng kỹ năng chuyên sâu về du lịch cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại hội thảo, nhiều đại biểu đề cập đến tầm quan trọng của hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng song song với xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của từng tỉnh thành. Việc liên kết giúp các địa phương tránh chồng chéo sản phẩm, dịch vụ đồng thời giảm chi phí đầu tư cơ sở vật chất, chi phí về nhân công, điều phối. Để liên kết được, mỗi địa phương phải xây dựng tốt sản phẩm du lịch đặc thù nhằm tạo điểm nhấn, vị trí riêng có của mình trong chuỗi dịch vụ.   Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Duyên - Đại học An Giang nhấn mạnh: Sản phẩm du lịch đặc thù phải đáp ứng được các tiêu chí đặc sắc, nguyên bản, đại diện cho tài nguyên về tự nhiên và nhân văn của điểm du lịch đó, thỏa mãn mong đợi của du khách. Đơn cử, các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể liên kết tour du lịch “cộng đồng – tâm linh – biển đảo” dựa trên thế mạnh, nét đặc sắc của từng địa phương. Theo đó, Cần Thơ là điểm đến của các mô hình du lịch sông nước, miệt vườn, homestay; An Giang phát triển du lịch tâm linh, với các điểm đến như Châu Đốc, Núi Sam; Kiên Giang phát huy thế mạnh cụm du lịch biển đảo Phú Quốc... Năm 2016, tổng doanh thu du lịch toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 11.300 tỷ đồng, tăng 24% so với con số 8.600 tỷ đồng năm 2015. Riêng thành phố Cần Thơ - trung tâm của vùng, 3 tháng đầu năm 2017 đã đón trên 1,86 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Hoạt động lưu trú phục vụ gần 500.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế lưu trú chiếm 15%. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 496 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ánh Tuyết

Có thể bạn quan tâm