Đánh thức tiềm năng du lịch thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng

Đánh thức tiềm năng du lịch thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng
Đồi chè Tâm Châu xanh mướt. Ảnh: ivivu.com
Đồi chè Tâm Châu xanh mướt. Ảnh: ivivu.com
Một ngày trải nghiệm tại Nông trường trà Tâm Châu thật thú vị khi từ thành phố Bảo Lộc vào Khu du lịch sinh thái Thác Đamb'ri, du khách có thể rẽ vào nông trường trà nổi tiếng để tìm sự thư thái, yên bình sau những ngày ồn ào nơi phố thị. 

Được thành lập từ năm 2001, Nông trường trà Tâm Châu rộng tới 90 ha, với những đồi trà Kim Tiên, Tứ Quý, Ô Long… nổi tiếng. Khoảng 4 năm trở lại đây, nông trường bắt đầu đón du khách tới tham quan miễn phí. Tới đây, du khách sẽ được trải nghiệm một ngày du lịch canh nông, được tự tay hái những búp trà mơn mởn, tìm hiểu các công đoạn sản xuất trà… Chị Trần Thị Trà My, đến từ thành phố Bảo Lộc cho biết: Làm việc ở thành phố với nhiều khói bụi, đầu óc căng thẳng, chị thấy thoải mái khi được tới đây tận hưởng không khí trong lành và ngắm cảnh. 

Ông Nguyễn Hữu Chúc, Phó Giám đốc Nông trường trà Tâm Châu cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ xây dựng các homestay xung quanh hồ rộng khoảng 10ha nhằm giúp du khách trải nghiệm thực tế; có nhà trưng bày giới thiệu các sản phẩm thương hiệu trà Tâm Châu, quy trình trồng, chăm sóc, chế biến trà. 

Hết một ngày trải nghiệm làm nghề nông, du khách tiếp tục tuyến đường này thêm khoảng 10 km nữa để đến với một điểm du lịch nổi tiếng: Thác Đamb’ri - Thác nước hùng vĩ nhất khu vực Tây Nguyên với chiều cao 60m. Từ xa xưa, ngọn thác này đã gắn liền với câu chuyện tình đau thương của đôi trai gái Tây Nguyên, nước mắt đã tạo thành ngọn thác huyền thoại này. 

Tại đây, du khách có thể cùng đi xe đạp đôi quanh bờ hồ với bạt ngàn hoa. Ở khu vực này có hệ thống khách sạn với phòng nghỉ hiện đại, phòng hội nghị, nhà hàng hoặc lãng mạn hơn là các nhà nghỉ trên cây thích hợp cho những cặp đôi, gia đình muốn gần gũi với thiên nhiên hoang dã. 

Ông Chu Kim Thạc, Giám đốc Công ty du lịch Đamb’ri cho biết: Trong Chiến lược đầu tư phát triển du lịch năm 2018, Công ty sẽ đầu tư khép kín hệ thống nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. 

Đến chùa Linh quy Pháp Ấn, huyện Bảo Lâm, du khách sẽ đi qua thành phố Bảo Lộc để vào thẳng địa điểm du lịch mới mẻ này. Chùa Linh quy Pháp Ấn được xây dựng từ năm 2006 nhưng chỉ được biết đến trong khoảng 2 năm gần đây khi khách du lịch trẻ phát hiện một khung cảnh tuyệt đẹp trên đỉnh Pháp Ấn Sơn. Sau khi nhà chùa cho xây dựng Quán Chiếu Đường trên đỉnh núi, nơi đây trở thành địa điểm hút khách du lịch trẻ. 

Chùa Linh quy Pháp Ấn cách thành phố Bảo Lộc khoảng 20 km về phía Nam. Du khách thăm ngôi chùa này thường đi từ rất sớm để kịp leo lên đỉnh Pháp Ấn Sơn đón những tia nắng đầu tiên. Với những kiến trúc cổ hòa hợp cùng thiên nhiên, khung cổng gỗ vào Quán Chiếu Đường trên đỉnh Pháp Ấn Sơn được ví như “cổng trời” nhất là khi tất cả chìm trong làn sương mù giăng phủ giữa núi đồi tĩnh lặng. Vẻ đẹp tĩnh lặng, không khí tôn nghiêm, cảnh sắc hoang sơ khiến du khách như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. 

Ông Nghiêm Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc cho biết: Địa bàn thành phố Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai... có nhiều điểm du lịch nổi tiếng; nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc như K'Ho, Châu Mạ… Đặc biệt, văn hóa cồng chiêng là nét đặc trưng để phát triển theo hướng du lịch cộng đồng. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục đầu tư về hạ tầng giao thông; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, tạo thêm sản phẩm du lịch cho địa phương...
Chu Quốc Hùng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm