“Chắp cánh” cho khóm Cầu Đúc Hậu Giang

“Chắp cánh” cho khóm Cầu Đúc Hậu Giang
                                “Chắp cánh” cho khóm Cầu Đúc Hậu Giang ảnh 1
Ông Hiển đang chăm chút rẫy khóm để cho những sản phẩm chất lượng, gìn giữ thương hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang.

Khóm Cầu Đúc từng một thời nổi danh vì hương vị thơm ngon, ngọt. Thời “ăn nên làm ra”, nông dân ở vùng Hỏa Tiến, Tân Tiến, thành phố Vị Thanh mở rộng diện tích trồng lên hơn 7.000ha.

Tuy nhiên gần đây, khóm đang có dấu hiệu phát triển kém, năng suất giảm so với những năm đầu. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân do khóm được trồng nhiều năm, nguồn giống lại được lấy từ chồi nách của vụ trước trồng lại cho vụ sau, dẫn đến mầm bệnh có cơ hội tích lũy trong cây giống, làm cây phát triển kém, giảm năng suất. Việc trồng khóm lưu gốc trên rẫy quá lâu (hơn 10 năm) cũng là một phần nguyên nhân khiến chất lượng khóm chưa được như mong muốn. Chính nguyên nhân này, các nhà khoa học, kỹ sư trong tỉnh đã nghiên cứu nhiều đề tài, dự án để cải thiện và duy trì ưu điểm cho khóm Cầu Đúc. Đáng kể là dự án “Kỹ thuật trồng khóm Queen Cầu Đúc sạch bệnh ở Hậu Giang”, dự án cấp Bộ “Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen “Cầu Đúc” ở Hậu Giang”. Các dự án này được nghiên cứu không chỉ để cải thiện thu nhập của người dân trong vùng và đưa cây khóm Cầu Đúc trở thành cây trọng điểm, có giá trị kinh tế cao của vùng đất phèn nặng, mà còn khắc phục tình trạng thoái hóa giống. Từ nghiên cứu của các nhà khoa học, khóm Cầu Đúc được phục tráng, giữ lại được nguồn gien quý, chất lượng ban đầu, từng bước giúp nông dân chuyển đổi giống khóm cũ và mở rộng diện tích trồng khóm lên hàng ngàn héc-ta.

Ông Vu Suổi, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, cho biết: “Tham gia chương trình, ngoài được tập huấn kỹ thuật, nông dân chúng tôi còn được hỗ trợ cây giống, công nghệ, phân bón hữu cơ, chi phí cho phân tích dư lượng trong đất, nước, trái, chi phí chứng nhận khóm theo tiêu chuẩn VietGAP... Nông dân rất phấn khởi vì được cán bộ kỹ thuật tập huấn về quy trình canh tác, giống trồng là cây sạch bệnh, giúp nông hộ giữ được ruộng khóm luôn phát triển tươi tốt”.

Tiếp nối thành công đó, mới đây, kỹ sư Huỳnh Trường Giang, cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy, vừa thực hiện thành công dự án “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể khóm Cầu Đúc Hậu Giang”. Dự án đã xây dựng nhãn hiệu tập thể và hệ thống nhận diện thương hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang cho sản phẩm khóm. Qua đây, giúp người trồng khóm, hộ sử dụng nhãn hiệu khóm Cầu Đúc, nhà chức năng phát triển và quản lý tốt nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chủ lực này.

Kỹ sư Huỳnh Trường Giang cho hay: “Tôi và nhóm nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu các nội dung là xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu; quản lý việc xây dựng và đăng ký bảo hộ và phát triển nhãn hiệu tập thể khóm Cầu Đúc Hậu Giang. Qua đây, đã vận động được 50 hộ nông dân ở 2 xã Hỏa Tiến và Tân Tiến tham gia sử dụng, bảo vệ và phát huy nhãn hiệu tập thể khóm Cầu Đúc. Các hộ tham gia đều cam kết trồng khóm theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật qua sự theo dõi, giám sát của ngành chức năng. Vì vậy, sản phẩm khóm của các hộ này sẽ đảm bảo chất lượng, chỉ số về độ ngọt, nồng độ dư lượng thuốc, phân bón đạt tiêu chuẩn cho phép”.

Được đóng mác bằng nhãn hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang với phẩm chất trái ngon, đạt chất lượng không sợ phải cạnh tranh với các sản phẩm khóm khác. Chính vì nhận thấy được lợi ích này mà nhiều nông dân vùng trồng khóm ở thành phố Vị Thanh hăng hái đăng ký để được sử dụng nhãn hiệu tập thể khóm Cầu Đúc Hậu Giang. Ông Lê Minh Hiển, ở ấp Thạnh Quới 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, phấn khởi khoe: “Tôi đã từng nghe nhiều và thấy hiệu quả tích cực của việc xây dựng và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho hàng hóa, nông sản. Bởi vậy, khi được địa phương, các nhà khoa học vận động tham gia dự án là tôi đồng ý ngay. Bởi tôi biết, khi được sử dụng nhãn hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang sẽ là cơ hội để tôi tìm được đầu mối tiêu thụ với giá cao, hứa hẹn mang về thu nhập ổn định cho gia đình”.

Kỹ sư Huỳnh Trường Giang tiết lộ: “Hiện tại, để đẩy mạnh việc xúc tiến, quảng bá cho thương hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và xin chủ trương UBND các cấp mở thêm 2 gian hàng trưng bày sản phẩm khóm Cầu Đúc đã được gắn nhãn hiệu tập thể. Qua đây, thông báo rộng rãi kết quả nghiên cứu, giới thiệu cho người tiêu dùng nhận biết và sử dụng sản phẩm khóm chất lượng. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng hiểu hơn về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, sự cần thiết khi tạo dựng thương hiệu cho đặc sản tỉnh nhà”.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm