“Cao tốc” đến bản người Mông

“Cao tốc” đến bản người Mông

Đường "cao tốc". Xóa đói giảm nghèo cũng "cao tốc".

Ngày phiên, anh Phùng Văn Lềnh ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai tranh thủ phóng xe máy về chợ huyện mua hai con lợn giống. Vụ trước, thu được cả tấn ngô, lợn gà ăn không hết, vợ chồng anh còn có ngô bán. Anh Lềnh bảo: điều này chưa bao giờ có:

- Trước đây, đường đi lại lầy lội, trơn, bị ngã nhiều lần lắm rồi. Chưa có đường "ngon" đi thì bà con cũng chỉ trồng mà không đưa được ra chợ bán, chỉ để chăn lợn, chăn gà thôi. Thừa thì mốc, hỏng. Bây giờ xe ô tô vào tận nơi mua. Ở trong xóm, những hộ không bán cho ô tô thì chở ra chợ bán. Nay thì  không còn cảnh bà con Khuổi Mèo bị tư thương ép giá khi mua nông sản. Bà con mách nhau bán ngô hạt cho mối nào thì giá cao, hay đấu mối để tìm xe ô tô về vận chuyển ngô cho cả chục hộ xuống chợ một lúc.

  IMG_5068.jpg

Đường tới trường. Ảnh minh họa 

Anh Hoàng Văn Tài, người xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai phấn khởi: "không còn cảnh bì bõm ngày mưa, mù mịt ngày nắng nữa rồi. Có con gà, yến ngô muốn ra chợ bán, cháu nhỏ đi học cũng rất thuận tiện”.

 

Hơn 40 km đường giao thông tới các thôn bản người Mông ở 4 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương và Định Hóa, được thiết kế rộng 3 mét, dày 18 cm. Mặt đường bê tông kiên số, phẳng phiu, uốn lượn quanh các triền đồi, nhiều đoạn trèo lên tận gần đỉnh núi. Bà con nói vui, giờ đã có "cao tốc" đến bản nghèo. Cao tốc đến bản nghèo, nên kéo theo việc xóa đói giảm nghèo cho bà con nơi đây cũng đạt mức… cao tốc. Ngô, gia súc, gia cầm, đã bắt đầu trở thành hàng hóa. 

Khi dân cùng chung tay với cán bộ

 

Tất cả các sở, ban ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được huy động chung tay thực hiện Đề án 2037. Ông Trương Văn Phung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "“Cơ quan khoảng 300 người, nhiệm vụ được giao là 2km, chúng tô đã vận động anh em tùy theo khả năng, ai khó khăn thì đóng góp tối thiểu 1 ngày lương. Có nhiều cán bộ đóng góp cả tháng lương”.

 

Nguồn đóng góp của các sở, ban,  ngành là hơn 7 tỷ đồng; các tổ chức, doanh nghiệp góp hơn 2 tỷ đồng. Còn bà con nhân dân, ngoài ngày công lao động quy thành tiền là khoảng 900 triệu đồng, còn hiến hơn 40 nghìn mét vuông đất để làm đường.

  IMG_5081.jpg

Đường thông thoáng, đi lại thuận tiện hơn hẳn. Ảnh minh họa

Ở xóm Mỏ Chì, 1,5km đường, bà con góp 85 triệu đồng. Anh Hoàng Văn Tài, người xóm Mỏ Chì, nói: “Bà con bảo là thế thì mình cũng đóng góp để có trách nhiệm. Đường mình đi chứ không phải để cho ai cả”.
 
Ở xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, anh Lương Đình Huy bảo: làm đường lên bản vui như vào chiến dịch năm xưa: “Bà con thấy là các doanh nghiệp, các tổ chức, các cá nhân ủng hộ mình thì mình cũng phải bỏ công sức, tiền của ra. Dự án này dân tham gia đi  tưới đường, đi làm đường, coi như việc của mình. Bởi vì bà con thấy rằng cái này không phải tiền của Nhà nước hết, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, còn lại là của các doanh nghiệp, các cá nhân, thậm chí là cán bộ công chức người ta phải bỏ đồng lương ra thì cớ gì bà con mình hưởng thụ mà mình lại không bỏ ra”.
 
Trong kinh nghiệm làm đường giao thông đến các bản Mông nhanh vượt kỷ lục và giá rẻ kỷ lục ở Thái Nguyên, một đường dây nóng được thiết lập về tận bản. Trực tiếp Phó chủ tịch UBND tỉnh giữ số máy này để giải quyết ngay những bức xúc vướng mắc mà người dân phản ánh trong quá trình triển khai đề án. Cán bộ trực tiếp chỉ huy từng đầu mối công việc thậm chí phải ăn ngủ tại thực địa. Anh Lê Văn Diệp, Chủ nhiệm HTX xây dựng Tân Tiến, đơn vị thi công gần chục cây số đường, cho biết:
 

- Con đường hơn 2 km mà chúng tôi tính bắt đầu từ ngày đặt máy cho tới khi hoàn thành chỉ có 35 ngày. Chúng tôi thi công rồi chúng tôi biết, phải giảm được 30% chi phí cho 1km so với các công trình khác.

 

Từ thành công này, trong giai đoạn tiếp theo, Đề án 2037 của tỉnh Thái Nguyên tập trung hỗ trợ bà con ở các xóm bản người Mông phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm