Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Bạch Mã (Bài cuối)

Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Bạch Mã (Bài cuối)
Bài cuối: Phát triển du lịch và bảo tồn thiên nhiên cần đảm bảo hài hòa và bền vững

Với mong muốn khai thác được tiềm năng du lịch đang “ngủ vùi” trong Vườn Quốc gia Bạch Mã, từ năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho một công ty nghiên cứu quy hoạch tổng thể dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng tại Vườn. Đặc biệt, để kết nối 6 phân khu chức năng chính, gồm làng trung tâm, làng di sản, làng đỉnh núi, làng dịch vụ, khu tâm linh, thung lũng thác nước, hệ thống cáp treo nối từ chân núi đến đỉnh núi Bạch Mã có tổng chiều dài khoảng 4 km sẽ được xây dựng. Đây chính là “tâm điểm” của các ý kiến trái chiều hiện nay, vì lo ngại xây dựng tuyến cáp treo này sẽ ảnh hưởng đến môi trường rừng. Mặt khác, các lợi ích phát triển du lịch có đẩy Vườn Quốc gia này vào tình thế bị phá vỡ, hoặc bị huỷ hoại tính nguyên vẹn đa dạng sinh học hay không.

Vườn quốc gia Bạch Mã được đánh giá là một điểm đến không thể thiếu trong tour du lịch đến miền Trung. Ảnh: baothuathienhue.vn
Vườn quốc gia Bạch Mã được đánh giá là một điểm đến không thể thiếu trong tour du lịch đến miền Trung. Ảnh: baothuathienhue.vn

Giảm thiểu tác động

Nói về những khó khăn trong công tác bảo tồn Vườn Quốc gia Bạch Mã hiện nay, Giám đốc-Tiến sĩ Huỳnh Văn Kéo cho biết, điều ông lo lắng nhất là đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Túy Loan dài 83 km nối Thừa Thiên - Huế với Đà Nẵng đang thi công, có 9,3 km xuyên qua vùng lõi Vườn Quốc gia Bạch Mã, diện tích đất rừng chuyển cho dự án trên 25 ha. Hai năm qua, khu vực này trở thành một công trường sôi động hoạt động liên tục suốt ngày đêm. Đoạn đường đi qua Vườn Quốc gia dù muốn hay không vẫn ảnh hưởng hệ sinh cảnh thực vật của Vườn. Đặc biệt là quá trình hoạt động của xe cộ, máy móc thi công gây chấn động rất lớn, làm thay đổi môi trường sống nên phần lớn các  loài động vật phải di chuyển đi nơi khác, nhiều loài cây trên tuyến đường bị chặt hạ...

Theo Kiểm lâm viên Hồ Hữu Sĩ ở chốt trực thuộc Trạm Kiểm lâm Hưng Lộ trên tuyến La Sơn - Túy Loan: Trước đây khu vực này có rất nhiều loài động vật sinh sống. Nhưng kể từ lúc đơn vị thi công chặt cây, đào đất đắp đường thì các loài động vật vắng bóng, kể cả các loài chim. Chốt của anh cùng phải giải quyết một số vụ khai thác cát sỏi trái phép trên khe Trường, khe Ao; hay chuyên chở gỗ tận thu làm đường không có giấy phép…

Ban quản lý Vườn Quốc gia Bạch Mã đã kiến nghị các sở, ban ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát đơn vị thi công, đánh giá tác động môi trường, cũng như có giải pháp giảm thiểu tác động xấu đến đa dạng sinh học. Về nguy cơ hệ động thực vật bị chia cắt bởi tuyến cao tốc, Vườn đề nghị chủ dự án làm hầm chui, cầu cạn cho động vật qua lại.

Sau nhiều ngày liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên-Huế, cuối cùng chúng tôi cũng đã nhận được thông tin phản hồi  của Sở Xây dựng tỉnh về "Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã".

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thừa Thiên-Huế, diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 400ha, trong đó bao gồm Khu vực trạm cơ sở khoảng 100ha (phần lớn thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Bạch Mã) và  Khu vực đỉnh Bạch Mã khoảng 300ha (thuộc phân khu dịch vụ hành chính của Vườn Quốc gia Bạch Mã). Mật độ xây dựng đối với Khu vực trạm cơ sở khoảng 5%; Khu vực đỉnh Bạch Mã khoảng 2% (bao gồm việc tận dụng nền móng của các công trình biệt thự Pháp cũ). Riêng về chiều cao cáp treo đang được nghiên cứu và sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn sắp đến.

Nhằm đảm bảo thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch phân khu xây dựng, với Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Bạch Mã giai đoạn 2010 – 2020, Đề án du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bạch Mã đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Xây dựng cũng đã tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế xin ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các nội dung Đồ án Quy hoạch.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng tỉnh, Sở Xây dựng đã phối hợp hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch và tham mưu UBND tỉnh lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, nhằm có cơ sở tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 44/2015 ngày 6/5/2015 của Chính phủ.

Đến ngày 1/9/2017, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2059 về việc góp ý Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã, nội dung văn bản nêu rõ: "Hồ sơ đồ án quy hoạch có đề xuất nội dung hình thành hệ thống cáp treo gồm 3 tuyến, yêu cầu làm rõ về hướng tuyến, quy mô và giải pháp xây dựng; bổ sung đánh giá tác động môi trường, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cần lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...), chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, các hội nghề nghiệp và ý kiến cộng đồng về tác động của sự hình thành hệ thống cáp treo đối với cảnh quan, môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học... tạo sự đồng thuận trước khi xem xét quyết định".

Theo đó, Sở  Xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế đang phối hợp các đơn vị liên quan rà soát phương án xây dựng tuyến cáp treo để làm rõ về hướng tuyến, quy mô và giải pháp xây dựng. Riêng về hồ sơ đánh giá tác động môi trường đối với tuyến cáp treo: Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 27 Luật Xây dựng số 50/2014 ngày 18/6/2014 và các Khoản 22, 23 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014 ngày 23/6/2014, thì trong quá trình lập quy hoạch phân khu xây dựng, công tác phân tích, dự báo và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường chỉ dừng ở mức độ đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC). Việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chỉ được thực hiện khi có các dự án đầu tư cụ thể.

Qua rà soát, hồ sơ Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã đã thực hiện các nội dung đánh giá môi trường chiến lược , theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 01/2011 ngày 27/1/2011 của Bộ Xây dựng, về Hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Các nội dung đánh giá về tác động môi trường đối với hệ thống cáp treo sẽ được bổ sung ở mức độ phù hợp với tính chất của Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000). Hiện Sở Xây dựng đang tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan để hoàn chỉnh quy hoạch theo ý kiến của Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, trước khi trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh thông qua theo quy định.

Vườn Quốc gia Bạch Mã còn giữ được hầu như nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh bát ngát. Nguồn ảnh: Internet
Vườn Quốc gia Bạch Mã còn giữ được hầu như nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh bát ngát. Nguồn ảnh: Internet

Phải lựa chọn giải pháp khả thi

Nhận xét về Dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã, Tiến sĩ Huỳnh Văn Kéo cho rằng, du lịch sinh thái là một dạng du lịch tự nhiên, có trách nhiệm hỗ trợ cho các mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần vào việc phát triển nông thôn. Vì vậy, du lịch sinh thái ở các Vườn Quốc gia cần phải có quy hoạch hợp lý, lựa chọn được giải pháp khả thi nhất để không nảy sinh mâu thuẫn với bảo tồn đa dạng sinh học. Muốn đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi nhà đầu tư phải có tâm, có tầm và có thực lực.

Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, khách du lịch đến Bạch Mã có tới 80% thăm Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã. Điều này chứng tỏ các công trình văn hóa tâm linh là một mô hình cần phải coi trọng đối với khu bảo tồn, trong quá trình phát triển hài hòa các loại hình du lịch. “Tôi hy vọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Bạch Mã, nếu kết hợp được tinh hoa của các tôn giáo thì đó cũng là giải pháp tích cực để hướng thiện cho mọi người, khi có các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Vườn”-Tiến sĩ Huỳnh Văn Kéo chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hoàng Việt Trung cho biết: Sau khi được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chấp thuận, Công ty CP Du lịch Vườn Bạch Mã đã thuê Công ty Wimberly Allison Tong & Goo (WATG-Mỹ) và Inros Lackner (Đức) lập quy hoạch. Đến năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý chủ trương lập quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái này.

Nêu chính kiến về Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học- Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN Đặng Huy Huỳnh khẳng định, ông không đồng tình xây dựng cáp treo trong khu vực Vườn Quốc gia này. Vì rất nhiều những vấn đề phát sinh có thể xảy ra trong quá trình xây dựng không thể lường hết được. “Hiện nay chúng ta đang làm hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Bạch Mã là Vườn di sản ASEAN. Muốn được tổ chức ASEAN công nhận thì bắt buộc phải bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Cụ thể là bảo vệ được các loài động, thực vật quý hiếm, các cảnh quan tự nhiên vốn có để phục vụ cho du lịch, nghỉ ngơi, môi trường, phục vụ cho dịch vụ hệ sinh thái. Do đó, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế không nên làm cáp treo”-Giáo sư Tiến sĩ Đặng Huy Huỳnh bày tỏ.

Tại cuộc Tọa đàm “Khu bảo tồn thiên nhiên trước làn sóng phát triển du lịch ở Việt Nam”, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên và Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường tổ chức mới đây, các chuyên gia tham dự bày tỏ lo lắng liệu các lợi ích phát triển du lịch có đẩy các khu bảo tồn với vai trò là công sản quốc gia vào tình thế bị phá vỡ, hoặc thậm chí bị hủy hoại tính nguyên vẹn hay không? Nếu các khu bảo tồn tiếp tục là địa bàn mục tiêu của các dự án phát triển du lịch, thì các chính sách, quy định hiện tại có đảm bảo rằng sẽ loại trừ hoặc hạn chế được thấp nhất các tác động tiêu cực của phát triển du lịch. Do đó cần phải có chế tài, quy trình để giảm thiểu tối đa tác động của phát triển du lịch cũng như giải pháp để hài hòa phát triển và bảo tồn thiên nhiên hợp lý và bền vững hơn tại các khu bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Văn Hào

Có thể bạn quan tâm