Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Bạch Mã (Bài 3)

Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Bạch Mã (Bài 3)
Bài 3: Ấn tượng Bạch Mã

Năm 1932, sau khi phát hiện ra Bạch Mã, thực dân Pháp đã xây khu nghỉ dưỡng cho giới cầm quyền lúc bây giờ, bao gồm 139 căn biệt thự trên lưng chừng núi được đưa vào sử dụng vào năm 1946. Để đánh thức du lịch Bạch Mã, từ năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cho một công ty nghiên cứu quy hoạch tổng thể dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng tại Vườn quốc gia này. Để “mục sở thị” Bạch Mã, chúng tôi được Kiểm lâm viên Trương Cảm-người có biệt tài “đua ca” với hàng trăm loài chim rừng đưa đường dẫn lối khám phá tài nguyên thiên nhiên và du lịch đang tiềm ẩn trên dãy núi ngang lưng trời này.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Ảnh: Nguồn Internet
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Ảnh: Nguồn Internet

"Giai thoại" rừng và người

Về xuất xứ địa danh Bạch Mã, anh Trương Cảm chỉ những đám mây cuồn cuộn không ngừng bốc lên từ các thung lũng rồi nhanh chóng bao phủ khắp cánh rừng, ngọn núi và giải thích: Đỉnh núi Bạch Mã cao 1.448m so với mực nước biển, lượng mưa ở đây cao nhất cả nước, đạt tới 9.000mm/năm. Nhiệt độ bình quân toàn khu vực 25 độ C, song ở độ cao 900m trở lên thì chỉ còn 10-20 độ, riêng mùa Đông xuống ngưỡng 4 độ C. Nếu nhìn từ xa, đỉnh núi như một con ngựa trắng đang xòe bờm, vẫy đuôi, tung vó bay lên trời cao. Có lẽ vì thế mà dân gian đặt tên cho núi này là Bạch Mã.

Còn người dân bản địa kể rằng, ngày xửa ngày xưa, các vị tiên thường cưỡi ngựa trắng xuống núi Bạch Mã đánh cờ. Khi các tiên ông ngồi tỉ thí, ngựa mải mê tìm cỏ non rồi lạc lối về. Đợi ngựa không được, các tiên ông phải bay về trời. Đàn ngựa ngơ ngác, lang thang khắp núi, rồi hóa thành những đám mây trắng, quanh năm chờ chủ ở Bạch Mã.

Trên tuyến đường lên đỉnh Bạch Mã hiểm trở dài 19 km nối thị trấn Cầu Hai đến khu trung tâm nghỉ mát thời thuộc Pháp, “Hướng dẫn viên” Trương Cảm đã giới thiệu cho chúng tôi cặn kẽ từng loài thực vật đặc hữu của Vườn Quốc gia này. Theo anh, sự đa dạng sinh học “hiếm có khó tìm” ở đây chính là do vị trí  của Vườn là nơi giao thoa của 2 luồng động, thực vật Bắc-Nam, được bao phủ bởi hai kiểu rừng là rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới và á nhiệt đới. Điều này giúp Bạch Mã trở thành nơi đa dạng cả về hệ thực vật và hệ động vật. Trong đó các loài chim là phong phú nhất.

Ngay lúc đó, bỗng văng vẳng có tiếng hót của một loài chim. Người có biệt tài “đua ca” với chim rừng liền hót theo một cách điệu nghệ. Anh cho biết tiếng hót đó là của chim Cu Rúc-một loài chim có màu lông xanh rất đẹp ở Bạch Mã. “Nếu chim Cu Rúc hót nhiều chắc chắn trời hôm ấy có nắng. Còn nếu nó im hơi lặng tiếng thì ngày mai sẽ mưa to”-anh Trương Cảm khẳng định.

Theo lời tự sự của anh: Biệt tài “đua ca” với hàng trăm loài chim và nhận biết được hàng nghìn loài thực vật, xuất phát do gia đình nghèo túng, nên từ năm 12 tuổi, Trương Cảm đã theo cha vào rừng khai thác gỗ củi, đặt bẫy chim, thú. Nhiều năm quần thảo trong rừng kiếm sống, anh không những thông tỏ về cây cối, chim thú trong rừng, mà rừng đã “cảm hóa” anh từ “lâm tặc” thành “lâm dân”. Nhưng bước ngoặc thay đổi cuộc đời anh là năm 1988, được Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã-Tiến sĩ Huỳnh Văn Kéo mời gọi về giúp Vườn chăm sóc và cứu hộ một số loài Trĩ sao, Khỉ mặt đỏ… thu giữ qua các vụ săn bắt trái phép. Sau khi biên chế vào ngành Kiểm lâm, anh được học tại Trường Đại học Nông Lâm-Đại học Huế và tốt nghiệp loại xuất sắc với đề tài “Sự phân bố và phát triển loài Trĩ sao ở Vườn Quốc gia Bạch Mã”, sau đó anh được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 1 của Vườn.

Anh bộc bạch, dù phải ứng trực 6/7 ngày mỗi tuần trên đỉnh Bạch Mã, nhưng anh rất hạnh phúc vì làm đúng nghề mà ngày xưa anh thường ao ước. Hơn nữa, anh có hậu phương vững chắc ở thôn Phú Thạnh, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Vợ là giáo viên Tiểu học đảm đang, hai cậu con khỏe mạnh và học giỏi. Trong đó cậu con đầu anh đặt tên là Trương Bảo Lâm để cháu lớn lên nối nghiệp bảo vệ rừng như cha. “Bảo Lâm giờ đã bắt chước hót được chục loài chim rừng rồi đấy”, anh Trương Cảm hào hứng khoe.

"Làng biệt thự" trên non

Chiếc ô tô chở chúng tôi ngược dốc đến Km17 thì anh Trương Cảm ra dấu dừng lại. Trong làn mây mù se lạnh chợt hiện lên những tòa biệt thự cổ kính men theo sườn núi như trong chuyện cổ tích thần tiên. Trương Cảm cho hay, những dãy biệt thự này do người Pháp xây dựng từ năm 1942-1946, trên tổng diện tích khoảng 900ha. Ngoài 139 ngôi biệt thự, khách sạn Morin, khách sạn Albany, lữ quán… còn có cả công viên, bể bơi, sân quần vợt, bưu điện, tiệm cà phê, nhà thuốc…nhưng hầu hết đang bị xuống cấp, hoang vắng tiêu điều theo thời gian. Trong đó có 15 ngôi biệt thự được khôi phục lại cách đây hơn chục năm để đón du khách nhưng vẫn lạnh lẽo trong mây, chỉ lưu dấu một vài đống tro củi đốt lửa trại từ lâu, cùng với những đống rác thải lưu cữu mà du khách để lại.

Biệt thự Phong Lan – Bạch Mã. Ảnh: webdulichhue.com
Biệt thự Phong Lan – Bạch Mã. Ảnh: webdulichhue.com

Cũng theo lời giới thiệu của anh Trương Cảm, ngoài “làng biệt thự”, Bạch Mã còn có 7 điểm “không thể không đến” đối với những người yêu thiên nhiên hoang sơ. Đó là Vọng Hải Đài trên độ cao 1,448m so với mực nước biển. Vào những ngày mây tan gió lặng, đứng ở đây có thể nhìn bao quát cả thành phố Huế. Tiếp đó là thác Đỗ Quyên quanh năm tung bọt với loài hoa Đỗ Quyên khoe sắc vào tháng 3. Điểm Ngũ Hồ gồm 5 hồ nước ở 5 độ cao khác nhau, nước hồ rất trong và lạnh, trên hồ có thác đổ xuống như dải lụa trắng tinh khôi. Thác Trĩ Sao có nước chảy len lỏi qua từng bậc đá, điểm tạm dừng của dòng chảy là hồ nước trong vắt, nếu may mắn sẽ bắt gặp loài Trĩ Sao quý hiếm tại đây.

Còn thác Trượt nằm ngay trong vùng đệm của Vườn dưới chân một dãy núi cao gần 1.500m, giữa vùng rừng rậm xanh tươi ngút ngàn. Gọi là thác Trượt do giữa lòng thác có một tảng đá lớn, nơi dòng nước bào mòn thành một máng trượt tự nhiên. Một điểm “nhấn” nữa khi đến đây là Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được bao bọc bởi hồ Truồi, ngự trên ngọn núi Linh Sơn. Có tượng Phật Thích Ca lộ thiên đang ngồi thiền trên ngọn đồi ở trước chùa giữa hồ cao 24m, nặng 1.500 tấn bằng đá. Sau cùng là rừng Chò đen với nhiều cây cổ thụ mọc gần nhau, có những cây đường kính trên 1m và cao trên 30m.

Để thăm thú được những “danh thắng” nói trên, anh Trương Cảm cho rằng phải mất một tuần nhưng đi vào thời điểm tạnh ráo mới được. Nên ngay cả khi Vọng Hải Đài chỉ còn cách khoảng nửa cây số đi bộ nữa thôi, song chúng tôi đành dừng bước bởi cơn mưa rừng ào ạt dội xuống không biết lúc nào mới tạnh. Sự thâm u của rừng già cùng với quang cảnh hoang phế của một vài ngôi biệt thự ẩn khuất trong mây, đã làm nhụt ý chí của những kẻ hăng hái nhất trong đoàn. Chúng tôi vội xuôi dốc núi bỏ dở cuộc hành trình và tự an ủi sẽ khám phá đúng nghĩa Bạch Mã vào một ngày “đẹp trời” nào đó. (Còn tiếp)
Văn Hào

Có thể bạn quan tâm