Bái Phật và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của non thiêng Yên Tử

Bái Phật và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của non thiêng Yên Tử
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Khu Di tích danh thắng non thiêng Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Khu Di tích danh thắng non thiêng Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Công tác tổ chức lễ hội được chuẩn bị chu đáo

Hội xuân Yên Tử là một trong những lễ hội lớn, có thời gian tổ chức dài trong năm và thu hút hàng triệu lượt khách. Nhằm chuẩn bị chu đáo cho Hội xuân 2019, đồng thời thực hiện chủ đề công tác năm của tỉnh về nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ, thành phố Uông Bí đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, doanh nghiệp tích cực, chủ động chuẩn bị các hoạt động, các mặt công tác đảm bảo một mùa lễ hội diễn ra văn minh, an toàn, thành công.

Những năm trở lại đây, Yên Tử luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về một lễ hội văn minh, hầu như không có hiện tượng cò mồi, chèo kéo khách, môi trường, cảnh quan được giữ gìn sạch, đẹp. Chất lượng các dịch vụ lễ hội ngày càng được cải thiện. Mùa hội xuân 2019 này, tiếp tục phát huy những điểm cộng trên, thành phố Uông Bí đã chỉ đạo các ngành, đơn vị triển khai kế hoạch đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, kiểm soát, quản lý thị trường chặt chẽ. Thành phố cũng giao các xã, phường tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân, hộ kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh dịch vụ, vệ sinh môi trường, như: không bán hàng rong, không chèo kéo khách… Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường, môi trường kinh doanh du lịch cũng được siết chặt với việc tăng cường kiểm tra theo kế hoạch cũng như đột xuất, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống vi phạm. Không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng giả, không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn hoặc các vi phạm an toàn thực phẩm khác lưu thông trên thị trường; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Để đảm bảo hạ tầng giao thông cho mùa lễ hội, thành phố Uông Bí cũng đã chỉ đạo đơn vị, ngành chức năng địa phương bám sát các sở, ngành của tỉnh, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành toàn tuyến trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Mùa hội xuân này, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là dịch vụ thông tin, tại Yên Tử, thành phố Uông Bí cũng lắp đặt các điểm phát sóng wifi miễn phí. Các công tác liên quan đến y tế, an ninh trật tự, an toàn  giao thông, phòng cháy chữa cháy… cũng được thành phố Uông Bí giao các ngành chức năng xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể.

Trung tâm phật giáo của cả nước

Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, khoác áo cà sa tu hành và thành lập một giáo phái Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là Thiền phái Trúc Lâm. Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Thiền phái Trúc Lâm đã hội tụ đầy đủ những tinh thần của Phật giáo, nhưng vẫn chứa đựng được những nét độc đáo của Việt Nam. Vì vậy, Yên Tử cũng được xem là kinh đô Phật giáo Việt Nam. Từ Yên Tử giáo lý Trúc Lâm phát triển rộng ra khắp vùng Đông Bắc, hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ đã được dựng lên, trong đó có những chùa nổi tiếng như: Quỳnh Lâm, Côn Sơn, Thanh Mai...

Sang đến thời Lê, thời Nguyễn, Yên Tử vẫn là trung tâm của Phật giáo Việt Nam và được vua quan các triều đại quan tâm tôn tạo sửa chữa nên khu di tích Yên Tử là sự kết tinh, sự hội tụ của nền văn hoá dân tộc với dáng dấp kiến trúc, hoa văn trang trí và các mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn của các thời đại.

Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, chùa, tháp. Nơi đây có hàng trăm am, tháp mộ các thiền sư, tượng đá thiên tạo, bia phật và đặc biệt là hang đá Bảo Sái nơi Thiền tổ Trần Nhân Tông ngồi thiền và viên tịnh ngày 1-1-1308. Hệ thống chùa, am tháp ở Yên Tử tập trung trên sườn núi phía đông của ngọn núi.

Không kể Chùa Bí Thượng ở chân dốc Đỏ, chùa Cẩm Thực ở Uông Bí, chùa Lân ở thôn Nam Mẫu thì đường lên Yên Tử sẽ qua một hành trình như sau: Chùa Giải Oan-Hoa Yên-Cổng Trời, tiếp đó là chùa Phổ Đà, chùa Bảo Sái và toạ lạc ở điểm cao nhất của dãy Yên Tử là ngôi chùa Đồng. Có thể kể đến một số địa điểm và kiến trúc Phật giáo chính ở Yên Tử như: Chùa Bí Thượng, Chùa Cầm Thực, Chùa Lân, Chùa Giải Oan, Chùa Hoa Yên, Chùa Bảo Sái, Chùa Đồng…

Những giá trị lịch sử-văn hóa đặc biệt của khu di tích đã đưa Yên Tử trở thành một chốn thiêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Để khẳng định giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết đinh số 1419/QĐ-TTg ngày 27-9-2012).

Trong nhiều năm qua, Quần thể du lịch tâm linh vùng núi Yên Tử đã liên tục được bảo tồn, tôn tạo và xây dựng mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của phật tử, du khách trong và ngoài nước hành hương về đất phật trong mỗi dịp đầu xuân.
Gia Khánh (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm