Bạc Liêu tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch

Bạc Liêu tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch

Bước đầu khai thác hiệu quả

Sở Văn hóa - Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành; xây dựng và tổ chức tốt việc thực hiện các nội dung Chương trình hợp tác phát triển du lịch Cụm phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, tỉnh tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch các tỉnh trong cụm liên kết, triển khai chương trình hợp tác và tham gia các sự kiện kết nối, quảng bá chung. Sở phối hợp các địa phương tăng cường công tác quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm chấn chỉnh, từng bước xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách, nhất là vào các dịp lễ, hội, mùa cao điểm du lịch.

Cò nhạn về cư trú tại Vườn chim Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Cò nhạn về cư trú tại Vườn chim Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN

Bạc Liêu đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, tổ chức đối thoại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ triển khai các thông tin về du lịch và định hướng kinh doanh trong thời gian tới. Tỉnh vận động các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Các cơ quan chức năng hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đăng ký thủ tục xếp hạng sao, thủ tục xét công nhận cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; thực hiện tốt việc quản lý hướng dẫn viên; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh du lịch, văn hóa đặc sắc, ẩm thực, hình ảnh…

Nhờ triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, năm 2019, doanh thu du lịch- dịch vụ Bạc Liêu đạt khoảng 2.308 tỷ đồng, tăng 42,46% so với năm 2018. Trong đó, doanh thu khối nhà hàng khách sạn ước đạt 913 tỷ đồng, tăng 40,89% so với năm 2018; đón khoảng hơn 2,5 triệu lượt khách, tăng 38,95% so với năm 2018, trong đó có khoảng 1 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú, tăng 41,08% so với năm 2018 và khoảng 73.500 lượt khách quốc tế, tăng 43,78% so với năm 2018.

Nhiều giải pháp trọng tâm

Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân chia sẻ, năm 2020, Bạc Liêu phấn đấu doanh thu du lịch - dịch vụ đạt trên 3.000 tỷ đồng (tăng từ 18-30% so với năm 2019), trong đó doanh thu nhà hàng - khách sạn đạt trên 1.200 tỷ đồng (tăng từ 18% đến 30% so với năm 2019); có 3 triệu lượt khách du lịch (tăng trên 10% so với năm 2019), trong đó có khoảng 1,3 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú (tăng trên 10% so với năm 2019) và khoảng 90.000 lượt khách quốc tế.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch, giữ vững mức tăng trưởng các chỉ tiêu chủ yếu về du lịch - dịch vụ, hoàn thành và vượt mức kế hoạch so với năm 2019. Tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về tập trung phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng và khai thác có hiệu quả các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác quản lý, chấn chỉnh nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, khắc phục tình trạng buôn bán mất trật tự, chèo kéo khách tại các khu, điểm du lịch, góp phần đảm bảo môi trường du lịch thân thiện, an toàn cho du khách.

Chương trình biểu diễn tái hiện lại một số giai thoại về Công tử Bạc Liêu sinh hoạt đờn ca tài tử và cuộc thi sắc đẹp. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Chương trình biểu diễn tái hiện lại một số giai thoại về Công tử Bạc Liêu sinh hoạt đờn ca tài tử và cuộc thi sắc đẹp. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN

Tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm kêu gọi đầu tư dự án xây dựng tàu du lịch Tắc Sậy - Đông Hải, điểm du lịch - dịch vụ Tắc Sậy, điểm du lịch vườn chim Lập Điền, huyện Đông Hải; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Khu Nhà Công tử Bạc Liêu theo định hướng đầu tư toàn Khu thành Khu Bảo tồn văn hóa, kiến trúc và thương mại – dịch vụ - du lịch. Trong đó, tỉnh đầu tư Khu A thành Khu văn hóa đa năng ngoài công lập, Khu B thành Khu Bảo tồn kiến trúc và xây dựng Tổ hợp thương mại - dịch vụ - du lịch khách sạn, giải trí cao cấp, kết hợp với công viên cây xanh tạo điểm nhấn khu vực trung tâm thành phố Bạc Liêu; chấn chỉnh và sắp xếp nâng cao chất lượng hoạt động theo định hướng quản lý tổng thể toàn khu vực Nhà Mát, Hiệp Thành - thành phố Bạc Liêu.

Tỉnh phát triển du lịch khu vực ven biển với các sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch Điện gió, du lịch kết hợp tham quan Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; sắp xếp nơi buôn bán, gửi xe và các dịch vụ khác đi kèm khu vực chùa Hưng Thiện; hoàn thành dự án đầu tư tuyến du lịch sinh thái ven biển Nhà Mát đến Cái Cùng kết hợp triển khai các dự án đầu tư trồng rừng kết hợp nuôi tôm sinh thái và khai thác các dịch vụ du lịch trên biển. Mặt khác, Bạc Liêu tiếp tục phát huy hiệu quả công tác bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch; khai thác có hiệu quả công năng của Nhà hát Cao Văn Lầu, tiếp tục đầu tư các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc trưng của Nam Bộ và quê hương Bạc Liêu để phục vụ du khách, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Bạc Liêu; phát triển mạnh loại hình du lịch nhiếp ảnh và các dịch vụ phụ trợ khác tại khu vực Quảng trường Hùng Vương.

Bạc Liêu cải tạo, mở rộng các tuyến giao thông đến các khu, điểm du lịch như: Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu, Vườn chim Bạc Liêu, di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh – xã Châu Thới, di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Vĩnh Hưng... Tỉnh xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng (homestay), phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống, phát huy lợi thế các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với các hoạt động du lịch khu vực nông thôn, đảm bảo tính liên kết, không trùng lắp với với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tạo nên sản phẩm đặc trưng riêng của tỉnh, góp phần thu hút khách du lịch.

Ngành Du lịch tăng cường vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở, vật chất, trang thiết bị phục vụ; tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác, tham gia các hiệp hội, đặc biệt là Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh trong Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long; mở các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lao động, từng bước chuẩn hóa tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phong cách phục vụ du khách... Ngành Du lịch Bạc Liêu cần thường xuyên thông tin, tuyên truyền các hoạt động về du lịch của địa phương trên website “Du lịch Bạc Liêu”; thiết lập tài khoản “Du lịch Bạc Liêu” trên mạng xã hội Facebook, Zalo nhằm cập nhật tin tức mới, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu về du lịch của địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước...

  Nhật Bình

Có thể bạn quan tâm