Du lịch Việt Nam:

Bắc Kạn đẩy mạnh xúc tiến phát triển du lịch

Bắc Kạn đẩy mạnh xúc tiến phát triển du lịch
Hồ Ba Bể, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Nguồn ảnh: bantindulich.vn
Hồ Ba Bể, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Nguồn ảnh: bantindulich.vn

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch

Bắc Kạn nổi tiếng với hồ Ba Bể. Đây là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Hồ có diện tích 500 ha, nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể với trên 20 điểm tham quan. Vườn Quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Khu Ramsar thứ 1.938 của thế giới; được Chính phủ công nhận là Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt, đây cũng là khu du lịch trọng điểm của tỉnh Bắc Kạn. Với đặc thù là tỉnh miền núi, cấu tạo địa chất đặc biệt với những dãy núi đá vôi điển hình đã tạo cho Bắc Kạn nhiều hang động, thác ghềnh đẹp. Diện tích hang động có nơi rộng từ hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông với các nhũ đá, cột đá hình thù sinh động, độc đáo. Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên hấp dẫn, tỉnh Bắc Kạn còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú với các phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn, trong dịp lễ 30/4 – 1/5 tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, quảng bá du lịch, ẩm thực, giới thiệu sản phẩm nông sản OCOP (mỗi làng một sản phẩm) tại khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể, huyện Ba Bể với chủ đề “Không gian Ba Bể - Miền quê”. Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ như diễn xướng, biểu diễn các các tiết mục văn nghệ dân gian và trích đoạn lễ hội của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông; trình diễn trang phục áo dài, trang phục dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông; tổ chức trải nghiệm cho khách du lịch các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc (tung còn, đánh yến, đi cà kheo, đánh sảng, múa khèn…). Đồng thời, qua chương trình đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến về du lịch Bắc Kạn thông qua việc tổ chức cung cấp thông tin, tư vấn tại chỗ và giới thiệu các tour, tuyến, điểm du lịch Bắc Kạn cho du khách; trưng bày, giới thiệu các ấn phẩm, sản phẩm quảng bá, xúc tiến du lịch Bắc Kạn; triển lãm các ảnh đẹp du lịch Bắc Kạn. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn sẽ giới thiệu, bày bán các món ăn truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ bố trí một khu vực “chợ quê” dành riêng cho nhân dân các vùng lân cận đến bày bán nông sản và các sản phẩm ẩm thực địa phương. Tại đây cũng sẽ có hoạt động trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản OCOP Bắc Kạn. Du khách sẽ được thưởng thức, trải nghiệm các sản phẩm được UBND tỉnh công nhận thứ hạng và được sử dụng nhãn hiệu OCOP.

Ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết, thông qua chương trình, Bắc Kạn muốn giới thiệu, quảng bá tiềm năng thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, du lịch, miền đất, con người và các sản phẩm nông sản OCOP đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế, qua đó góp phần giữ gìn, phát huy, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

Hiện nay, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đang xây dựng Khu du lịch sinh thái Sài Gòn – Ba Bể theo tiêu chuẩn 4 sao. Đây là cơ sở lưu trú quy mô nhất của tỉnh Bắc Kạn cũng là dự án du lịch đầu tiên triển khai theo chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Kạn. Bên cạnh đó, các nhà sàn, nhà nghỉ ven hồ cũng được người dân cải tạo, nâng cấp và xây mới để đáp ứng nhu cầu của du khách. Các bến xuồng, xuồng, đường ven hồ tới đây cũng sẽ được cải tạo, nâng cấp để phục vụ du lịch được tốt hơn.

Việc UBND tỉnh Bắc Kạn quyết định thành lập Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể, đơn vị chuyên trách, chịu trách nhiệm chính trong tham mưu, hoạch định, tổ chức, thực hiện các hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn Ba Bể được coi là một bước đi mới. Qua đó sẽ thúc đẩy phát triển các loại hình, dịch vụ du lịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, xử lý dứt điểm tình trạng chèo kéo du khách, sắp xếp, ổn định lại các bến thuyền; tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự; xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch.

Ông Hoàng Ngọc Thấm, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể cho biết, trong thời gian tới du lịch Ba Bể cần tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, nâng cấp nơi nghỉ, đầu tư mới khu vui chơi giải trí; phát triển các điểm du lịch vệ tinh phụ trợ, củng cố các tuyến du lịch khép kín gắn với các dịch vụ trung chuyển và sinh hoạt hợp lý; xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư thêm và đầu tư dịch vụ mới. Cùng với đó sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng điện, thông tin cho khu du lịch; đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo thêm các sản phẩm lưu niệm du lịch đặc sắc...

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn, để tăng cường hơn nữa việc quảng bá, xúc tiến du lịch thì trong thời gian tới Bắc Kạn sẽ liên kết xây dựng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đảm bảo tính hấp dẫn, độc đáo gắn liền với thế mạnh của từng địa phương; xây dựng phát triển hệ thống tuyến, điểm du lịch chung của vùng; liên kết trong nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch vùng Đông Bắc. Tỉnh cũng liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; liên kết trong hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu, đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và sản phẩm du lịch tại các địa phương trong vùng; liên kết hoạt động lữ hành; liên kết trong chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quản lý du lịch…

Với vị trí địa lý và nguồn tài nguyên du lịch phong phú, sự hỗ trợ liên kết của các tỉnh trong vùng, sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương, sự chủ động liên kết hợp tác của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp du lịch của các địa phương, Bắc Kạn sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn và thân thiện.
Đức Hiếu

Có thể bạn quan tâm