Du lịch trên vùng đất nông thôn mới

Du lịch trên vùng đất nông thôn mới
Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã giúp huyện Đơn Dương tập trung nhiều nguồn lực đầu tư và sức dân đóng góp trên 4.310 tỷ đồng, chỉnh trang hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm khang trang, hiện đại, giúp sinh hoạt của người nông dân và giao thương nông sản trên vùng đất bạt ngàn rau, màu trở nên thuận lợi hơn rất nhiều, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 150 triệu đồng/ha, trong đó nhiều mô hình công nghệ cao đạt từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/ha. Là vùng đất nông nghiệp, Đơn Dương có tổng đàn bò sữa khoảng 9.000 con, năng suất sữa bình quân đạt 6 tấn/con/chu kỳ (khoảng 20 lít/con/ngày); tổng diện tích rau, hoa ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao là 6.200ha (diện tích nhà kính, nhà lưới, tưới nhỏ giọt tự động: 856ha, sản xuất hoa 100 ha), năng suất rau bình quân đạt 330 tạ/ha. Đơn Dương có số lượng vườn ươm lớn, cung cấp giống rau không chỉ trong huyện mà còn cho cả huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh… Len lỏi trong những vùng rau, du khách còn có thể bắt gặp những vườn hoa rực rỡ sắc màu. Qua 4 năm xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 48 triệu đồng, tăng 2,8 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,5%, trong đó vùng dân tộc thiểu số (DTTS) còn 3%. Đơn Dương có đông đồng bào DTTS (chiếm khoảng 30%), nên đời sống văn hóa tín ngưỡng cũng rất phong phú, với nhiều nhà thờ, nhiều ngôi chùa. Đặc biệt, có ngôi cổ tự  Tổ đình Sắc tứ Giác Nguyên được xây dựng từ năm 1923 với nhiều tên gọi, nhiều lần trùng tu và nhiều mốc lịch sử. Và mới đây, nhà thờ Ka Đơn với kiến trúc độc đáo đậm chất nhân văn đã trở thành điểm đến du lịch của bất cứ ai đặt chân lên vùng đất Đơn Dương này. 
 

Các dân tộc thiểu số tạo nên một Đơn Dương vô cùng phong phú về văn hóa dân gian của người Chu Ru, người K’Ho, người Cill, Chăm,… qua những nghi lễ, những điệu múa, những câu hát… còn giữ lại đến hôm nay. 

Cùng với công cuộc xây dựng nông thôn mới, Đơn Dương cũng đề ra kế hoạch phát triển dịch vụ - du lịch trên địa bàn với nhiều mục tiêu, trong đó có phát triển du lịch sinh thái gắn với tiểu thủ công nghiệp, bảo tồn và khôi phục nhiều nghề truyền thống, như dệt thổ cẩm, nghề rượu cần, nghề gốm, nghề kim hoàn, nghề mộc - mỹ nghệ gỗ, nghề đan lát mây, tre, nứa, cói, thêu tay…

Vùng đất giàu bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc, tạo nên con người Đơn Dương mộc mạc và chân thành, nhưng cũng đau đáu một mong ước giản dị mà lớn lao là lưu truyền mãi mãi tinh hoa của dân tộc mình, như chị Ma Bio cùng bà con dân tộc Churu giúp linh mục Ngọc (nhà thờ Ka Đơn) tạo nên bảo tàng dân tộc Churu.

Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm