Du lịch tâm linh hút khách tại Bình Thuận

Lễ nghinh thần, rước sắc phong từ Mộ Thầy về Dinh Thầy Thím tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi (Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Lễ nghinh thần, rước sắc phong từ Mộ Thầy về Dinh Thầy Thím tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi (Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Bên cạnh các loại hình du lịch thế mạnh như nghỉ dưỡng biển, thể thao biển…, du lịch tâm linh kết hợp tìm hiểu, khám phá giá trị văn hóa ở Bình Thuận đang rất thu hút khách, nhất là mỗi dịp đầu năm mới.

Du lịch tâm linh hút khách tại Bình Thuận ảnh 1Lễ nghinh thần, rước sắc phong từ Mộ Thầy về Dinh Thầy Thím tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi (Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu du xuân, đi lễ của người dân lại tăng cao. Các điểm du lịch tâm linh và danh thắng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thu hút đông đảo du khách ở nhiều lứa tuổi đến dâng hương, cầu phúc lành, may mắn.

Núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam) là điểm du lịch sinh thái tâm linh nổi tiếng được đông đảo du khách gần xa tìm đến hành hương. Với độ cao 649 m so với mặt nước biển, núi Tà Cú không chỉ được biết đến là một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ với hệ sinh thái phong phú mà còn là nơi có 2 ngôi chùa cổ kính và tượng phật nằm “Thích Ca nhập niết bàn” dài 49m.

Anh Nguyễn Văn Banh, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, năm nào cũng vậy, vào tháng Giêng, gia đình tôi đều đến chùa thắp nhang, cầu mong gia đạo bình an, nhiều sức khỏe. Đây cũng là chuyến du Xuân đầu năm giúp các thành viên trong gia đình có năng lượng mới để lao động, học tập trong năm mới.

Theo đại diện Công ty Cổ phần du lịch núi Tà Cú: Vào các mùa trong năm, lúc nào cũng có du khách đến chiêm bái Phật, ngắm cảnh chùa và khám phá rừng núi, nhưng đông nhất vẫn là dịp đầu năm mới. Riêng trong dịp Tết Quý Mão, núi Tà Cú đón hơn 22 nghìn lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đa phần là khách nội địa. Mặc dù khách đông nhưng các hoạt động diễn ra trật tự, không có cảnh xô đẩy, chen lấn.

Không chỉ ở núi Tà Cú mà các điểm du lịch văn hóa, tâm linh khác như: Dinh Thầy Thím (thị xã La Gi), Chùa hang Cổ Thạch (huyện Tuy Phong)… cũng ghi nhận lượng lớn du khách, người dân đến dâng hương, vãn cảnh, cầu phúc. Theo các Ban quản lý, từ nay cho đến hết tháng Giêng, du khách sẽ vẫn tiếp tục tìm đến hành hương. Ngoài khách nội tỉnh, còn có du khách từ các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Tây.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay tại các địa phương trong tỉnh có tới hơn 70 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó có 28 di tích, danh thắng quốc gia và 4 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hệ thống các điểm di tích đình, đền, chùa lâu năm vẫn được bảo tồn, tôn tạo, lưu giữ đến ngày nay là một lợi thế để Bình Thuận phát triển, đưa các địa danh này vào danh sách điểm đến để đầu tư, phát huy giá trị di tích, di sản, tạo nên một trong những thế mạnh cho phát triển du lịch văn hóa, tâm linh của địa phương. Cùng với đó, Bình Thuận còn là địa phương có nhiều lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống đậm bản sắc văn hóa của từng cộng đồng dân cư nơi sản sinh ra di sản. Điển hình như Lễ hội Dinh Thầy Thím gắn liền với Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Dinh Thầy Thím. Lễ hội diễn ra giữa tháng 9 Âm lịch hàng năm và đã trở thành lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu không chỉ của cộng đồng người dân địa phương, mà còn của người dân nhiều tỉnh, thành ở khu vực phía Nam.

Hay như Lễ hội Katê của đồng bào Chăm - lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận, diễn ra ngày 1/7 hàng năm theo lịch của người Chăm (thường vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 Dương lịch). Lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản đề nghị Phòng văn hóa và thông tin các huyện, thị, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội năm 2023. Theo đó, các địa phương tổ chức hoạt động lễ hội năm 2023 bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục, chấp hành nghiêm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn kịp thời biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình… Bên cạnh đó, các địa phương triển khai phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân tham gia lễ hội, không để xảy ra hành vi chen lấn, tranh cướp; có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong lễ hội.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm