Du lịch Nam bộ nỗ lực tìm giải pháp vượt khó

Du lịch Nam bộ nỗ lực tìm giải pháp vượt khó

Chỉ sau một thời gian ngắn phục hồi với nhiều tín hiệu vui, thời điểm này do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, hoạt động du lịch nội địa lại thêm một lần gặp khó. Tại các tỉnh, thành khu vực Nam bộ tuy chưa có trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng song du lịch cũng gần như "đóng băng" dù đang trong mùa Hè - giai đoạn cao điểm của du lịch nội địa. Tập trung cao độ cho công tác phòng dịch và tìm cách thích ứng, giảm thiệt hại để phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát là những biện pháp đang được ngành du lịch các địa phương chung tay, nỗ lực thực hiện. 

Du lịch Nam bộ nỗ lực tìm giải pháp vượt khó ảnh 1Du khách quốc tế tìm hiểu về vẻ đẹp "xứ dừa" Bến Tre. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN

Thêm một lần thiệt hại

Theo thông tin từ Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 5 cho đến giữa tháng 7, các hoạt động du lịch ở thành phố đã nhanh chóng khởi sắc trở lại. Thế nhưng từ cuối tháng 7 khi bắt đầu xuất hiện trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng và sau đó là tại một số địa phương khác, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch lập tức đối mặt khó khăn.

Thời điểm này, hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp lữ hành tại thành phố đều tập trung giải quyết các tồn đọng với khách hàng liên quan đến việc hủy tour, hoãn chuyến. Trên 35.000 chương trình du lịch gồm các tour, dịch vụ lưu trú, điểm đến... của các doanh nghiệp du lịch đã phải hủy bỏ. Còn đối với khối lưu trú, có khoảng 80 - 90% lao động tại các khách sạn tạm thời nghỉ việc không hưởng lương, 6-8% lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Tương tự, ở nhiều tỉnh, thành trọng điểm về du lịch nằm trong khu vực Đông Nam Bộ như Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc thuộc vùng Tây Nam Bộ như Cần Thơ, Bến Tre, chỉ tính trong vòng 15 ngày của tháng 8, lượng du khách giảm tới 70-90% so với cùng kỳ năm trước.

Tại nhiều khu, điểm du lịch vẫn mở cửa đón du khách, dù đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh song lượng khách đến cũng rất ít. Theo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trái ngược với khung cảnh đông vui, tấp nập du khách dịp tháng 6, tháng 7 vừa qua, hiện nay, các bãi tắm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh khá vắng, kể cả dịp cuối tuần. Một số điểm đến tham quan đã tạm ngưng đón khách.

Tại nhiều cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, các công ty lữ hành, các tour và dịch vụ đã được đặt trong tháng 8 hầu hết đều bị du khách thông báo hủy, thậm chí nhiều du khách đã đặt dịch vụ trong tháng 9 cũng yêu cầu được hủy, dù cho đến thời điểm này các địa phương khu vực Đông và Tây Nam Bộ vẫn là điểm đến an toàn, chưa có các trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. 

Linh hoạt giải pháp

 Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa- Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị thường xuyên cập nhật tình hình, hỗ trợ, phản ánh kịp thời những kiến nghị của các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, đề xuất các cấp có thẩm quyền, các ngành chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành về các khoản vốn vay ưu đãi để giúp doanh nghiệp duy trì nguồn tài chính khi hàng loạt du khách đã hủy tour, yêu cầu được thanh toán toàn bộ kinh phí chứ không đồng ý hoãn, bảo lưu dịch vụ trong khi nhiều doanh nghiệp lữ hành lại chưa nhận lại được tiền đã đặt cọc dịch vụ cho các đơn vị vận chuyển dịch vụ lưu trú, ẩm thực...

Đồng thời, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch về các giải pháp phục hồi du lịch theo 2 kịch bản: Thứ nhất nếu dịch bệnh được kiểm soát trong thời điểm cuối tháng 8, tháng 9, Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị các sản phẩm du lịch, sẵn sàng cho những chương trình kết nối với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Đông Bắc và cả các tỉnh miền Trung Tây Nguyên. Kịch bản thứ 2 là nếu đến hết năm 2020 dịch bệnh mới được kiểm soát thì cần lưu ý đến nhóm các giải pháp đào tạo và tái cơ cấu ngành du lịch.

Liên quan đến việc đảm bảo nguồn nhân lực du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai đào tạo tiếng Hàn miễn phí cho các hướng dẫn viên để khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên tiếng Hàn tại thành phố sau khi du lịch nội địa và quốc tế được phục hồi. Trong giai đoạn này, các cơ sở lưu trú, nhất là cách khách sạn vừa và nhỏ cũng sẽ đẩy mạnh việc tiếp cận công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá, tổ chức hoạt động quản lý, kinh doanh...

Còn theo lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, ngay từ tháng 6/2020, Sở đã ban hành hướng dẫn thực hiện các tiêu chí du lịch an toàn trong việc phòng, chống dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp du lịch tại thành phố với 3 bộ tiêu chí phù hợp cho từng lĩnh vực trong hoạt động du lịch là cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành, các khu, điểm du lịch. Hiện nay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, dù ở Cần Thơ chưa có trường hợp nhiễm trong cộng đồng song thành phố vẫn tăng cường thực hiện các tiêu chí du lịch an toàn.

Cụ thể, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hay các khu điểm du lịch, vườn du lịch hoạt động đảm bảo các tiêu chí an toàn như: Thực hiện khai báo y tế và khai báo lịch trình của du khách; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống COVID-19 cho nhân viên, người lao động làm việc tại cơ sở; niêm yết bảng thông tin hướng dẫn đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh; bố trí thuận tiện chỗ rửa tay và cung cấp xà phòng, dung dịch khử khuẩn; thường xuyên khử khuẩn tại các khu vực; đảm bảo 100% người lao động, nhân viên và khách lưu trú đeo khẩu trang; người lao động, nhân viên và khách lưu trú được kiểm tra thân nhiệt trước khi làm việc hay sử dụng dịch vụ; giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm... Các doanh nghiệp đạt tiêu chí du lịch an toàn sẽ được Sở Văn hóa- Thể Thao và Du lịch thành phố Cần Thơ  đưa vào danh sách trong Bản đồ du lịch an toàn và giới thiệu qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Ở góc độ doanh nghiệp trực tiếp thiết kế và kinh doanh các chương trình tour với điểm nhấn là kết nối văn hóa, cảnh sắc của quê hương để tạo nên sự khác biệt, ông Võ Văn Phong- Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Truyền thông và du lịch C2T Bến Tre chia sẻ, đây là thời điểm rất khó khăn với các doanh nghiệp du lịch. Lượng du khách đăng ký tour và đến tham gia các hoạt động trải nghiệm do công ty thiết kế, kết nối giảm khoảng 80 %  so với tháng 7 vừa qua.

Để vượt qua “cơn sóng dữ ”, duy trì việc đón khách trong điều kiện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, các tour đều được công ty xây dựng linh hoạt theo quy mô nhỏ, các điểm đến là không gian thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên, chủ yếu là các hoạt động trải nghiệm, khám phá liên quan đến cây dừa- loại cây đặc trưng của vùng đất Bến Tre  như như đi bộ dưới tán dừa, ngắm chợ dừa trên sông, đốt đuốc lá dừa...

Ngoài ra, theo ông Võ Văn Phong, doanh nghiệp vẫn thực hiện đồng thời việc tổ chức giới thiệu điểm đến Bến Tre an toàn, thân thiện với việc giới thiệu các đặc sản, nông sản để du khách đã từng đến Bến Tre sau chuyến du lịch sẽ trở thành khách hàng mua và sử dụng thường xuyên các đặc sản từ xứ dừa Bến Tre.

Thời điểm này, khi lượng khách đi du lịch sụt giảm nghiêm trọng, chính những du khách đã từng trải nghiệm dịch vụ của công ty, được giới thiệu và thưởng thức các đặc sản Bến Tre lại trở thành người tiêu dùng, đặt mua nhiều loại nông sản, đặc sản do công ty kết nối, cung ứng.

Đây chính là một cách làm giúp doanh nghiệp tồn tại, tạo được nguồn thu nhập cho nhân viên khi hoạt động du lịch gặp khó. Những du khách ở các địa phương lân cận thường có nhu cầu đặt mua các loại trái cây, bánh, thực phẩm chế biến sẵn.

Những du khách ở xa như các tỉnh, thành miền Bắc, Tây Nguyên...cũng có thể đặt mua nhiều loại đặc sản, sản phẩm được chế biến từ dừa - những sản phẩm họ đã từng được giới thiệu, thưởng thức khi đi du lịch ở Bến Tre./.

Thanh Trà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm