Du lịch canh nông Lâm Đồng: Cần đơn giản hóa thủ tục và chuyên nghiệp hóa

Nhiều hộ đồng bào dân tộc K’ho ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) tham gia trồng dâu tây, góp phần thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm. Ảnh: An Thành Đạt
Nhiều hộ đồng bào dân tộc K’ho ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) tham gia trồng dâu tây, góp phần thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm. Ảnh: An Thành Đạt

Năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình Du lịch canh nông và trở thành địa phương đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình kết hợp du lịch với sản xuất nông nghiệp. Qua thời gian thực hiện đến nay đã có hàng chục mô hình Du lịch canh nông đi vào hoạt động, đón khách hiệu quả. Tuy nhiên, qua thời gian thí điểm, tỉnh Lâm Đồng nhận định mô hình này đang gặp phải khá nhiều khó khăn cần tháo gỡ...

Du lịch canh nông Lâm Đồng: Cần đơn giản hóa thủ tục và chuyên nghiệp hóa ảnh 1Nhiều hộ đồng bào dân tộc K’ho ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) tham gia trồng dâu tây, góp phần thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm. Ảnh: An Thành Đạt - BADT&MN

* Mô hình mới lạ, hút khách

Du lịch canh nông là mô hình du lịch trải nghiệm. Khi đến các mô hình này, ngoài được tham quan, du khách còn được trải nghiệm “một ngày làm nông dân”, có thể tự tay trồng trọt, chăm sóc, thu hái các sản phẩm nông nghiệp và đem vào bếp chế biến, thưởng thức theo ý thích của mình.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng: hiện các mô hình Du lịch canh nông đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Đến thời điểm này, đã có khoảng 377 tỷ đồng được đầu tư cho các mô hình trong toàn tỉnh, trên diện tích 302ha, trong đó có 212 ha đất nông nghiệp đã được đưa vào triển khai loại hình du lịch mới mẻ này. Sở đã cấp Thẻ hướng dẫn viên tại điểm Du lịch canh nông cho 198 người; phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt tiếp nhận và cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 11/761 đơn vị Du lịch canh nông trong toàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: thời gian qua, đã có 5 đơn vị đề xuất thực hiện dự án đầu tư Du lịch canh nông (Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Du lịch canh nông Đà Lạt Ong Vàng, Công ty TNHH Anpha Farm, Công ty TNHH Nông nghiệp An Nhiên, Công ty TNHH 1000 Hoa và Công ty TNHH Malakai) chủ yếu hoạt động tại thành phố Đà Lạt. Đến nay đã có 2 đơn vị được cấp Quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư dự án là Công ty TNHH Du lịch canh nông Đà Lạt Ong Vàng với Dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông Thảo Nguyên, Công ty TNHH Anpha Farm với Dự án điểm du lịch canh nông Anpha Farm.

Qua khảo sát, có một số mô hình mới tiềm năng ở thành phố Đà Lạt như Mộc Trà Farm ở xã Xuân Trường, Nông trại cún - Puppy Farm ở Phường 7, Vườn dâu sạch Berry Valley ở phường 7, mô hình Cà phê Mê Linh ở xã Tà Nung. Nhiều mô hình đã xuất hiện ở các địa phương khác, như: Happy Green ở xã Lát - huyện Lạc Dương, Avocado Farm ở xã Quảng Lập - huyện Đơn Dương, Cà phê Tám Trình ở xã Gia Lâm - huyện Lâm Hà, Làng chè Tây Nguyên ở thị trấn Lộc Thắng - huyện Bảo Lâm… đang kinh doanh hiệu quả, là điểm đến của hàng ngàn du khách trong nước, quốc tế.

Du lịch canh nông Lâm Đồng: Cần đơn giản hóa thủ tục và chuyên nghiệp hóa ảnh 2Vườn hoa cẩm tú cầu ở thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) là một trong những điểm du lịch canh nông thu hút đông đảo du khách, giúp du khách lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất cùng người thân và bạn bè. Ảnh: An Thành Đạt - BADT&MN

* Còn nhiều vướng mắc

Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngay sau khi ngành được mở cửa trở lại, các mô hình Du lịch canh nông đã bắt đầu đón khách. Thành công khá nhiều, nhưng trên thực tế, các mô hình này cũng đang gặp phải một số trở ngại trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Lam Sơn, đại diện Công ty TNHH Du lịch canh nông Đà Lạt Ong Vàng cho biết: trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp, hợp tác xã khi tham gia loại hình kinh tế mới mẻ này là việc lập hồ sơ dự án. Từ khi đơn vị lập hồ sơ tới khi được phê duyệt, chưa có cơ quan đơn vị nào hướng dẫn quy trình thực hiện, khiến doanh nghiệp cứ gửi hồ sơ lên các cơ quan có trách nhiệm phê duyệt lại bị trả về nhiều lần, gây mất thời gian và làm nản lòng những nhà đầu tư.

Ông Phan Thanh Nhân, đại diện doanh nghiệp Avocado Farm cho biết 20 năm đi làm ăn xa, ông kiếm được một số vốn để về quê làm Du lịch canh nông. Tuy rất tâm huyết và đã bỏ hết vốn để đầu tư mô hình, nhưng cả người quản lý và nhân viên đều rất lúng túng, chưa biết vận hành mô hình này ra sao, cách quảng bá hình ảnh của Công ty như thế nào.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều nêu kiến nghị, đề xuất có cơ chế cho các mô hình Du lịch canh nông được xây dựng nhà đón tiếp khách, bếp ăn cho du khách trải nghiệm, nhà vệ sinh, bãi gửi xe… thậm chí đề nghị cho phép xây dựng nhà lưu trú phục vụ du khách trên đất nông nghiệp. Các doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh ban hành quy chế đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh Du lịch canh nông chính thức thay thế Quy chế tạm thời theo Quyết định 933/QĐ-UBND ngày 13/4/2021, để có thể đầu tư dài hạn, dài hơi.

Đại diện đơn vị tham gia quản lý nhà nước, ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Đà Lạt cho biết: cho tới thời điểm này, trên địa bàn đã có 33 hộ xây dựng mô hình Du lịch canh nông và đón khách tới tham quan trải nghiệm. Phần lớn các mô hình hình này xây dựng khá bài bản và hoạt động tốt. Tuy nhiên theo Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông ban hành theo Quyết định 933/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trong phần đối tượng áp dụng chỉ có các doanh nghiệp, hợp tác xã. Bởi vậy UBND tỉnh cần điều chỉnh, thêm đối tượng là các hộ kinh doanh cá thể. Với các hộ không đủ điều kiện về diện tích, có thể linh hoạt cho phép liên kết với nhau. Đồng thời, với các dự án Du lịch canh nông, cần cho phép chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng một số công trình phục vụ như nhà đón tiếp, nhà vệ sinh…

Du lịch canh nông Lâm Đồng: Cần đơn giản hóa thủ tục và chuyên nghiệp hóa ảnh 3Đến với điểm du lịch canh nông Thái Dương ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) du khách được trải nghiệm quy trình nuôi ong lấy mật. Ảnh: An Thành Đạt - BADT&MN

* Gỡ khó để phát triển

Trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh Du lịch canh nông, tại Hội nghị đánh giá và đề xuất giải pháp thực hiện phát triển hoạt động Du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh ngày 20/12 vừa qua, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sau Quyết định 2644/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 về việc phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đến ngày 13/4/2021 UBND tỉnh lại ra Quyết định 933/QĐ-UBND ban hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý trong lĩnh vực Du lịch canh nông. Điều này cho thấy lãnh đạo UBND tỉnh đã rất tâm huyết trong việc phát triển loại hình du lịch mới mẻ này. Kết quả trong thời gian qua, đã có 3 điểm Du lịch canh nông đạt được các tiêu chí đặt ra như thu hút trên 500.000 khách tới tham quan và doanh thu đạt 500.000 USD trong 1 năm. Tuy nhiên, việc triển khai cần thực hiện chính quy, chuyên nghiệp chứ không thể làm tự phát và phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhất là trong vấn đề quản lý đất đai.

Để gỡ khó cho các đơn vị đang làm Du lịch canh nông, Phó Chủ tịch UNND tỉnh Phạm S đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối tập hợp tất cả ý kiến, kiến nghị, đến 30/1/2023 sẽ giải quyết hết kiến nghị để có cơ sở ban hành quy chế mới. Sở Kế hoạch Đầu tư cần đổi mới phương thức giải quyết hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục cho người có dự án. Các sở, ngành có liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật để doanh nghiệp được tạo điều kiện tốt nhất khi đầu tư Du lịch canh nông.

Với các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Phạm S cho biết trong khởi nghiệp thì ý tưởng sáng tạo là của các doanh nghiệp, không ai làm thay được nên các doanh nghiệp phải tự lập hồ sơ. Tuy nhiên tỉnh sẽ giao đơn vị chuyên môn tổng hợp để xây dựng quy trình, hướng dẫn cho các doanh nghiệp căn cứ thực hiện. Với khó khăn trong vấn đề nhân lực, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chịu trách nhiệm đào tạo miễn phí nhân viên quản lý cho các đơn vị không hạn chế số lượng, giúp các mô hình này hoạt động một cách chuyên nghiệp,không còn mang tính tự phát như hiện nay.

Đối với 33 mô hình Du lịch canh nông đã đi vào hoạt động đang vướng mắc về thủ tục pháp lý, lãnh đạo UBND tỉnh giao cơ quan chuyên môn kiểm tra, đủ điều kiện thì tham mưu để phê duyệt dự án. Nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia lĩnh vực này, tới đây tỉnh sẽ điều chỉnh đối tượng để các hộ cá thể cũng được tham gia.

Quan điểm của UBND tỉnh là khuyến khích các dự án có quy mô, diện tích đủ lớn để có thể chuyển đổi đủ diện tích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp theo luật định, có thể xây dựng các công trình phục vụ khách du lịch; khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trải nghiệm và có các phương thức trưng bày, quảng bá, liên kết để bán được nhiều sản phẩm nông nghiệp từ mô hình Du lịch canh nông của mình.

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm