Du lịch Bình Thuận đón khách trong tâm thế linh hoạt, chủ động

Du lịch Bình Thuận đón khách trong tâm thế linh hoạt, chủ động

Sau hơn một tháng mở cửa đón khách trở lại, ngành du lịch Bình Thuận tiếp tục triển khai những giải pháp tích cực để phục hồi và thích ứng trong trạng thái “bình thường mới”. Các doanh nghiệp du lịch đã khởi động lại, bắt đầu từ khách nội địa và chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để đón khách quốc tế trong thời gian tới...

An toàn là tiêu chí hàng đầu

Bình Thuận bắt đầu đón khách du lịch từ ngày 24/10. Khi mở cửa, các doanh nghiệp du lịch, địa phương, vùng du lịch đều lấy an toàn là tiêu chí hàng đầu, quan trọng. Đặc biệt, các doanh nghiệp đều đã có sự chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn trong việc cung ứng các dịch vụ.

Sau hơn một tháng hoạt động trở lại, Muine Bay resort đón khoảng 700 lượt khách nội địa (công suất đạt khoảng 35%), tập trung vào các ngày nghỉ cuối tuần. Đa phần khách đi theo nhóm nhỏ bạn bè, gia đình và khách lẻ.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Muine Bay resort cho biết: Ý thức rõ về tầm quan trọng của việc giữ an toàn cho du khách và nhân viên phục vụ, chúng tôi tuân thủ và triển khai đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy trình đón khách.

Ngoài việc tiến hành đo thân nhiệt, khử khuẩn và xét nghiệm cho khách trước khi vào, Muine Bay resort bố trí lại khu vực quẫy lễ tân “check- in”, “check- out” riêng biệt theo hướng một chiều; trang bị và bố trí nước sát khuẩn nhanh tại những nơi cộng cộng; nhắc nhở du khách đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay sát khuẩn. Khuôn viên phòng chờ được bố trí rộng rãi, thoáng mát, đảm bảo giãn cách; chuẩn bị sẵn sàng khu vực xử lý các trường hợp nghi mắc COVID-19…

Tương tự, tại Phú Hải resort, để đảm bảo quy trình khép kín, đơn vị tuân thủ phòng dịch theo phương án đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, trong đó cả khách và nhân viên đều được tiêm đủ liều vaccine, đảm bảo 5K, có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2… Theo đại diện đơn vị này, mặc dù phải bố trí lại nhân sự, tổ chức lại quy trình đón khách và tốn chi phí để mua sắm nhiều trang thiết bị phòng, chống dịch như: máy đo thân nhiệt, máy khử khuẩn, lắp thêm tấm chắn, sửa sang, tu bổ cơ sở vật chất… nhưng doanh nghiệp vẫn rất đồng thuận và thực hiện nghiêm nhằm chung tay cùng chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thực tế cho thấy, sau dịch, xu hướng du lịch của du khách đã có nhiều thay đổi. Nắm bắt xu hướng này, phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Bình Thuận đều đã có nhiều thay đổi để có chiến lược phục hồi phù hợp hơn, trong đó chú trọng đến loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ, nghỉ dưỡng và đề cao đến tính riêng tư.

Theo ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Muine Bay resort, để thích ứng, Muine Bay đã xây dựng nhiều sản phẩm, triển khai các chương trình khuyến mãi mới để khách lựa chọn vừa đáp ứng nhu cầu cá nhân của khách vừa đảm bảo quy trình khép kín. Ví dụ như gói sản phẩm trọn gói bao gồm giá phòng và dịch vụ ăn uống 3 bữa tại chỗ dành cho nhóm gia đình hoặc bạn bè.

Chính sự chủ động và linh hoạt của các doanh nghiệp du lịch đã tạo được sự an tâm cho du khách. Chị Đỗ Thục Chi (đến từ Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: vì dịch bệnh nên gần hai năm nay hầu như gia đình không được đi đâu chơi, du lịch. Gia đình chúng tôi đã rất thận trọng tìm hiểu và quyết định chọn thời điểm này để đi nghỉ dưỡng. Không chỉ được tiếp cận được chương trình giá ưu đãi, vừa túi tiền mà đây cũng là thời điểm hợp lý để các thành viên trong gia đình xua tan những bức bối của đợt dịch vừa qua.

“Phan Thiết là lựa chọn đầu tiên vì đoạn đường từ Thành phố Hồ Chí Minh ra đây không quá dài. Gia đình có thể dùng xe cá nhân để tự đi. Mặc dù khi đến nơi phải xét nghiệm sàng lọc và nghỉ dưỡng trong khuôn viên resort nhưng chúng tôi không thấy phiền mà ngược lại rất yên tâm và thoải mái”, chị Chi cho biết thêm.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ khi mở cửa đến nay, Bình Thuận có hơn 50 cơ sở du lịch, lưu trú đủ điều kiện đón khách du lịch nội địa. Toàn tỉnh đón hơn 5.000 lượt khách. Hầu hết là khách đến từ các tỉnh, thành như: Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang, Long An… Tính đến thời điểm này, 100% đội ngũ người lao động trong các cơ sở du lịch; 80% người dân ở các địa phương trọng điểm du lịch đã tiêm đủ mũi vaccine. Đây cũng là một trong những thuận lợi để Bình Thuận đảm bảo môi trường du lịch an toàn.

Kích cầu đi đôi với “số hóa”

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận: Mặc dù lượng khách trở lại Bình Thuận chưa nhiều, chủ yếu là các khách hàng thân thiết, gắn bó lâu năm với các đơn vị nhưng chúng tôi vẫn mở cửa và thúc đẩy các hoạt động quảng bá, kêu gọi du khách để từng bước phục hồi du lịch với mục tiêu đến năm 2022 ngành du lịch được khôi phục và phát triển.

Trải qua gần hai năm “đóng băng” vì dịch, khi mở cửa trở lại các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn. Một trong số đó là sự cạnh tranh từ nhiều “điểm đến” khác trong cả nước. Chính vì vậy các doanh nghiệp du lịch ở Bình Thuận đang tất bật xây dựng các chương trình kích cầu du lịch cũng như các hoạt động thu hút du khách, nhất là vào thời điểm Lễ Giáng sinh và Tết dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới.

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Đại diện Phú Hải Resort cho biết: Để kích cầu du lịch, đơn vị đã xây dựng gói giảm giá sâu cho tất cả các dịch vụ và không tính thêm phụ thu cho đến hết tháng 12/2021. Ngoài ra, đơn vị cũng đang khẩn trương chuẩn bị chương trình Chào đón năm mới 2022 với điểm nhấn đêm tiệc buffet đón giao thừa.

“Mỗi điểm đến có một thế mạnh riêng và đặc thù khác biệt. Riêng đối với Bình Thuận, ngoài lợi thế gần Thành phố Hồ Chí Minh - thị trường khách chính, địa phương còn có hệ thống resort trải dài nên thuận lợi để du khách đi theo nhóm nhỏ, gia đình. Hơn hết, Bình Thuận có điều kiện xây dựng các gói sản phẩm thiên về chăm sóc sức khỏe, tắm biển, nghỉ ngơi tập luyện cũng như ẩm thực xứ biển… Và đây cũng là nền tảng để các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm kích cầu”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết.

Có thể thấy rằng, dịch COVID-19 đã làm cho cung - cầu của thị trường thay đổi, cách tiếp cận của khách hàng cũng có nhiều thay đổi. Vì thế, ngành du lịch Bình Thuận đang từng bước thay đổi cách quảng bá, xúc tiến trong đó chú trọng công tác quảng bá điểm đến trên tài nguyên mạng xã hội. Hướng đi này càng khẳng định tính ưu việt khi các giao dịch du lịch theo phương thức truyền thống đang có xu hướng chuyển sang môi trường số.

Cụ thể, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh cùng một số doanh nghiệp đã tham gia Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 17 trên nền tảng trực tuyến. Các doanh nghiệp chào bán các chương trình kích cầu, giới thiệu sản phẩm du lịch mới và nhiều hoạt động sự kiện chào đón mùa lễ hội… Ngoài ra, khai thác ưu thế của mạng xã hội, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tổ chức các hoạt động du lịch trực tuyến để thu hút sự quan tâm, theo dõi của “cộng đồng mạng” đến điểm đến Bình Thuận như: tổ chức khảo sát, nghiên cứu thị trường về nhu cầu và tâm lý khách du lịch; cuộc thi du lịch trên mạng xã hội chủ đề “Bình Thuận Nhớ”; quảng bá hình ảnh du lịch, di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa của địa phương trên các trang fanpage facebook…

Theo ông Võ Xuân Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch là một trong những giải pháp quan trọng để giới thiệu hình ảnh điểm đến, thu hút nhà đầu tư và du khách, góp phần phát triển du lịch. Để thích ứng với tình hình hiện nay, từng bước khôi phục lại hoạt động buộc ngành du lịch Bình Thuận phải thay đổi những phương pháp quảng bá, xúc tiến du lịch mới thích hợp hơn bên cạnh việc duy trì các phương thức xúc tiến truyền thống.

Anh Daniel, chuyên gia Ấn Độ sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Đây là lần đầu tiên chúng tôi ra khỏi nhà sau thời gian giãn cách xã hội nên chúng tôi muốn đi biển. Để tìm và chọn Mũi Né, chúng tôi đã xem rất nhiều các “review”, các đánh giá tốt trên các chuyên trang du lịch và từ mạng xã hội.

Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch xây dựng phương án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung Bình Thuận vào danh sách các địa phương được đón khách du lịch quốc tế vào đầu năm 2022. Đây cũng chính là thời điểm Chính phủ đồng ý thí điểm mở cửa các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao. Nếu có sự chuẩn bị sẵn sàng, bắt kịp thời cơ, Bình Thuận sẽ đón được lượng lớn khách quốc tế trú đông.

Với những tín hiệu đáng mừng như hiện nay, du lịch Bình Thuận kỳ vọng sẽ sớm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm