Dư địa phát triển lâm nghiệp của tỉnh Thái Nguyên còn rất rộng

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn thăm khu nuôi cấy mô thuộc Viện nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp - Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Ảnh: Trần Trang - TTXVN
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn thăm khu nuôi cấy mô thuộc Viện nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp - Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Ảnh: Trần Trang - TTXVN

Ngày 11/1, tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với ngành nông nghiệp và lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về phát triển lâm nghiệp, thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh theo đề xuất sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Dư địa phát triển lâm nghiệp của tỉnh Thái Nguyên còn rất rộng ảnh 1Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn thăm khu nuôi cấy mô thuộc Viện nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp - Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Ảnh: Trần Trang - TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá, dư địa để phát triển lâm nghiệp của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn biên độ rất rộng. Cụ thể, với diện tích rừng chiếm 1,3% tổng diện tích rừng toàn quốc song sản lượng lâm nghiệp lại chiếm 4% và giá trị xuất khẩu chỉ bằng một phần nghìn tổng giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước. Cho thấy rừng sản xuất của tỉnh chủ yếu là cây gỗ nhỏ, còn ít các loại cây lâm sản ngoài gỗ với giá trị kinh tế cao.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp - Đại học Nông lâm Thái Nguyên với tầm nhìn là trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật về nông, lâm nghiệp, môi trường và dược liệu hàng đầu trong cả nước sẽ là đơn vị hợp tác mật thiết với tỉnh Thái Nguyên, trước hết tạo ra sự phát triển đột phá cho địa phương, hướng tới mở rộng hợp tác với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Về việc thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh theo sáng kiến đề xuất của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu ngành nông nghiệp Thái Nguyên cũng như các địa phương khác trong cả nước phải rà soát thật kỹ về tư liệu trồng rừng cho Đề án, như diện tích, địa điểm cụ thể để tránh sự chồng chéo, cây trồng phải đạt tỷ lệ cây sống đạt cao, có giá trị.

Thông điệp của sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh là quyết tâm khôi phục, nâng cao chất lượng rừng và môi trường sống, do vậy tỉnh cũng như các địa phương thực hiện nghiêm, không nên chạy chỉ tiêu, không làm theo phong trào, không chỉ diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm mà cần thực hiện như một phong trào thi đua mọi lúc, mọi nơi, hiệu quả.

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên có tổng diện tích tự nhiên là 352.196 ha, diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 179.914 ha; trong đó rừng đặc dụng 36.211 ha, rừng phòng hộ 45.971 ha, rừng sản xuất 97.731 ha.

Trong những năm qua công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp, nhân dân quan tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 47,08% năm 2016 lên 47,6% năm 2019. Sản xuất lâm nghiệp đóng vai trò đáng kể trong cơ cấu ngành nông nghiệp với giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2020 đạt 560 tỷ đồng.

Việc phát triển, quản lý bảo vệ rừng được tỉnh chú trọng, giai đoạn 2016- 2020 diện tích rừng trồng mới tập trung toàn tỉnh được được 30.905 ha; quản lý giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện theo đúng quy định, hằng năm các cơ sở sản xuất giống cây trồng bình quân 26 triệu cây/năm phục vụ phát triển rừng trên địa bàn và các tỉnh lân cận.

Dư địa phát triển lâm nghiệp của tỉnh Thái Nguyên còn rất rộng ảnh 2Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn và Đoàn công tác khảo sát các vườn ươm cây giống. Ảnh: Trần Trang - TTXVN

Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã chuẩn bị được 27 triệu cây giống phục vụ phát triển rừng, loài cây chủ yếu là keo, quế, giổi, mỡ, lát hoa. Đại học Nông lâm Thái Nguyên cũng đã sẵn sàng 15 triệu cây giống cho chương trình trồng cây phân tán. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu trồng 1 triệu cây xanh theo chỉ tiêu Đề án “Trồng một tỷ cây xanh góp phần phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2021- 2025”, từ 2022- 2025 trồng 6 triệu cây xanh.

Kiến nghị với Đoàn công tác, tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021- 2025 để địa phương có cơ sở, căn cứ triển khai thực hiện. Đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp sớm thống nhất số liệu quy hoạch ba loại rừng tỉnh Thái Nguyên để tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; hỗ trợ người dân trồng rừng trước thời điểm quy hoạch rừng đặc dụng không được khai thác.

Trước đó, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn và Đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đi thực tế tại một số vườn ươm cây giống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Trần Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm