Dự báo không thiếu nguồn cung rau, thịt dịp Tết Nguyên đán

Dự báo không thiếu nguồn cung rau, thịt dịp Tết Nguyên đán
Đóng gói sản phẩm thịt gà tại trung tâm giết mổ để cung cấp ra thị trường. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Đóng gói sản phẩm thịt gà tại trung tâm giết mổ để cung cấp ra thị trường. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, lĩnh vực chăn nuôi đang có những điều kiện thuận lợi, do dịch bệnh trên gia súc, gia cầm không phát sinh rộng, thị trường đầu ra khá tốt. Người chăn nuôi đang tích cực mở rộng đàn, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2016.

Cụ thể, chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định, đàn bò sữa tiếp tục phát triển tốt; chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn, an toàn dịch bệnh ngày càng được các địa phương chú trọng trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ có xu hướng giảm.

Theo kết quả điều tra ngày 1/10 của Tổng cục Thống kê, đàn trâu cả nước có 2,56 triệu con, tăng 0,6% so với cùng kỳ; đàn bò đạt 5,38 triệu con, tăng 2% (bò sữa có 275,3 nghìn con, tăng 21%); đàn lợn có khoảng 28,2 triệu con, tăng 3,7%; đàn gia cầm khoảng 342,2 triệu con, tăng  4,3% (đàn gà có 259,2 triệu con, tăng 5,4%).

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt cũng cho biết, năm nay thời tiết biến đổi, khí hậu thay đổi bất thường, gây thiệt hại đáng kể cho trồng trọt. Tuy nhiên, nhờ các địa phương đa đạng hóa giống cây trồng trong vụ Đông, bố trí hợp lý cơ cấu giống, phát triển vùng sản xuất rau tập trung và tăng cường các mô hình sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP… nên lượng rau xanh hiện vẫn đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường.

“Hiện tại, cả nước có khoảng 172.000 ha rau, với sản lượng dự toán xấp xỉ 3 triệu tấn rau phục vụ vụ Đông, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Nếu như thời tiết không có biến đổi dị thường khác biệt thì tôi nghĩ rằng ít có khả năng khan hiếm rau xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán,” ông Cường nhấn mạnh.

Chủ trì cuộc họp báo, ông Trần Quốc Tuấn, Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong tháng, ngoài việc đảm bảo và duy trì các hoạt động sản xuất thì các địa phương cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện năm vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Các đơn vị tiếp tục duy trì lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm rau, thịt, thủy sản, đánh giá nguy cơ và tổ chức thanh tra, điều tra và xử lý vi phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các hoạt động ngăn chặn tạp chất có hiệu quả,” ông Tuấn cho hay.
vietnam+

Có thể bạn quan tâm