Dự án giảm nghèo nâng cao mức sống của người dân miền núi

Dự án giảm nghèo nâng cao mức sống của người dân miền núi
Đường bê tông ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) giúp đồng bào đi lại được dễ dàng (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Đường bê tông ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) giúp đồng bào đi lại được dễ dàng (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, sau thời gian thực hiện, dự án đã bàn giao và đưa vào sử dụng hơn 800 công trình cơ sở hạ tầng quy mô cấp xã, gồm đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt. Nhìn chung, kết quả này đã đáp ứng phần lớn nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và nguyện vọng của người dân.

 

Phần lớn bà con đều xác nhận, thời gian đi lại từ nhà đến nơi sản xuất, hoạt động canh tác đã được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Ngoài ra, nhờ liên kết sản xuất và khuyến khích các hộ nghèo tham gia vào chuỗi sản xuất tại chỗ nên trình độ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa được gia tăng cũng như đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, qua thực tiễn triển khai công tác và tham gia các lớp tập huấn, năng lực quản lý của cán bộ, nhân viên tại các xã được nâng lên đáng kể. Như vậy, tại các địa bàn triển khai dự án, đời sống dân sinh đã có mức cải thiện đáng ghi nhận.

 

Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc được thực hiện tại 6 tỉnh, gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái và Lào Cai với mục tiêu từng bước nâng cao mức sống của người dân tại các vùng triển khai dự án; cải thiện việc tiếp cận cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường năng lực thể chế của chính quyền cơ sở và năng lực sản xuất của cộng đồng địa phương và tăng cường liên kết thị trường, sáng kiến trong kinh doanh.

 

Theo đó, dự án hướng tới việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của các tỉnh nói trên ở mức 3%/năm; thu nhập của các hộ dân tăng thêm tối thiểu là 10%; sản lượng nông nghiệp trong vùng thực hiện dự án tăng 10%; ít nhất 60% số xã lồng ghép đầy đủ các hoạt động của dự án vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương…

 

Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc sử dụng 150 triệu USD vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng với phần vốn đối ứng của Chính phủ thông qua ngân sách Trung ương và địa phương. Dự án triển khai trên địa bàn 2.366 thôn, với hơn 133.000 gia đình; trong đó có 67.000 hộ nghèo.

 

Trên cơ sở phát huy hiệu quả của giai đoạn 2010-2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết định mở rộng quy mô triển khai dự án trên địa bàn 259 xã thuộc 6 tỉnh nói trên, tập trung vào các đối tượng là hộ nghèo, hộ gia đình người dân tộc thiểu số./.

Có thể bạn quan tâm