Dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Những hạt giống đỏ trên vùng đất khó (Bài 3)

Dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Những hạt giống đỏ trên vùng đất khó (Bài 3)
Bài 3: Người đem đến giấc mơ có thật cho bà Nụ 
 
Bà Nụ cười, nụ cười của sự mãn nguyện. Cho đến cái tuổi gần 60 rồi chưa bao giờ bà nghĩ mình thoát nghèo nên chưa giàu bà đã thấy mãn nguyện lắm rồi. Chẳng thể ngờ vẫn cái vườn ấy, vẫn mảnh đất này, vẫn bàn tay bà vất vả nắng mưa, sương gió mà qua mấy chục năm nghèo, bỗng chỉ thoát nghèo trong 2-3 năm. Bà nói, đây là giấc mơ có thật, từ xưa đến nay, bà chưa bao giờ mơ được như thế. Chỉ muốn  trồng được cây gì trong 3 tháng mùa đông, để có thể thay đổi đời sống của mình và bây giờ, giấc mơ ấy đã đến. Bà động viên các con cố gắng làm để thay đổi cuộc sống. Bà cứ tấm tắc cậu Phó Chủ tịch xã trẻ ấy, mới về xã chưa đầy 5 năm mà ngoài gia đình bà, còn khối hộ dân trong xã đã thoát được sự đeo bám của cái nghèo. 
 
Cây Atisô trồng tại xã Lùng Phình, Bắc Hà. Lào Cai. Ảnh: baolaocai.vn
Cây Atisô trồng tại xã Lùng Phình, Bắc Hà. Lào Cai. Ảnh: baolaocai.vn

Dám làm, dám chịu 

Vừa bước chân vào mảnh vườn 5000 m2 trồng atiso của gia đình bà Nguyễn Thị Nụ (Km6, xã Na Hối, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Điều đã phát hiện ngay ra khu vực làm cỏ muộn khiến cây atiso phát triển chậm hơn các khu được làm cỏ sớm. Bà Nụ cười thành thật nhận do thời gian qua bận bịu, lại có tư tưởng nghỉ ngơi nên một số diện tích làm cỏ muộn hơn, cây sinh trưởng kém hơn.

Thực hiện chủ trương khôi phục, phát triển cây dược liệu của huyện, năm 2012, Điều cùng lãnh đạo xã đưa cây atiso về vùng đất này. Ban đầu, chỉ có 4 hộ tham gia, trồng thử nghiệm trên diện tích 3.000 m2. Nhưng, để có được diện tích nhỏ nhoi này cũng không dễ, vì thời điểm đó, người dân đâu có tin. Ai cũng sợ phải thay đổi tập quán canh tác đã tồn tại lâu đời, phải phá bỏ những cây mận đã trồng hàng chục năm, sợ cây atiso không tiêu thụ được, giống như quả mận, lại đổ đi. 

Điều cho biết, “thời điểm về, chúng em bắt đầu thực hiện mô hình. Người dân rất lo lắng trong vấn đề đầu ra cũng như việc trồng cây này. Phải mất 5 phiên họp, người dân mới nhất trí trồng 3.000m2, mỗi nhà trồng thử nghiệm một tí. Đầu ra đã có nhưng lúc đầu người dân vẫn không dám làm, chúng em phải đứng ra, hứa không được ăn là phải đền”. Bà Nụ cũng kể lại rằng ai cũng sợ, không dám trồng nhiều. Nhà bà khi đó cũng chỉ trồng một khoảnh nho nhỏ. Phó Chủ tịch xã phải kiêm luôn “chân” cán bộ kỹ thuật, cùng tham gia lên luống, xúm vào trồng cho dân. 

Vận động người dân trồng atiso đã khó, đến khâu chế biến còn khó bộn phần. Lại là một cuộc vận động. Với tư tưởng phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, từ khâu trồng trọt đến chế biến và tiêu thụ, Điều thành lập Hợp tác xã chế biến dược liệu Na Hối, vận động người dân tham gia vào hợp tác xã, xây dựng nhà xưởng. Điều đích thân về tận Nam Định đặt mua nồi nấu, chảo cô đặc cao, ra huyện Bảo Thắng (Lào Cai) mua ròng rọc, các thiết bị liên quan. Rồi cũng chính tay em thiết kế hệ thống lò nấu, hàn khung nhà xưởng, thiết bị. 

“Đa tài quá!”, tôi thốt lên. Điều cười bảo em làm nhiều nghề lắm, chẳng thế mà mọi thứ Điều làm chỉ để cho người dân học theo, chứ “từ xã về đến nhà em 30km, ngày nào cũng sáng đi, chiều về, lương chỉ đủ tiền xăng”. Điều tâm sự, “nói thật với chị, nhiều năm lăn lộn bên ngoài, đi nhiều nơi, làm nhiều nghề nên em không có ý định vào Nhà nước”. “Trăm cái tránh chẳng khỏi cái số, cứ có phúc là có phần hết”, bà Nụ vui vẻ góp chuyện… Lời kể của Điều xua đi thắc mắc trong đầu tôi: “lãnh đạo một xã nghèo mà oách quá, có xe đẹp 4 bánh để đi”, điều mà một viên chức cà tàng như tôi với gần 20 năm làm báo, đó vẫn là một ước mơ… 

Lại nói về chuyện chế biến cao. Nhà xưởng đi vào hoạt động. Mẻ đầu tiên không ai dám đứng ra nấu, “lôi kéo” mãi mới được 2 người trong hợp tác xã tham gia, nhưng Điều phải cam kết “lỗ tôi chịu, lãi tính sau”. 

“Người ta rất sợ lỗ. Em lại đứng ra trực tiếp làm luôn. Vốn đầu tư ban đầu em bỏ ra. Đến khi trừ chi phí, được lãi mỗi người mấy triệu đồng, nhưng em không lấy nghìn công nào.  Khi làm ăn bắt đầu có thu thì em chuyển giao cho người dân, em không làm nữa”, Điều chia sẻ. 

Hệ thống lò này hiện được 2 thành viên hợp tác xã khai thác. Mỗi mẻ nấu (từ 7-10 ngày), trừ các chi phí, mỗi người cũng có lãi từ 7-10 triệu đồng. Toàn bộ sản phẩm sau khi nấu là cao loãng 50% đều được Công ty cổ phần Traphaco tiêu thụ. 

Đến nay, diện tích atiso ở Na Hối đã phát triển lên 5ha. Gia đình bà Nụ là một trong 18 hộ thuộc tổ chuyên canh cây atiso, bán cho hợp tác xã sơ chế để lấy cao loãng. Bà Nụ cho biết, nhà bà cũng như các hộ xung quanh trước kia thường chỉ trồng ngô, lúa và mận. Khí hậu Bắc Hà khắc nghiệt, mưa mù quanh năm, một năm mất 3 tháng ăn chơi: tháng Chạp, tháng Giêng và tháng Hai. Hai vợ chồng nuôi 7 “cái tàu há mồm” nên nhà bà lúc nào cũng trong diện hộ nghèo. “Từ ngày có dự án phát triển cây atiso, mấy tháng không được ăn chơi nữa nhưng có thu nhập nhiều, có đồng ra đồng vào, không đến nỗi nghèo khổ như trước. Giờ gia đình tôi không còn trong hộ nghèo mà làm gương cho mọi người học rồi”, người nông dân chất phác này tâm sự. 

Nếu như trước đây, gia đình bà cố gắng lắm cũng chỉ đủ gạo để ăn, thậm chí là đứt bữa, nhưng nay, thu nhập của gia đình đã lên đến hơn 100 triệu đồng/năm. Sau nhiều năm ở căn nhà gỗ nhỏ khoảng 40m2, bà Nụ đã mơ về một căn nhà xây kiên cố trong năm 2018. Nếu như làm cả 5.000m2, chỉ 2 mùa atiso là bà đủ xây dựng một căn nhà nhưng ông bà nhường một phần cho con cái làm, tăng thêm thu nhập. 

Khi hỏi về người cán bộ trẻ đã mang đến cho bà giấc mơ có thực này, bà Nụ như được dịp để trải lòng. Bà nói, mấy năm đầu, Điều cũng vất vả vì dân không tin tưởng. Điều phải đi làm cùng với dân, hướng dẫn kỹ thuật, rồi động viên. “Nói thật đồng chí Điều là cán bộ trụ cột, công lao đồng chí rất lớn. Nếu như đồng chí chỉ là một người ăn lương nhà nước, không sâu sát, không tận tình giúp đỡ và chuyển giao kỹ thuật thì nhân dân làm ăn cũng khó khăn. Đồng chí có vai trò quan trọng, chúng tôi quý đồng chí như quý cha mẹ mình, nó chỉ bằng tuổi con cháu mình thật nhưng mình nói thực lòng là như thế”, bà Nụ bày tỏ. 

Đầu tư không nhiều như cây lúa, cây ngô, mất thêm chút công sức chăm sóc, làm cỏ nhưng bù lại cây atiso cho thu nhập lên đến 100 – 120 triệu đồng/ha/năm. Đầu vào, đầu ra thuận lợi, người dân cũng yên tâm phát triển sản xuất. Tất cả 18 hộ dân tham gia chuyên canh cây atiso của xã đều đã thoát nghèo. Phó Chủ tịch Phạm Văn Điều cho biết, xã muốn phát triển diện tích nhiều hơn nhưng do phía đối tác chỉ thực hiện thu mua trong giới hạn chỉ phát triển ở mức 5ha để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. 

Tạo sức bật cho xã nghèo 

Na Hối là một xã thuần nông, đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà, với 85% người dân sống bằng nông nghiệp, 12 dân tộc cùng chung sống/15 thôn bản, 4.212 nhân khẩu; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, địa hình phân tán chia cắt. Những tập tục lạc hậu vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong tâm lý và phương thức sản xuất trong một bộ phận đồng bào các dân tộc. 

Năm 2011, cùng với các xã khó khăn trong cả nước, Na Hối bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Một trong những thuận lợi của những năm đầu xây dựng nông thôn mới là năm 2012, xã được bổ sung trí thức trẻ Phạm Văn Điều về làm Phó Chủ tịch UBND xã. Căn cứ vào chuyên ngành được đào tạo, cùng với phẩm chất năng lực của cá nhân tri thức trẻ muốn cống hiến để trưởng thành, cấp ủy chính quyền địa phương đã giao cho Điều phụ trách mảng phát triển kinh tế, kiêm Tổ trưởng Tổ giúp việc nông thôn mới. 

Trên cơ sở phân tích, nắm chắc hiện trạng của địa phương về xây dựng nông thôn mới cùng với việc bắt tay, hòa nhịp với đời sống, phong tục tập quán của nhân dân lao động, Phạm Văn Điều đã tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương xác định xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò tham mưu nòng cốt là Tổ giúp việc, người dân nông thôn đóng vai trò chủ thể: người làm - người hưởng thụ. Với tâm huyết và sức trẻ của Phó Chủ tịch Phạm Văn Điều và sự đồng sức, chung lòng của cán bộ xã, nhân dân các dân tộc trên địa bàn, sau 5 năm (2012-2017), diện mạo nông thôn của xã Na Hối có sự thay đổi cơ bản. 

Na Hối đã hình thành 3 vùng sản xuất đa dạng, trong đó, vùng trung tâm xã phát triển kinh doanh dịch vụ và du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp truyền thống, cây ăn quả ôn đới (mận, đào, lê... trên 100ha, 7nhà nghỉ Homestay, 12 cơ sở sản xuất kinh doanh dân dụng). Phía Tây Nam xã là địa bàn phát triển cây rau bản địa an toàn của hợp tác xã Dì Thàng, hàng năm xuất bán cho các siêu thị trong tỉnh và ở Hà Nội trên 140 nghìn tấn, nâng diện tích rau từ 30ha lên 65 ha. Phát huy thế mạnh cây dược liệu tại địa phương, phía Nam xã đã hình thành vùng phát triển cây dược liệu (atiso, đương quy, đan sâm...). Riêng diện tích atiso đã giải quyết việc làm cho hơn một trăm hộ dân với 200 tấn lá tươi, sơ chế được 5.250 tấn cao loãng, nâng giá trị gấp 5 lần/ha canh tác so với trồng ngô, lúa. 

Nhờ sự tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, 5 năm qua thu nhập bình quân đầu người của Na Hối tăng cao, năm 2012 là 8,5 triệu đồng/người/năm, năm 2016 là 22,26 triệu đồng/người/năm. Nếu như năm 2012, khi Phạm Văn Điều mới về công tác, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã theo tiêu chí cũ là trên 50% thì nay theo tiêu chí mới, con số này chỉ còn 24,1%. Hết năm 2016, Na Hối đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Xã phấn đấu cuối năm 2017 sẽ hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí nông thôn mới./. (còn tiếp) 
Chu Thanh Vân 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm