Đồng Tháp ứng dụng hiệu quả công nghệ trong dự tính, dự báo sâu bệnh

Đồng Tháp ứng dụng hiệu quả công nghệ trong dự tính, dự báo sâu bệnh

Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 11 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh được lắp đặt và sử dụng tại các vùng sinh thái trồng lúa và cây ăn trái bố trí tại các huyện Tân Hồng, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò, Lai Vung và Châu Thành.

Trong quản lý sản xuất, ngành nông nghiệp đã triển khai ứng dụng phần mềm PPDMS 2.0 vào việc báo cáo và tổng hợp số liệu tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng trên địa bàn tỉnh. Phần mềm này giúp cho việc tổng hợp số liệu được nhanh chóng, từ đó giúp việc quản lý và dự báo sâu bệnh được hiệu quả, kịp thời hơn.

Vụ lúa Đông Xuân năm 2021 - 2022, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long đã được ngân sách huyện Tam Nông đầu tư 270 triệu đồng xây dựng Trạm giám sát sâu rầy thông minh Rynan. Đây là Trạm giám sát sâu rầy thông minh Rynan thứ hai của huyện. Trạm thứ nhất đặt tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Lợi, xã Hòa Bình.

Đồng Tháp ứng dụng hiệu quả công nghệ trong dự tính, dự báo sâu bệnh ảnh 1Trạm giám sát sâu rầy thông minh tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long. Ảnh: baodongthap.vn

Anh Sơn Hoàng Phương, nhân viên kỹ thuật của Công ty RYNAN-TECNOLOGIES tại Trạm giám sát sâu rầy thông minh cho biết, Trạm giám sát sâu rầy thông minh có tính năng tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy, thiên địch vô hại và tự động đưa ra các cảnh báo, dự báo sâu rầy thông qua phần mềm quản lý trung tâm SaaS.

Phương thức hoạt động của Trạm giám sát sâu rầy thông minh là sử dụng đèn LED để kích thích dẫn dụ sâu rầy trên diện rộng. Ngoài ra, Trạm giám sát sâu rầy thông minh còn giúp ích cho nông dân theo dõi được tốc độ gió, hướng gió, nhiệt độ, ẩm độ hằng ngày. Qua đó, giúp nông dân nhận biết được mật độ sâu rầy trên ruộng và tình hình thời tiết mỗi ngày để chủ động các giải pháp xử lý trong sản xuất lúa, hoa màu và các loại cây trồng khác. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng lúa, giảm chi phí đầu tư, giảm công chăm sóc và tăng lợi nhuận cho nông dân.

Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II, huyện Tháp Mười cho biết, hợp tác xã có diện tích sản xuất 570 ha, nhờ ứng dụng bẫy đèn thông minh, dự báo sâu bệnh giúp hợp tác xã quản lý sâu rầy bằng mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh, người dân có thể theo dõi tình hình sau hại trên đồng ruộng qua điện thoại, thực hiện quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) ngay từ đầu vụ giúp bảo tồn nguồn thiên địch,…

Nhờ ứng dụng hiệu quả bẫy đèn thông minh, công nghệ GIS trong dự tính, dự báo sâu bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ sở dự báo hàng tuần, hàng tháng về tình hình sâu bệnh có thể gây hại để đề phòng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhờ có máy dự báo, từ đó thông báo đến bà con nông dân sớm nhất, cụ thể từ ngày 01 - 10/4/2022, đợt rầy cám mới sẽ nở rộ từ ngày gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ. Sâu cuốn lá gây hại phổ biến ở mức nhẹ – trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng, những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và phun thuốc trừ sâu sớm có thể bị hại nặng. Bệnh đạo ôn cổ bông, cháy bìa lá, lem lép hạt gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn làm đòng - trổ chín, cục bộ có diện tích nhiễm nặng ở các ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, sử dụng giống nhiễm như Jasmine 85, VD 20, OM 4900, IR 50404, nếp.

Khi máy dự báo đưa ra thông tin tình hình sâu rầy, ngành nông nghiệp khuyến cao bà con thăm đồng thường xuyên, theo dõi kỹ mật số rầy trên ruộng lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng trỗ để có biện pháp xử lý hiệu quả, khi rầy cám nở rộ tuổi 1- 3 với mật số > 2.000 con/m2 cần xử lý kịp thời bằng thuốc có tác động chống lột xác, hạn chế rầy tích lũy mật số giai đoạn trỗ chín, nếu mật số rầy thấp thì không cần xử lý thuốc bảo vệ thực vật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang cho nhân rộng lắp đặt nhiều nơi trong tỉnh hệ thống giám sát sâu rầy thông minh .

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm