Đồng Tháp tồn đọng nhiều ghe gỗ trọng tải lớn, chưa tìm được nơi tiêu thụ

Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) nổi tiếng gần xa, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Tuy nhiên hiện nay, tại đây còn tồn lại hàng chục chiếc ghe gỗ đóng mới có trọng tải lớn (tổng trị giá nhiều tỷ đồng) suốt gần 10 năm qua vì chưa tìm được nơi tiêu thụ.

Dong Thap ton dong nhieu ghe go trong tai lon, chua tim duoc noi tieu thu hinh anh 1Nhiều ghe gỗ trọng tải lớn ở Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài "mòn mỏi" chờ tiêu thụ suốt thời gian dài. Ảnh: Nhựt An – TTXVN

Đến xã Long Hậu, đi dọc theo rạch Bà Đài, có khoảng 15 chiếc ghe gỗ với trọng tải từ 30-70 tấn đã nhuốm màu thời gian neo đậu dưới rạch và để trên bờ, mỏi mòn chờ đợi khách đến mua. Một số chiếc ghe được che chắn tạm bằng mái tôn hay tấm cao su nhưng cũng có những chiếc bị chủ nhân bỏ quên, phải phơi nắng, phơi mưa, bị mối, mọt tấn công. Các chủ ghe xót xa nhìn tài sản của mình bị xuống cấp, hư hỏng theo thời gian và khó có thể thu hồi vốn.

Cũng như nhiều người hành nghề đóng ghe khác ở làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài, khoảng 10 năm qua, chiếc ghe gỗ trọng tải 70 tấn của ông Mai Văn Chặt ở xã Long Hậu vẫn “nằm im”, chưa thể tiêu thụ.

Dong Thap ton dong nhieu ghe go trong tai lon, chua tim duoc noi tieu thu hinh anh 2Gần 10 năm qua, chiếc ghe gỗ trọng tải 70 tấn của gia đình ông Mai Văn Chặt ở xã Long Hậu vẫn chưa thể tiêu thụ. Ảnh: Nhựt An – TTXVN

Thời điểm năm 2013, chiếc ghe này mới đóng hoàn thành trị giá trên dưới 650 triệu đồng. Ban đầu, ông Chặt còn “cưng” nó, làm mái che, định kỳ vài tháng là cho ghe “uống” dầu để phòng tránh mối, mọt làm hư ván.

“Lúc đầu, ghe còn mới, có vài người đến hỏi mua nhưng trả giá rất rẻ, tôi chưa bán. Còn nay thì không ai mua nên tôi mặc kệ nắng mưa” - ông Chặt cho biết.

Gia đình ông Mai Văn Chặt có truyền thống 3 đời làm nghề đóng ghe lớn. Cơ sở đóng ghe của ông từng có “tên tuổi” ở Long Hậu với 15 thợ và trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị. Khoảng 10 năm trở về trước, nghề đóng ghe còn sung túc, “ăn nên làm ra”.

Nhiều người mua ghe gỗ để đi hành nghề mua bán lúa, chở hàng hóa. Lúc đó, việc sản xuất ghe không kịp nhu cầu của khách hàng. Thấy vậy, không chờ có đơn đặt hàng mà cơ sở của ông Chặt cũng như các cơ sở khác chủ động đóng ghe trước để có sẵn hàng giao cho khách khi có nhu cầu.

Ông Chặt buồn rầu chia sẻ, khoảng từ năm 2013 đến nay, thị trường ghe gỗ bỗng dưng “đóng băng”. Vậy là gia đình ông còn tồn lại vài chiếc, bị “chôn” vốn đầu tư nhiều tỷ đồng. Suốt thời gian dài không thể tiêu thụ trong khi ghe ngày càng xuống cấp, ông Chặt buộc phải bán lỗ vốn.

Năm 2018, ông bán 2 chiếc ghe gỗ (100 tấn và 30 tấn) với tổng số tiền chỉ có 350 triệu đồng, thua lỗ hơn 1,1 tỷ đồng. Sau nhiều năm gắn bó, ông Chặt đành bỏ nghề đóng ghe truyền thống để chuyển sang nghề trồng quýt.

Dong Thap ton dong nhieu ghe go trong tai lon, chua tim duoc noi tieu thu hinh anh 3Chiếc ghe 45 tấn với chi phí đóng mới (thời điểm năm 2016) gần 350 triệu đồng là cả gia sản của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Hương đang nằm chờ khách mua. Ảnh: Nhựt An – TTXVN

Suốt 7 năm qua kể từ khi hoàn thành chiếc ghe gỗ 45 tấn, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Hương ngụ xã Long Hậu vẫn chưa tìm được chủ nhân mới cho chiếu ghe này và hiện nay vẫn “neo” trên bờ. Vợ chồng chị Hương cũng bỏ nghề đóng ghe từ đó, chuyển qua nghề mua bán dừa để trang trải cuộc sống.

“Chiếc ghe này đóng bằng gỗ cây sến, cây sao với chi phí hơn 340 triệu đồng. Đây là cả gia sản của vợ chồng tôi sau nhiều năm làm nghề đóng ghe. Không có người mua ghe, ngày qua ngày, nhìn chiếc ghe phơi nắng phơi mưa mà vợ chồng tôi xót xa quá” - chị Hương tâm sự.

Dong Thap ton dong nhieu ghe go trong tai lon, chua tim duoc noi tieu thu hinh anh 4Sau nhiều năm không thể tiêu thụ, chiếm nhiều không gian sân nhà, chị Nguyễn Quỳnh Yến Ngọc ở xã Long Hậu quyết định tháo gỡ ván của 2 trong số 5 chiếc ghe còn lại để bán ván cho người có nhu cầu. Ảnh: Nhựt An – TTXVN

Trong tình cảnh tương tự ông Chặt, chị Hương, gia đình chị Nguyễn Quỳnh Yến Ngọc ở rạch Bà Đài, xã Long Hậu cũng còn tồn đọng 5 chiếc ghe gỗ, vốn đầu tư hàng tỷ đồng. Sau nhiều năm không thể tiêu thụ, chiếm không gian trong sân nhà nên chị Ngọc quyết định thuê người tháo gỡ ván của 2 trong số 5 chiếc ghe để bán ván cho người có nhu cầu.

Chị Ngọc cho hay, để lâu quá mà không ai mua nên tôi dự tính sẽ tiếp tục tháo gỡ ván thêm một chiếc ghe 80 tấn nữa. Để đóng hoàn thành một chiếc ghe mất nhiều công sức, chi phí, lại tốn chi phí tháo gỡ ra nhưng đành chấp nhận.

Dong Thap ton dong nhieu ghe go trong tai lon, chua tim duoc noi tieu thu hinh anh 5Chiếc ghe tải trọng 45 tấn của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Hương, xã Long Hậu, hoàn thành từ năm 2016 nhưng đến nay chưa bán được. Ảnh: Nhựt An – TTXVN

Theo nhiều người làm nghề đóng ghe ở rạch Bà Đài, trước đây, đường bộ chưa phát triển, vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường thủy nên ghe gỗ tiêu thụ mạnh. Sau đó, hệ thống giao thông đường bộ dần hoàn chỉnh, thay thế đường thủy, nhu cầu sử dụng ghe giảm sâu.

Bên cạnh đó, với nhiều ưu điểm nên hiện nay ghe sắt chiếm ưu thế hơn ghe gỗ. Nguồn gỗ dùng đóng ghe ngày càng khan hiếm, giá thành cao nên chi phí sản xuất tăng; việc đăng kiểm ghe gỗ khá khó khăn và tốn nhiều chi phí.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Hậu Trần Văn Thanh cho biết, các ghe gỗ trọng tải lớn ở khu vực rạch Bà Đài không bán được vì thị trường chuyển sang sử dụng ghe sắt.

Để chở cát, hàng hóa… chủ yếu dùng ghe sắt để sử dụng lâu bền. Hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ phát triển, vận chuyển hàng hóa bằng xe, ít dùng phương tiện thủy như trước đây nên việc tiêu thụ ghe gỗ càng khó khăn suốt thời gian dài.

Dong Thap ton dong nhieu ghe go trong tai lon, chua tim duoc noi tieu thu hinh anh 6Ghe gỗ trọng tải lớn được đóng mới, neo đậu dưới kênh "mòn mỏi" chờ tiêu thụ suốt nhiều năm qua. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

UBND xã Long Hậu có nhiều cố gắng trong việc giữ gìn và phát triển Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài; hỗ trợ người dân tìm thị trường tiêu thụ xuồng, đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt, địa phương đã thành lập Tổ thủ công mỹ nghệ với 7 thành viên, chuyên đóng xuồng, ghe kích thước mini, bán cho khách hàng trong và ngoài nước để trưng bày, làm quà lưu niệm. Còn việc tìm đầu ra cho những chiếc ghe trọng tải lớn bị tồn đọng đang là “bài toán” khó.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Hậu Trần Văn Thanh cho rằng, để tiêu thụ những chiếc ghe gỗ tồn động, người dân có thể giảm giá bán cho phù hợp với giá trị hiện tại vì để càng lâu thì càng tốn công sức, chi phí bảo dưỡng, còn nếu không giữ gìn, bảo quản chu đáo thì ghe mau xuống cấp, hư hỏng.

Nhựt An

Tin liên quan

Ổi lê Cao Lãnh được cấp chứng nhận nhãn hiệu

Ổi lê Cao Lãnh vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Toàn huyện có 518 ha ổi, sản lượng khoảng 70.720 tấn, được sản xuất theo hướng an toàn và hữu cơ, có 3,2 ha ổi được chứng nhận VietGAP.


Tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác và gương mặt trẻ tiêu biểu "đất Sen hồng"

Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), tối 19/5, tại Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc (phường 4, thành phố Cao Lãnh), Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đồng Tháp tổ chức Lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác và trao Giải thưởng “Gương mặt trẻ tiêu biểu đất Sen hồng” năm 2023.


Đồng Tháp: Giải pháp giúp nông dân tiết kiệm chi phí từ 2-3 triệu đồng/ha lúa

Tỉnh Đồng Tháp đến nay đã có hơn 100 thiết bị bay không người lái phun xịt thuốc bảo vệ thực vật; trong đó, ở huyện Tháp Mười có nhiều nhất là 74 chiếc và đang phát triển ở các huyện Cao Lãnh và Tam Nông. Thiết bị bay không người lái phun xịt thuốc bảo vệ thực vật giúp nhà nông sản xuất lúa, sen, cây trồng khác giảm từ 20-30% lượng thuốc, tránh độc hại và phun thuốc bảo vệ thực vật nhanh hơn gấp từ 10-15 lần so với phun truyền thống, tiết kiệm được 2-3 triệu đồng/ha trồng lúa.



Đề xuất