Đồng Tháp quảng bá, liên kết xây dựng các tuyến, điểm du lịch

Đồng Tháp quảng bá, liên kết xây dựng các tuyến, điểm du lịch
Cò ốc – một trong những loài chim quý trong sách đỏ Việt Nam đang sinh sống tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: An Hiếu – TTXVN
Cò ốc – một trong những loài chim quý trong sách đỏ Việt Nam đang sinh sống tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: An Hiếu – TTXVN

Đặc biệt, lượng khách du lịch đến ngày càng đông, nhất là ở 9 địa điểm tham quan khá hấp dẫn như: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu Di tích cấp quốc gia Xẻo Quít, Khu Di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc, Làng hoa kiểng Sa Đéc, Khu Di tích Gò Tháp Chợ chiếu Định Yên, Chùa  Kiến An Cung, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Du lịch ở Đồng Tháp còn sử dụng vườn cây ăn trái như: Xoài ở huyện Cao Lãnh, nhãn ở huyện Châu Thành, quýt hồng ở huyện Lai Vung, đồng trồng sen ở huyện Tháp Mười làm nơi du lịch khá hấp dẫn du khách đến tham quan. 

Điểm nổi bật thu hút khách có Vườn Quốc Gia Tràm Chim là Khu Ramsar của thế giới. Giám đốc Khu du lịch Vườn Quốc gia Tràm Chim Lê Hoàng Long cho biết, Vườn tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm mùa nước nổi như làm ngư dân; tham quan, thu hoạch lúa trời; xem vườn chim sinh sản và chắt chà bắt chuột hoặc đi săn chuột đồng, sân chim rộng hàng chục ha cùng nhiều loài chim bay rợp trời hấp dẫn du khách. 

Đến với Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng ở huyện Cao Lãnh - nơi có hơn 1.600 ha tràm gắn với thực hiện dự án bảo tồn cây tre, cây tràm, sen, súng và hệ sinh thái Đồng Tháp Mười đa dạng và phong phú. Mùa nước nổi có một số hoạt động, dịch vụ trải nghiệm thân thiện, hấp dẫn, thu hút nhiều du khách như bơi xuồng, ngắm động vật hoang dã, đi xe bò, trải nghiệm chợ quê, bắt cá, hò Đồng Tháp, Đờn ca tài tử. Bên cạnh còn, khu vực này có bày bán các mặt hàng đặc sản mắm cá lóc, cá linh, cá chốt, mật ong tràm… góp phần quảng bá các đặc sản địa phương đến với khách du lịch. 

Điều khá hấp dẫn hiện nay mà ngành Du lịch tỉnh còn hướng cho khách đến tận nơi tìm hiểu, trải nghiệm làng nghề, trong đó có nghề trồng hoa kiểng, sản xuất bột ở thành phố Sa Đéc, làng nghề bánh tráng, nem, đóng xuồng ghe, đan bội, đan cần xé, đan lờ lợp ở huyện Lai Vung. Một số làng nghề được phát triển, khôi phục như nghề đan mê bồ ở thành phố Cao Lãnh; các nghề làm khô cá lóc, làm dưa kiệu ở huyện Tam Nông; nghề dệt chiếu, đan lục bình ở huyện Cao Lãnh… 

Nhiều điểm du lịch mới cũng thu hút du khách như mô hình du lịch homestay “Ngôi nhà hoa Ếch”, “Ngôi nhà tre”, Khu Du lịch sinh thái Hương Quê ở thành phố Sa Đéc; Khu Du lịch sinh thái Tân Thuận Đông - thành phố Cao Lãnh; xem mùa hoa nhĩ cán tím, hoa hoàng đầu ấn tại Vườn Quốc gia Tràm Chim; các điểm tham quan vườn cây ăn trái; đồng sen ở huyện Tháp Mười.
Nguyễn Văn Trí
TTXVN

Có thể bạn quan tâm