Đồng Tháp: Phát triển gần 100 điểm du lịch cộng đồng

Cúc mâm xôi phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu ở Làng hoa Sa Đéc. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN
Cúc mâm xôi phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu ở Làng hoa Sa Đéc. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Hiện tỉnh Đồng Tháp phát triển gần 100 điểm du lịch cộng đồng, nhiều nhất là huyện Lai Vung, Tam Nông, Tháp Mười, thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc. Nhiều nhà vườn trồng các loại cây ăn trái đặc sản hoặc làng nghề gắn với du lịch như nhãn ở huyện Châu Thành, quýt hồng ở huyện Lai Vung, xoài ở Cao Lãnh, sen ở huyện Tháp Mười, làng nghề trồng hoa kiểng ở thành phố Sa Đéc,...hình thành điểm du lịch miệt vườn, miệt đồng, hấp dẫn du khách đến tham quan.

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, các hộ dân phát triển được nhiều mô hình du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả cao, tạo sự chú ý của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành; qua đó góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của quê hương, con người, văn hóa Đồng Tháp. Hoạt động này giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.

Đầu tiên phải kể đến điểm du lịch Cánh đồng sen bạt ngàn ở Khu đồng sen Tháp Mười, huyện Tháp Mười. Thời điểm bắt đầu chỉ có 5 hộ dân khai thác mô hình du lịch trải nghiệm chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen; đến nay đã có hàng chục hộ tham gia khai thác mô hình du lịch này. Trung bình mỗi tháng các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách, vào những dịp cao điểm lễ, Tết, trung bình có trên 1.000 lượt khách/ngày đến đây tham quan và trải nghiệm.

Đồng Tháp: Phát triển gần 100 điểm du lịch cộng đồng ảnh 1Cúc mâm xôi phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu ở Làng hoa Sa Đéc. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Điểm du lịch sinh thái vườn nho Ba Tuấn ở xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, được xây dựng trên diện tích hơn 1,3 ha, kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng, giá vé vào cổng 20.000 đồng/người, đến nay bình quân thu nhập hàng ngày của vườn nho khoảng 5 triệu đồng.

Trên địa bàn huyện Tam Nông đã thành lập Hội quán du lịch tại thị trấn Tràm Chim có 30 thành viên tham gia, tập trung vào các lĩnh vực hoạt động: Dịch vụ nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú, vận chuyển khách du lịch, các hoạt động cộng đồng, hướng dẫn du lịch... Hội quán là nơi xây dựng, phát triển và quảng bá những sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch; tạo sự thân thiện, hòa nhã, an toàn, nâng cao chất lượng phục vụ du khách khi đến tham quan, trải nghiệm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có Khu vườn Quốc gia Tràm Chim; ba cơ sở lưu trú Homestay; hai điểm sinh thái; một điểm dừng chân; bốn khách sạn, hai nhà nghỉ, 20 nhà trọ đang hoạt động đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của du khách. Mỗi năm, các điểm du lịch trên địa bàn huyện đón khoảng 100.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Mô hình cây Chà là là mô hình khá hấp dẫn du khách ở thành phố Sa Đéc. Khi vườn Chà là cho nhiều trái, chủ vườn mở cửa cho du khách vào tham quan với giá vé 20.000 đồng/người. Chủ vườn, người quản lý không chỉ hướng dẫn du khách nơi, góc chụp ảnh đẹp, còn bố trí ghế ngồi nghỉ chân, chỉ dẫn du khách nếm thử trái Chà là chín. Anh Võ Minh Tiến, quản lý vườn cho biết, vào tháng 4 âm lịch, cây Chà là rộ trái, mỗi ngày có khoảng 300-400 lượt du khách đến tham quan, chụp ảnh.

Trồng dâu bán trái và mở điểm du lịch cho khách tham quan, thưởng thức những quả dâu chín trên cây là mô hình làm du lịch của ông Nguyễn Văn Triển, chủ vườn dâu Tân Thuận ở ấp Tân Dân, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh. Vườn dâu Tân Thuận có tổng diện tích gần 4.000m2, với 70 gốc dâu gần 10 năm tuổi và nhiều loại cây ăn trái khác như: xoài, mận... Vào dịp tháng 4, tháng 5 dâu chín, mỗi ngày vườn dâu đón gần 1.000 lượt khách đến tham quan, chụp ảnh.

Làng hoa Sa Đéc (Vườn hoa kiểng Hai Cao, Happy land Hùng Thy, Đài ngắm hoa – vườn hoa kiểng Ngọc Lan...), Homestay Ngôi nhà hoa Ếch, Homestay Ngôi nhà Tre – Phong Levent, là những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn. Ngoài việc được tận hưởng cái đẹp bên ngoài, du khách còn được nghe các nghệ nhân, tình nguyện viên giới thiệu đặc điểm, xuất xứ, ý nghĩa, giá trị tinh thần lẫn kinh tế của từng loại hoa kiểng.

Nông nghiệp Đồng Tháp phong phú với nhiều sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa, trái cây, thủy sản. Nông dân Đồng Tháp cần cù, sáng tạo, hồn hậu, mến khách, các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng Nam Bộ... là những lợi thế để Đồng Tháp phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Bình quân mỗi điểm du lịch nông nghiệp có diện tích từ 5.000 mét vuông đến hơn 1ha, mỗi nơi làm điểm du lịch nông nghiệp thu hút từ 500-1.000 lượt khách mỗi ngày, nhiều nhất vào Thứ Bảy và Chủ nhật. Mô hình làm du lịch cộng đồng giúp nông dân Ðồng Tháp cải thiện được thu nhập, phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ năm 2016 đến 2020, các điểm tham quan trên địa bàn tỉnh giúp doanh thu đạt trên 43 tỉ đồng.

Ngày 17/2/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt danh sách có thêm 14 điểm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Nổi bật là điểm Ẩm thực hoa hồng Thi Thơ; điểm tham quan, du lịch Du thuyền vượt cạn; điểm tham quan, du lịch Sinh thái Hương Quê; điểm dừng chân bán hàng đặc sản và Homestay Lối Xưa; điểm tham quan vườn kiểng Mai Vàng ở thành phố Sa Đéc; du lịch sinh thái Vườn Dừa ở huyện Tân Hồng...

Du lịch cộng đồng ở Đồng Tháp phát triển đã góp phần giúp cho du lịch tỉnh tiếp tục tạo dấu ấn đột phá, xếp thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng du khách.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm