Đồng Tháp hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Đồng Tháp hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP  lên sàn thương mại điện tử

Tỉnh Đồng Tháp có 269 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. Trong tháng 12/2022, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đánh giá, xếp hạng thêm gần 200 sản phẩm.

Đến nay, các sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng đạt từ 3 - 4 sao và được phân phối theo kênh truyền thống, các sản phẩm đều có thị trường tiêu thụ ổn định trên các trang điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử.  

Đồng Tháp hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP  lên sàn thương mại điện tử ảnh 1Quýt hồng Lai Vung - đặc sản nổi tiếng của huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Tỉnh Đồng Tháp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đánh giá nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước. Nhiều chủ thể OCOP đã áp dụng hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như: ứng dụng truy xuất nguồn gốc vào sản xuất nông nghiệp; các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP ở tỉnh Đồng Tháp có mặt rộng rãi trên các kênh thương mại điện tử.

Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp – mô hình hợp tác xã mới đã góp phần đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Cùng với đó, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản Đồng Tháp tại Thành phố Hà Nội, Phú Quốc (Kiên Giang), hỗ trợ xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP ở các khu, điểm du lịch của tỉnh, chọn các sản phẩm OCOP làm quà tặng trong các dịp lễ, Tết, giao lưu với các đoàn khách trong và ngoài nước đến làm việc tại Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Văn Na, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, Sở đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các đợt kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố lớn; phối hợp tổ chức Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp trên sàn thương mại điện tử TiKi; tạo dựng mối quan hệ gắn kết với các nhà phân phối hiện đại như: Sài Gòn Co.op, Big C, Vincommerce, MM Mega Market, Bách Hóa xanh góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, kết nối tiêu thụ, giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa. 

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã có hơn 60 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được hỗ trợ giới thiệu, mua bán trên các trang thương mại điện tử và có 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với 75 sản phẩm được tạo dữ liệu và in mã QR truy xuất nguồn gốc. Hiện, có 161 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao, được quảng bá chính thức trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Shopee, Voso.

Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ năng số cho hộ sản xuất nông nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh tham gia sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn. Đến nay, tỉnh đã có hơn 400 sản phẩm của 82 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu có 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn. Số hóa 100% dữ liệu thông tin hộ sản xuất nông nghiệp phục vụ giao dịch, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; có 100% sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử có đầy đủ các thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Tỉnh Đồng Tháp có 100% hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn sàn thương mại điện tử được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên các sàn sàn thương mại điện tử.
 
Trong đó, có ít nhất 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn sàn thương mại điện tử được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng kinh doanh trên nền tảng sàn sàn thương mại điện tử; lựa chọn ít nhất 03 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh để tập trung tuyên truyền, xây dựng thành sản phẩm mũi nhọn.
 
Đồng thời, đẩy mạnh số lượng người truy cập và hoạt động trên sàn sàn thương mại điện tử từ 15-20%; phấn đấu có ít nhất 200 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn sàn thương mại điện tử...

Cùng với đó, tỉnh thực hiện marketing, quảng cáo bán lẻ sản phẩm nông nghiệp qua sàn thương mại điện tử nội địa và quốc tế thông qua các chương trình xúc tiến thương mại; tạo dựng nguồn cung cấp các thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày cho người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Cùng đó, xây dựng nền tảng và tích hợp các tiện ích công, dịch vụ xã hội, gia tăng tính tiện ích và kích thích các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia truy cập và sử dụng nền tảng sàn thương mại điện tử.

Sở Công Thương còn đưa ra một số giải pháp truyền thông, quảng bá sản phẩm thông qua các Trung tâm trưng bày, giới thiệu, phân phối đặc sản Đồng Tháp tại các thành phố lớn; các sự kiện, phiên chợ, Hội chợ nông sản an toàn, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu do các tỉnh, bộ, ngành Trung ương tổ chức trong và ngoài nước.
 
Bên cạnh đó, giới thiệu sản phẩm, câu chuyện sản phẩm OCOP trên trang thương mại điện tử, trang thông tin điện tử tỉnh; thông qua các chuyên mục trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, chuyên trang trên Báo Đồng Tháp…

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm