Đồng Tháp: Giải pháp giúp nông dân tiết kiệm chi phí từ 2-3 triệu đồng/ha lúa

Nông dân sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu bệnh bảo vệ lúa . Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Nông dân sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu bệnh bảo vệ lúa . Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Tỉnh Đồng Tháp đến nay đã có hơn 100 thiết bị bay không người lái phun xịt thuốc bảo vệ thực vật; trong đó, ở huyện Tháp Mười có nhiều nhất là 74 chiếc và đang phát triển ở các huyện Cao Lãnh và Tam Nông. Thiết bị bay không người lái phun xịt thuốc bảo vệ thực vật giúp nhà nông sản xuất lúa, sen, cây trồng khác giảm từ 20-30% lượng thuốc, tránh độc hại và phun thuốc bảo vệ thực vật nhanh hơn gấp từ 10-15 lần so với phun truyền thống, tiết kiệm được 2-3 triệu đồng/ha trồng lúa.

Đồng Tháp: Giải pháp giúp nông dân tiết kiệm chi phí từ 2-3 triệu đồng/ha lúa ảnh 1 Nông dân sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu bệnh bảo vệ lúa . Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Huyện Tháp Mười là huyện có nhiều thiết bị bay không người lái nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp, để thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân Tháp Mười đã từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, huyện Tháp Mười có 74 thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu, đáp ứng nhu cầu phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trên 2.000 ha/ngày. Ở huyện Tháp Mười phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái giúp nông dân giảm từ 20 - 30% chi phí thuốc bảo vệ thực vật so với phun xịt bằng tay, giúp nông dân tiết kiệm chi phí khoảng 2-3 triệu đồng/ha, sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc còn giúp nông dân tiết kiệm thời gian, trung bình mỗi ngày máy có thể phun được từ 30 - 40 ha, tương đương khoảng 20 nhân công lao động.

Ngoài ra, nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy hạn chế thấp nhất việc phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và giải được bài toán thiếu nhân công, góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân và cải thiện môi trường thiên nhiên.

Điền hình mua thiết bị bay không người lái phun xịt thuốc bảo vệ thực vật có anh Nguyễn Hoàng Tú, ở xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười đã đem lại hiệu quả cao. Anh Tú cho biết, qua tìm hiểu của địa phương, lực lượng nhân công phun xịt thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa, cây sen, hay các loại cây trồng khác ngày càng khan hiếm, nên anh mạnh dạng đầu tư 2 thiết bị với số tiền 1,4 tỷ đồng để làm dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật.

Anh Tú cho biết, thiết bị bay không người lái phun xịt thuốc bảo vệ thực vật giúp liều lượng thuốc phun được bám đều trên lá lúa, cây sen… phun đồng đều, không bị chỗ ít, chổ nhiều.

Trước đây nhân công xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng bình đeo sau lưng nhiều khi phun xịt bỏ sót diện tích hoặc xịt không đều. Công suất phương tiện bay không người lái của anh Tú hoạt đồng 1 giờ phun xịt từ 7 - 10 ha lúa. Giá công mỗi ha phun xịt từ 140 - 160 ngàn đồng. Khi lúa, sen, cây trồng khác bị dịch bệnh phát triển mạnh, sử dụng thiết bị bay này vừa nhanh vừa kịp thời dập dịch bệnh trên cây trồng, giải quyết được nhân công lao động, tránh độc hại cho người dân.

Tính ra tiết kiệm từ 20-30% lượng thuốc cho bà con phun xịt trên lúa. Thiết bị bay phun xịt thuốc bảo vệ thực vật hoạt động được cả ngày đêm trên mọi địa hình. Máy sử dụng công nghệ phun ly tâm, giúp lượng thuốc phun bám đều trên lá lúa. Anh Nguyễn Hoàng Tú cho biết, nếu máy hoạt động tốt trong vòng 2-3 năm là thu hồi lại vốn.

Gặp đội thiết bị bay không người lái của anh Nguyễn Văn Tèo ở huyện Tam Nông phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa vụ Hè Thu năm 2023 ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, Anh Tèo cho biết, giá công phun xịt là 140 ngàn đồng/ha, tính ra thấp hơn 40-50 ngàn đồng/ha so với thuê người phun xịt bằng thủ công. Nông dân còn giảm lượng thuốc sử dụng, không giẫm đạp lúa trong quá trình phun, ít tốn công lao động, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.

Ở huyện Tam Nông có mô hình sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật của ông Trung Nghĩa (huyện Tam Nông) có tổng vốn đầu tư 5 tỷ đồng với 10 máy và 20 công nhân. Trung bình hàng tháng, đơn vị phục vụ từ 2.000 – 3.000 ha với phí dịch vụ khoảng 200.000 đồng/ha.

Hiện nay, chủ đầu tư liên kết với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp với phương thức hộ dân mua thuốc tại các đại lý vật tư nông nghiệp và sử dụng dịch vụ thiết bị bay phun thuốc. Qua đó, người dân tiếp cận được dịch vụ phun thuốc và hưởng giá bán ưu đãi.

Hiệu quả từ việc ứng dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật tại Đồng Tháp, theo đánh giá của nhà nông và các nhà chuyên môn, từ thực tế triển khai thiết bị bay không người lái, hiệu quả mang lại giúp giảm lượng thuốc sử dụng, tránh tồn dư hóa chất trên sản phẩm lúa sau thu hoạch. Bên cạnh đó, bà con tránh được tình trạng giẫm đạp lúa trong quá trình phun nên năng suất tăng thêm sản lượng lúa từ 150 – 200 kg/ha.

Trước đây, việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng tay nhiều khi phun xịt bỏ sót hoặc phun không đều, vừa lãng phí thuốc mà hiệu quả không cao. Với thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc được rải đều đúng liều lượng, thuốc bám đều trên lá cây, không bị chỗ ít chỗ nhiều, hiệu quả dập dịch cao, tránh được tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản sau khi thu hoạch.

Theo khảo sát, tiền công phun xịt tính ra tương đương với thuê nhân công phun xịt bằng tay vì tiết kiệm từ 20-30% lượng thuốc phun xịt trên lúa. Tính toán trên diện tích lớn có thể tiết kiệm được 2-3 triệu đồng/ha.

Việc đẩy mạnh và áp dung tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp là khâu then chốt để tạo bước đột phá, là nền tảng của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thực hiện nhiều mô hình ứng dụng đưa vào sản xuất và hiện nay nhiều hộ tư nhân đầu tư thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa, cây sen và các cây trồng khác mang hiệu quả cao, đang được nhân rộng ra nhiều nơi.



Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm