Đồng Nai hỗ trợ thiết bị học tập thông minh cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn, vùng dân tộc thiểu số

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để duy trì việc dạy và học trực tuyến, tỉnh Đồng Nai đã kêu gọi doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ điện thoại thông minh cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Sự hỗ trợ kịp thời đã giúp các em có điều kiện học tập, tiếp thêm động lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Dong Nai ho tro thiet bi hoc tap thong minh cho tre em hoan canh kho khan, vung dan toc thieu so hinh anh 1Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trảng Bom (Đồng Nai) trao điện thoại thông minh để học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: baodongnai.com.vn

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Mỹ, năm học 2021 - 2022, toàn huyện có hơn 1.600 học sinh Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông thiếu thiết bị học tập để tham gia học trực tuyến.

Gia đình em Phạm Mỹ Hoa, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh rất khó khăn. Mẹ mất sớm, bố đi làm ăn xa, hai anh em Hoa đang ở với bà nội đã hơn 80 tuổi. Do không có thiết bị học tập trực tuyến, từ khi bước vào năm học mới đến nay, anh trai của Hoa phải mượn điện thoại bên hàng xóm để học. Hoa phải lên nhà bạn gần nhà để được học chung. Không chủ động được máy để học tập, Hoa không thể tập trung và không tiếp thu được bài học.

Để đảm bảo kế hoạch dạy và học cho năm học mới, ngành Giáo dục huyện Cẩm Mỹ đã vận động gần 500 phụ huynh trang bị thiết bị học tập cho con em và tham gia chương trình mua thiết bị điện thoại ưu đãi của Viettel. Địa phương gửi thư kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ trao tặng điện thoại thông minh cho các em có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Đến nay, huyện Cẩm Mỹ đã vận động trao tặng trên 700 điện thoại thông minh cùng với sim có lưu lượng Data miễn phí, giúp các em có điều kiện học tập trực tuyến.

Nhận chiếc điện thoại thông minh vừa được trao tặng, em Phạm Mỹ Hoa hết sức vui mừng, phấn khởi. Em chia sẻ, từ nay, em có thể chủ động trong việc học tập, không phải đi học nhờ ở nhà bạn nữa. Em hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để cảm ơn các nhà tài trợ đã giúp đỡ.

Không chỉ riêng em Hoa, nhiều học sinh trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ đã nhận được sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm. Em Nguyễn Văn Tuấn, học sinh lớp 12A3, Trường Trung học Phổ thông Cẩm Mỹ cho biết, trong khi dịch bệnh hết sức phức tạp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, chúng em được nhận những món quà này thật đáng trân quý. Chúng em sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng thầy cô và các nhà hảo tâm đã giúp đỡ.

Bà Bùi Thị Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Mỹ cho biết, nhận thấy nhiều học sinh trên địa bàn huyện có cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, Phòng đã thống kê số lượng học sinh không có phương tiện để kết nối với giáo viên và tương tác với thầy cô. Từ đó, Phòng vận động các cơ quan đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn kêu gọi các phụ huynh hỗ trợ các cháu. Đến nay, Phòng đã vận động được trên 700 điện thoại để các em học tập.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, trước khi bước vào năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục tỉnh Đồng Nai đã tiến hàng rà soát, phân loại, thống kê trên địa bàn có gần 30.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số thiếu thiết bị học tập tham gia học trực tuyến. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ủng hộ trang thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã hỗ trợ được hơn 3.000 thiết bị học tập mới và cũ do các nhà hảo tâm hỗ trợ. Số học sinh còn thiếu thiết bị học tập là khoảng 24.000 em.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai cho biết, số lượng học sinh được hỗ trợ còn quá ít so với số học sinh thiếu thiết bị học tập. Do đó, địa phương sẽ tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ và mong nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ, chung tay với chính quyền để chăm lo cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để không em nào bị bỏ lại phía sau, không phải dừng việc học vì thiếu thiết bị học tập trực tuyến. Qua đó, đảm bảo cho kế hoạch năm học, phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện tốt mục tiêu để các em học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học.

Lê Xuân

Tin liên quan

Vĩnh Long huy động gần 1.100 máy tính cho học sinh khó khăn học trực tuyến

Chiều 2/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhằm huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Thông qua chương trình, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đóng góp số tiền hơn 3,1 tỷ đồng và 1.039 máy tính bảng, 50 máy tính bàn cùng các gói cước miễn phí.


Lai Châu tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” của tỉnh Lai Châu, những năm qua, ngành Giáo dục Lai Châu đã có nhiều giải pháp tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh ở hai cấp học này. Qua đó, học sinh mầm non, tiểu học dân tộc thiểu số đã mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.


Thắp sáng ước mơ cho học sinh nghèo vùng biên ở Lạng Sơn

Chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng” đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn triển khai hiệu quả, ý nghĩa thiết thực. Không chỉ phát động sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng, Biên phòng tỉnh Lạng Sơn còn tích cực tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhà hảo tâm cùng chung tay thực hiện để lan tỏa giá trị nhân văn, góp phần hỗ trợ cho nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn khu vực biên giới.


Trao tặng máy tính hỗ trợ học sinh dân tộc Chăm, Khmer ở Thành phố Hồ Chí Minh học trực tuyến

Trưa 26/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Dân tộc thành phố và Báo Công an nhân dân tổ chức lễ trao tặng 100 máy tính bảng và một máy tính xách tay có tổng giá trị 350 triệu đồng, cùng một số quà, sách vở của các nhà hảo tâm hỗ trợ cho học sinh dân tộc Chăm, Khmer có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.



Đề xuất