Động lực giúp người dân vùng cao tỉnh Yên Bái thoát nghèo

Động lực giúp người dân vùng cao tỉnh Yên Bái thoát nghèo
Nhờ vốn vay ưu đãi cho vay hộ cận nghèo, gia đình anh Thào A Phổng, dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải có điều kiện chuyển đổi diện tích trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây và nuôi lợn rừng, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Nhờ vốn vay ưu đãi cho vay hộ cận nghèo, gia đình anh Thào A Phổng, dân tộc Mông ở  huyện Mù Cang Chải có điều kiện chuyển đổi diện tích trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây và nuôi lợn rừng, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Huyện vùng cao Mù Cang Chải là một trong 64 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện có 13 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn với hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm hơn 63%, với 7.687 hộ. Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mù Cang Chải nỗ lực đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện, giúp họ có thêm động lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Gia đình anh Giàng A Dê, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2017, anh vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Sau hơn 2 năm làm du lịch cộng đồng, đời sống của gia đình anh ngày được cải thiện, không những thoát nghèo mà anh còn vươn lên làm giàu. Đến nay, trung bình mỗi tháng anh thu về từ 30-40 triệu đồng, trừ chi phí gia đình anh lãi khoảng 15-20 triệu. Anh Dê chia sẻ, với mục tiêu tiếp tục xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với quy mô lớn, tháng 2 vừa qua gia đình anh đã ra mắt Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải do anh làm chủ. Đây là Công ty đầu tiên do thanh niên làm chủ về lĩnh vực kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Giống như anh Dê, anh Hờ A Dì, xã La Pán Tẩn vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư mô hình nuôi dê, nuôi nhím, với quy mô hơn 60 con dê và 40 con nhím. Bước đầu mô hình nuôi dê đã cho thu nhập. Mỗi năm anh Dì xuất bán được 3-4 lần, trung bình một con dê bán ra được khoảng từ 2-4 triệu đồng. Anh Dì tâm sự, nếu không được tiếp cận nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất đối với vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh chẳng thể có những đàn dê, đàn nhím như vậy. Nhờ nuôi dê mà những năm qua anh có thêm thu nhập, thời gian tới anh tiếp tục phát triển mô hình nuôi dê với quy mô lớn hơn hiện nay. Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mù Cang Chải đã tạo mọi điều kiện để người dân vùng khó được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Ông Bùi Văn Hóa - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mù Cang Chải cho biết, với phương châm hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, Phòng giao dịch đã truyền tải nhanh nhất nguồn vốn tín dụng đến các xã trên địa bàn huyện. Cùng với đó, tổ chức được 14 điểm giao dịch xã, thị trấn hàng tháng tại trụ sở UBND xã và xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm phủ rộng trên tất cả 98 thôn bản, tổ dân phố. Năm 2019, Phòng giao dịch có tổng nguồn vốn gần 247 tỷ đồng, tạo điều kiện cho gần 1.600 hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn với tổng dư nợ 246 tỷ đồng. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Yên Bái đã cho vay trên 129.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách với doanh số 3.850 tỷ đồng. Nguồn vốn này tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, hộ mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh có khăn; hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Hết tháng 2/2020, Chi nhánh đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách, với trên 83.000 hộ nghèo, chính sách được vay vốn, dư nợ 3.100 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đầu tư, chăm sóc, cải tạo trồng mới trên 53.000 ha rừng, hơn 3.200 ha chè, 400 ha cây ăn quả; mua gần 50.000 con trâu, bò, hơn 40.000 con lợn và 66.300 con giống gia súc, gia cầm khác. Làm mới và cải tạo hơn 53.500 công trình nước sạch, vệ sinh cho hộ dân ở khu vực nông thôn; hơn 1.500 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ hơn 2.400 hộ nghèo làm nhà ở và tạo việc làm cho trên 5.400 lao động… Ông Trần Quang Sơn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần tích cực trong giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học do gia đình gặp khó khăn về tài chính; nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định và được xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh. Cùng với đó, nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng các tổ hợp tác kinh tế mang lại hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và từng bước vươn lên thoát nghèo. Góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái mỗi năm từ 3-4%. Năm 2020, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Yên Bái phấn đấu giúp 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách ở địa phương đủ điều kiện có nhu cầu đều được tiếp cận vay vốn; tăng trưởng nguồn vốn đạt khoảng 10%/năm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Yên Bái tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện tốt Nghị định 78 của Chính phủ về “Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác” và Chỉ thị 40-CT/TW; tập trung huy động tốt mọi nguồn lực từ Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn khác để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục duy trì việc tổ chức giao dịch lưu động và họp giao ban tại UBND các xã và tổ tiết kiệm vay vốn vào các ngày cố định hàng tháng; nhằm truyền tải những thông tin, chính sách, chương trình cho vay xuống cơ sở, để người dân được tiếp cận các nguồn vốn. Đồng thời, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân để kịp thời nắm bắt những tồn tại, hạn chế, qua đó có biện pháp tháo gỡ. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người dân từ khâu tiếp cận thông tin cho đến lập hồ sơ vay vốn, cách thức sử dụng vốn. Tăng cường truyền thông tại cơ sở qua hệ thống loa truyền thanh ở các thôn, bản, xã phường; phối hợp với báo, đài của trung ương, địa phương tuyên truyền để người dân hiểu rõ trách nhiệm trong việc vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả.
Việt Dũng - Đinh Thùy

Có thể bạn quan tâm