Đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên ở Gia Lai ổn định cuộc sống nhờ mô hình gắn kết hộ

Lãnh đạo Công ty 74 đến thăm gia đình già làng Siu Tới, già làng làng Bía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Lãnh đạo Công ty 74 đến thăm gia đình già làng Siu Tới, già làng làng Bía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh quốc phòng nơi đơn vị đứng chân, đặc biệt, thực hiện tốt chủ trương “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; Công ty gắn với huyện, xã; Đội sản xuất gắn với thôn, làng”, các công ty trực thuộc Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) còn sáng tạo và nhân rộng mô hình “Gắn kết hộ” - giữa hộ gia đình công nhân với hộ gia đình người dân tộc thiểu số. Mô hình này giúp hàng trăm hộ dân tộc thiểu số vùng biên ổn định cuộc sống, thắt chặt hơn mối quan hệ giữa cán bộ, công nhân của từng đơn vị với địa phương.

Đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên ở Gia Lai ổn định cuộc sống nhờ mô hình gắn kết hộ ảnh 1Lãnh đạo Công ty 74 đến thăm gia đình già làng Siu Tới, già làng làng Bía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Quản lý diện tích cao su tại hai huyện biên giới Đức Cơ và Ia Grai (Gia Lai), là đơn vị sáng tạo ra mô hình "Gắn kết hộ" từ năm 2006, đến nay, Công ty 74, Binh đoàn 15 đã tổ chức 9 đợt với 729 cặp hộ được gắn kết; có 17 đội sản xuất kết nghĩa với 21 thôn, làng; đa số là người dân tộc thiểu số vùng biên.

Với gần 1.700 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ, chiếm hơn 56% quân số toàn đơn vị, Công ty 74 có tỷ lệ công nhân là người dân tộc thiểu số lớn nhất Binh đoàn 15. Với mô hình "Gắn kết hộ" giữa các hộ công nhân người Kinh với các hộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn, các hộ công nhân của Công ty 74 thường xuyên tuyên truyền, vận động, làm chuyển biến cả về nhận thức và hành động của người dân tộc thiểu số vùng biên, giúp họ nâng cao dân trí, phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, Công ty còn hướng dẫn các hộ dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất. Đặc biệt, Công ty cũng tạo điều kiện để các hộ dân tộc thiểu số mượn đất ở các vườn cao su để trồng xen canh các loại cây lương thực cải thiện đời sống.

Anh Rơ Lan Binh, sinh năm 1977, làng Bía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, cho biết, trước đây gia đình anh có khá nhiều đất nhưng không biết sản xuất nên gia đình thuộc hộ nghèo. Năm 2006, gia đình anh được anh Trần Văn Hải, công nhân cạo mủ cao su Đội 15, Công ty 74 hỗ trợ, giúp đỡ hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, gia đình đã mở rộng được diện tích trên 10 ha cao su, 2 ha cà phê, 10 ha điều xen canh lúa rẫy. Không chỉ thoát nghèo nhanh chóng, hiện gia đình anh còn là một trong những hộ khá giả trong làng.

Đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên ở Gia Lai ổn định cuộc sống nhờ mô hình gắn kết hộ ảnh 2Hộ anh Rơ Lan Binh, làng Bía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai và hộ anh Trần Văn Hải công nhân Công ty 74 gắn kết từ năm 2006. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Gia đình anh Kpuih Vân, xã Ia K’la, huyện Đức Cơ và công nhân cạo mủ cao su Dương Văn Quyết, Đội 2, Công ty 74 gắn kết hộ từ năm 2006. Trước đây, gia đình anh Kpuih Vân kinh tế khó khăn, theo các thủ tục lạc hậu, sống khép kín. Khi gắn kết hộ, anh Quyết đã thường xuyên đến nhà tuyên truyền, vận động gia đình ăn ở hợp vệ sinh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, làm nhà tiêu hợp vệ sinh, đưa chuồng trại xa nơi ở. Đến nay, gia đình anh Kpuih Vân đã ổn định kinh tế, con cái đến trường, có nhà xây để ở. Đây cũng là cặp hộ tiêu biểu của Công ty 74, xem nhau như anh em ruột thịt trong gia đình. Các ngày lễ, tết, gia đình anh Kpuih Vân thường xuyên về quê anh Quyết ăn Tết người Kinh, thăm họ hàng anh Quyết tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Anh Quyết cho hay, do ở xa quê nên khi nhận gắn kết hộ với gia đình Kpuih Vân, anh đã xem đây là gia đình thứ hai của mình. Với trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm chân thành, anh giúp đỡ họ thay đổi cách nghĩ, nếp làm, sống văn minh hơn. Việc này cũng giúp anh cảm nhận được tình người ấm áp, giúp anh vơi bớt nỗi nhớ quê ở mảnh đất Tây Nguyên này.

Già Siu Tới, già làng, làng Bía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, cho biết: "Nhờ mô hình "Gắn kết hộ" của các anh bộ đội Công ty 74, ý thức người dân trong vùng được nâng lên rõ rệt, an ninh chính trị được giữ vững, bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Chúng tôi rất cảm kích tấm lòng của cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên Công ty 74 đối với dân làng".

Đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên ở Gia Lai ổn định cuộc sống nhờ mô hình gắn kết hộ ảnh 3Lãnh đạo Công ty 74 đến thăm gia đình già làng Siu Tới, già làng làng Bía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ngoài việc gắn kết giúp các hộ dân phát triển kinh tế, những cặp hộ gia đình này còn nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận rõ âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình”, không nghe kẻ xấu xúi giục, kích động vượt biên trái phép, không vi phạm pháp luật. Cùng với đó, Công ty 74 cũng đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới địa phương, xây dựng nhiều công trình công cộng, cơ sở hạ tầng cho các hộ nghèo: điện, đường, trường, trạm; nhà tình nghĩa, tình thương… với tổng trị giá gần 34 tỷ đồng (từ năm 2015-2020).

Thượng tá Khuất Bá Cao, Bí thư Đảng ủy Công ty 74, Binh đoàn 15, cho biết: Nhiều năm qua, mô hình "Gắn kết hộ" đạt hiệu quả thiết thực, giúp người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo diện mạo mới cho thôn, làng vùng biên, góp phần xây dựng thế trận lòng dân của nền an ninh quốc phòng toàn dân. Mô hình này đã trở thành điển hình tiêu biểu được nhân rộng trong toàn quân của Binh đoàn.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm