Đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận có hơn 100 bài thuốc Nam gia truyền

Đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận có hơn 100 bài thuốc Nam gia truyền
Lương y Thành Ngọc Bính bắt mạch, bốc thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: sggp.org.vn
Lương y Thành Ngọc Bính bắt mạch, bốc thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: sggp.org.vn

Tại Ninh Thuận, người Chăm làm nghề thuốc Nam tập trung chủ yếu ở hai thôn An Nhơn và Phước Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải. Theo các lương y cao tuổi, từ lâu người Chăm đã biết sử dụng các bộ phận như lá, rễ, thân của các loại cây có hoạt tính cao để bào chế các loại thuốc Nam chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Cây thuốc được bà con trồng trong vườn nhà, thu hái ở các vùng rừng, đồi núi. Nghề thuốc Nam được ông bà, cha mẹ truyền lại cho con cháu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi gia đình người Chăm đều có một bí quyết bốc thuốc riêng, tuyệt đối không truyền cho người ngoài. 

Theo Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận, người Chăm sử dụng hơn 300 loài cây thuốc thuộc 97 họ thực vật để bào chế khoảng 677 bài thuốc dùng phòng và chữa bệnh. Thuốc Nam của người Chăm chữa được nhiều bệnh thông thường như: chống viêm, giảm đau, thấp khớp; cảm sốt, thanh nhiệt; sốt rét; ho, hen suyễn; cao huyết áp và các bệnh về máu; các bệnh ở gan mật; thuốc điều hòa kinh nguyệt; thuốc bổ tăng cường sinh lực, nhưng chữa nổi trội là chữa bệnh về xương khớp, đau nhức cơ thể, đau thần kinh tọa, các bệnh về phụ nữ, đau dạ dày…Thị trường tiêu thụ thuốc Nam của người Chăm không những ở nhiều địa phương trong nước mà còn ở Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Campuchia. Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận, Dược sĩ Nguyễn Xuân Tuyển cho biết, nền y học và dược học cổ truyền của người Chăm hình thành và phát triển từ tích lũy kinh nghiệm, kiến thức sử dụng các cây thuốc có trong tự nhiên để chữa bệnh. Đồng thời, có sự kết hợp giao lưu với các nền y học và dược học của người Kinh, người Raglai và một số nước trong khu vực. Hiện tại, có 100 bài thuốc gia truyền của người Chăm được Sở Y tế Ninh Thuận và Hội Đông y tỉnh cấp chứng nhận là bài thuốc gia truyền dòng tộc. 

Lương y Lương Nhỉ (80 tuổi, ở xã Xuân Hải) chia sẻ, các thầy thuốc trước khi chữa bệnh đều luôn hỏi triệu chứng của bệnh, bắt mạch, hỏi thói quen ăn uống, sinh hoạt, lao động rồi mới bốc thuốc. Đặc thù nghề thuốc Nam của người Chăm là bà con đi bán thuốc khắp nơi, có khi đi vài ba tháng bán hết thuốc mới trở về nhà. Người bệnh uống hết thuốc chỉ cần gọi điện thoại, các thầy sẽ gửi thuốc đến. Người đi bán ở xa hết thuốc gọi điện thoại về, người nhà sẽ gửi thuốc theo ô tô, tàu hỏa đến tận nơi. Thuốc Nam được sơ chế thành phiến, xay thành bột, viên tễ. Tùy từng vị thuốc mà mỗi thang có giá bán trung bình từ 30 - 50 ngàn đồng hoặc cao hơn. 

Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận hiện có 700 người Chăm là hội viên, trong đó có 600 người Chăm ở xã Xuân Hải tham gia sinh hoạt Hội Đông y ở tất cả các cấp. Nhờ làm nghề thuốc nam kết hợp với chăn nuôi, trồng lúa nhiều hộ người Chăm đã trở nên khấm khá, con cái được học hành đàng hoàng. Riêng xã Xuân Hải có 4.245 hộ với 17.756 khẩu, trong đó dân tộc Chăm có 1.887 hộ với 8.695 khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, năm 2017 xã có 182 hộ nghèo, 365 hộ cận nghèo; trong đó hộ nghèo người Chăm chỉ có 79 hộ và 135 hộ cận nghèo. 

Người Chăm sống được với nghề thuốc không chỉ ở khả năng chữa bệnh mà còn nhờ vào nguồn dược liệu trong tự nhiên phong phú, đa dạng phân bố ở nhiều nơi trong tỉnh và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, nhiều năm qua, người dân thu hái cây thuốc chủ yếu ở ngoài tự nhiên. Theo thống kê, lượng thuốc Nam khô được tiêu thụ tại xã Xuân Hải ước tính khoảng 300 tấn/năm, tương đương với 3.000 tấn dược liệu tươi khai thác ngoài tự nhiên. Với cách khai thác thiếu tính bền vững như đào bỏ cây lấy rễ, lấy củ, chặt cây bóc vỏ, lấy dây. Ngoài ra, khí hậu khô hạn, khắc nghiệt của Ninh Thuận đã làm cho cây thuốc tái sinh kém, một số loại cây thuốc quý hiếm bị khai thác cạn kiệt. Chị Nguyễn Hoàng Hồng Chiến (39 tuổi, người Chăm) có kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề thuốc nam cho biết, lâu nay chủ yếu mua cây thuốc ở đại lý thuốc nam về sơ chế rồi đi khám bệnh bốc thuốc. Hiện nay, nhiều vị thuốc không mua được vì nguồn dược liệu ngoài tự nhiên cạn kiệt. Để có vị thuốc tốt phải nhờ người quen đi lên vùng rừng Bác Ái, Vĩnh Hy của Ninh Thuận, hoặc vào Bình Thuận rồi lên tận Lâm Đồng cả tháng tìm. 

Để bảo tồn nguồn gen thuốc quý và chủ động được nguồn dược liệu, năm 2011, Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu triển khai dự án “Xây dựng mô hình trình diễn, bảo tồn nghề thuốc nam truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận” với tổng kinh phí 50.000 USD. Xây dựng mô hình vườn bảo tồn cây thuốc trong vườn 30 hộ gia đình ở xã Xuân Hải để lưu trữ nguồn gen cây thuốc và tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc cho hộ gia đình. Đồng thời, xây dựng vườn bảo tồn hơn 500 mét vuông ở thôn An Nhơn trồng 42 cây dược liệu quý như: Bao Vỏ, Xạ Đen, Huyết Rồng, Vú Bò, Cam Đường, Bình Vôi, Chùm Ngây, Nữ Hoàng Cung, chè Vằng và những cây thuốc được người Chăm sử dụng với khối lượng lớn. 

Chương trình góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng người Chăm về sử dụng bền vững nguồn dược liệu thuốc Nam. Tuy nhiên, thời gian qua công tác bảo tồn nguồn giống cây thuốc cũng gặp không ít khó khăn, một phần do tình hình thời tiết bất lợi như hạn hán, lũ lụt xảy ra khiến cây thuốc bị chết. Một số gia đình tất cả các thành viên đi bán thuốc thường xuyên không có người chăm sóc vườn thuốc nên hiệu quả phát triển cây thuốc chưa cao. Bên cạnh đó, nguồn giống cây thuốc quý hiếm cũng rất khó sưu tầm, di thực và ươm giống để nhân rộng. 

Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận, Dược sĩ Nguyễn Xuân Tuyển cho hay, bảo tồn nguồn cây thuốc cũng chính là bảo tồn và phát triển nghề thuốc của người Chăm. Tỉnh Ninh Thuận hiện đang phối hợp các cơ quan khoa học tiến hành triển khai dự án điều tra tổng thể cây thuốc, vị thuốc trên địa bàn tỉnh để lưu giữ, phát triển nguồn gen các cây thuốc quý có nguy cơ tuyệt chủng cao; trong đó có bao gồm bảo tồn những cây thuốc quý của người Chăm. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu trồng và phát triển các loại cây dược liệu quý cho giá trị kinh kế cao để chuyển giao cho bà con nhân rộng, đảm bảo nguồn cây dược liệu và nâng cao thu nhập cho người dân. 

Hội Đông y tỉnh, Sở Y tế thường xuyên mở các lớp tập huấn, tổ chức hội nghị thầy thuốc giỏi người Chăm để chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh, những bài thuốc hay. Đưa vào sử dụng các máy bào thuốc, sấy thuốc chất lượng cao, nâng cao các kỹ thuật thu hái, bào chế, sao tẩm và bảo quản các loại thuốc. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục sưu tầm và xây dựng hồ sơ khoa học các cây thuốc, vị thuốc bổ sung vào danh mục các bài thuốc chữa bệnh của người Chăm in thành tài liệu xuất bản. 

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải Nguyễn Thị Thanh Dịp cho biết, nguồn cây thuốc hiện đang cạn kiệt dần, nếu không bảo tồn trồng tự túc thì sớm muộn nghề thuốc Nam cũng sẽ mai một. Để bảo tồn, nhân giống các loại cây thuốc quý hiếm của Ninh Thuận, chính quyền địa phương đã có kế hoạch mở rộng vườn thuốc nam tập trung lên trên 1.000 mét vuông. Các cấp, ngành tiếp tục tuyên truyền để người dân trồng, khai thác và sử dụng bền vững nguồn cây thuốc thì mới giữ vững được nghề thuốc Nam. Phối hợp Hội Đông y tỉnh, các ban ngành có kế hoạch xây dựng Đề án bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Thuốc Nam người Chăm Ninh Thuận”, “Làng nghề truyền thống thuốc Nam gia truyền dân tộc Chăm xã Xuân Hải”. 
Nguyễn Thành
TTXVN

Có thể bạn quan tâm