Đồng bào Chăm ở Bình Thuận nô nức đón Lễ hội Katê 2019

Đồng bào Chăm ở Bình Thuận nô nức đón Lễ hội Katê 2019
Nghi lễ Nghinh rước trang phục nữ thần Pô Sah Inư từ chân tháp lên tháp chính. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Nghi lễ Nghinh rước trang phục nữ thần Pô Sah Inư từ chân tháp
lên tháp chính. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Dưới sự điều hành của các chức sắc tôn giáo, lễ rước y trang của nữ thần Pô Sah Inư diễn ra nghiêm trang nhưng không kém phần đặc sắc với dòng người hòa trong tiếng trống, điệu múa… kéo dài từ sân lễ lên tháp chính, tái hiện Tết Katê độc đáo và lâu đời của người Chăm. Tiếp nối là các nghi lễ mở cửa tháp chính, nghi thức tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục và Đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính.

Trình diễn nghệ thuật múa Chăm trên tháp chính. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Trình diễn nghệ thuật múa Chăm trên tháp chính.
Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Theo Sư cả Thường Xuân Hữu, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bà-la-môn giáo tỉnh Bình Thuận: Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận. Lễ hội này tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, cầu mong lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Đây cũng là dịp để người Chăm từ khắp mọi miền đất nước trở về quê cha đất tổ đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè, dòng họ.

Phần hội của Lễ hội Katê năm nay sôi nổi với các hội thi và trò chơi mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Chăm như: Thi trưng bày và trang trí lễ vật trên Thoonla; thi làm bánh gừng, giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật… Đã từ lâu, Lễ hội Katê không chỉ là ngày hội của đồng bào Chăm mà còn thu hút rất nhiều du khách tham quan và người dân địa phương. Đây cũng là một trong những lễ hội được tỉnh Bình Thuận chọn làm sự kiện để phục vụ du lịch.
Chị Iana (người Nga) cho biết: Vì yêu lễ hội Katê cũng như những nét văn hóa đặc sắc của người Chăm nói riêng và Việt Nam nói chung nên chị đã 6 lần tham gia lễ hội này. Đây là một lễ hội đặc sắc, chị rất thích trang phục, âm nhạc và đặc biệt là món bánh gừng truyền thống của người Chăm.

Du khách Fenix (đến từ Hồng Kông) lần đầu tiên tham gia và trải nghiệm không gian lễ hội Katê của người Chăm. Du khách này cho biết: Không khí lễ hội ở đây mang nét đặc trưng của người dân địa phương, đặc biệt, lễ hội diễn ra ở ngôi tháp mang nét cổ kính, rất đặc sắc...

Đông đảo du khách đến tham quan tháp Pô Sah Inư và xem Lễ hội Katê 2019. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN Trình diễn dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm tại lễ hội. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN Trình diễn làm bánh gừng, món ăn truyền thống của đồng bào Chăm, tại lễ hội. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Đông đảo du khách đến tham quan tháp Pô Sah Inư
và xem Lễ hội Katê 2019. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Đồng bào Chăm ở Bình Thuận nô nức đón Lễ hội Katê 2019 ảnh 4
Trình diễn dệt thổ cẩm
của đồng bào Chăm tại lễ hội. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Đồng bào Chăm ở Bình Thuận nô nức đón Lễ hội Katê 2019 ảnh 5
Trình diễn làm bánh gừng, món ăn truyền thống
của đồng bào Chăm, tại lễ hội. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Trong không gian lễ hội, ngoài chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc Chăm cổ hơn 1.000 năm của cụm Tháp Pô Sah Inư, du khách còn được tham quan và tìm hiểu nét đặc của văn hóa Chăm thông quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu hình ảnh du lịch, văn hóa, lễ hội, di tích, sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh Bình Thuận có người Chăm sinh sống. Bên cạnh đó, du khách còn được trực tiếp trải nghiệm cùng nghệ nhân làm bánh gừng, dệt thổ cẩm, chơi nhạc cụ Chăm…

Tết Katê là Tết truyền thống của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận. Tết thường được bắt đầu bằng lễ hội từ các đền, tháp và cuối cùng là các hoạt động vui chơi, đón tết tại nhà. Những ngày này, không khí tại các làng, thôn xóm của người Chăm hết sức nhộn nhịp, rộn rã. Mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ, quây quần bên nhau. Dịp này, để tạo thêm sân chơi cho nhân dân và du khách, các địa phương và Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đậm bản sắc văn hóa dân gian. Trong đó có triển lãm, trưng bày hiện vật gốc có giá trị văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Chăm; thi hòa tấu nhạc cụ dân tộc, thi viết chữ Chăm truyền thống…/.

Hồng Hiếu

BADTMN/TTXVN

Có thể bạn quan tâm