Đơn giản hóa thủ tục trong đào tạo, sát hạch lái xe

Đơn giản hóa thủ tục trong đào tạo, sát hạch lái xe
Cần bỏ những quy định không cần thiết 
Cụ thể, điều kiện về giáo viên dạy lái xe quy định ở điểm c khoản 3 Điều 7 của dự thảo Nghị định quy định: “Thời gian hành nghề lái xe của giáo viên dạy các hạng B1, B2 từ 3 năm trở lên; thời gian hành nghề lái xe của giáo viên dạy các hạng C, D, E, F từ 5 năm trở lên”. Theo VCCI, cần phải bỏ quy định này, vì trong thực tế không rõ “thời gian hành nghề lái xe” được tính như thế nào? Nếu bắt buộc giáo viên thực hành phải hành nghề lái xe - lái xe chuyên nghiệp có lẽ là không hợp lý vì đã quản lý chất lượng giáo viên qua việc tập huấn nghiệp vụ rồi.
Đơn giản hóa thủ tục trong đào tạo, sát hạch lái xe ảnh 1
Bộ phận một cửa cấp giấy phép lái xe tại 16 Cao Bá Quát, quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Hay như thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành (Điều 10), dự thảo Nghị định quy định về thủ tục cấp lại giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành, theo đó, việc cấp lại được thực hiện khi bị mất, hỏng hoặc có sự thay đổi nội dung của Giấy chứng nhận. Theo VCCI, nội dung quan trọng nhất của Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành là hạng xe được dạy. Với quan điểm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị chỉ quy định phải xin cấp lại trong trường hợp thay đổi hạng xe dạy thực hành. Do đó, quy định này cần phải rút gọn theo hướng “chỉ cần có đơn đề nghị cấp lại (đối với trường hợp bị mất, hỏng) và giấy tờ liên quan đến sự thay đổi hạng xe được dạy (đối với trường hợp thay đổi) và bổ sung quy định về công khai các thông tin của giáo viên dạy thực hành để học viên có điều kiện đánh giá về giáo viên cũng như cơ sở đào tạo.
Đối với điều kiện cấp Giấy phép thành lập cơ sở đào tạo lái xe ô tô, dự thảo Nghị định quy định: “Phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe ô tô của Bộ GTVT” (Điều 5) và việc cấp Giấy phép Trung tâm sát hạch lái xe “Phải phù hợp quy hoạch mạng lưới trung tâm sát hạch của Bộ GTVT hoặc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh” (Điều 17). Về quy định này, VCCI đề nghị phải công khai, minh bạch trong xây dựng, công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe. Theo đó, quy định này cần làm rõ vấn đề: Nếu sau khi hết thời hạn của giấy phép, thì doanh nghiệp cần phải được thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép. Cơ quan nhà nước cần bảo đảm quyền của nhà đầu tư, của doanh nghiệp đã hoạt động trước khi sửa đổi quy hoạch…
Trên đây chỉ là 3 trong số 11 quy định tại dự thảo Nghị định quy định kinh doanh dịch vụ đào tạo, sát hạch lái xe, mà nếu hiện thực hóa Nghị định vào thực tế, nếu không được loại bỏ, sửa đổi, bổ sung sớm thì sẽ làm khó cho doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này. 
Nghị định mới phải tránh rườm rà
Giám đốc Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe Trường Trung cấp nghề Á Châu Lưu Đức Hải chia sẻ: Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính là điều kiện cần, để thu hút các doanh nghiệp muốn đầu tư và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đảm bảo kinh doanh có lợi nhuận. Do đó, các quy định chưa sát thực tế như trên nên sớm được loại bỏ, sửa đổi, bổ sung, để Nghị định gần thực tế hơn. Các thủ tục về đào tạo, tuyển sinh nhanh và thuận tiện, dễ hiểu, sẽ giúp các học viên tại các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe hiện nay yên tâm đầu ra và thu hút thêm đông đảo học viên nhập học…
Theo bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), Bộ GTVT đã và đang hoàn thiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, không chỉ về số lượng mà về chất lượng, nhằm tạo đột phá về đổi mới thể chế, chính sách. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, nhiều văn bản chuyên ngành GTVT chưa có sức sống lâu dài, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, Bộ GTVT đang tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính để kịp thời ban hành, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, nhất là các văn bản quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực giao thông như: Đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm, bảo đảm hàng hải…
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, các quy định về lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe phải đảm bảo thể hiện được tính pháp lý của Nghị định, để sau này các doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này có cơ sở để thực hiện trên tinh thần Nghị định rõ ràng, dễ hiểu, tránh rườm rà. Những nội dung cần thiết cơ bản phải thể hiện được để làm sao khi ban hành Nghị định ra, nhà đầu tư chỉ cần đọc Nghị định có thể định hình được đầu tư vào lĩnh vực này phù hợp với Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT về lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe…

Có thể bạn quan tâm