Đón đợi đêm nhạc "Tiếng hát họa mi Tây Nguyên"

Đón đợi đêm nhạc "Tiếng hát họa mi Tây Nguyên"

Sau 40 năm cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà, Nghệ sĩ Nhân dân, Đại tá Rơ Chăm Phiang trở về với quê hương Gia Lai qua đêm nhạc "Tiếng hát chim họa mi Tây Nguyên". Chương trình là hành trình về nguồn của người con gái Jrai, niềm tự hào của người dân địa phương khi đón người con đất Tây Nguyên trở về cống hiến cho thính giả quê nhà.

Đón đợi đêm nhạc "Tiếng hát họa mi Tây Nguyên" ảnh 1 Nghệ sĩ Nhân dân - Đại tá Rơ Chăm Phiang được mệnh danh là họa mi Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Đại tá Rơ Chăm Phiang, sinh năm 1963, người Jrai, có giọng ca đẹp, trong trẻo, cao vút, được đánh giá là giọng ca hiếm của nền thanh nhạc Việt Nam. Bà sinh ra và lớn lên ở xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Rơ Chăm Phiang đi theo cách mạng và đến với ca hát khi mới 9 tuổi. Năm 12 tuổi, Rơ Chăm Phiang vào Đoàn văn công địa phương để hát cho bộ đội nghe, sau đó được tuyển về Đoàn văn công Quân khu 5. Ở đây, Rơ Chăm Phiang bắt đầu thể hiện những ca khúc về Tây Nguyên như “Cánh chim báo tin vui”, “Người lái đò trên sông Pô Cô”, “Tháng ba Tây Nguyên".

Bà đã có những năm tháng hoạt động trên khắp các chiến trường ác liệt như Phan Rang, Phan Thiết, Đắk Lắk, Nha Trang, Quy Nhơn... để hát cho bộ đội nghe.

Đón đợi đêm nhạc "Tiếng hát họa mi Tây Nguyên" ảnh 2 Nghệ sĩ Nhân dân - Đại tá Rơ Chăm Phiang biểu diễn trong đêm liveshow "Tiếng hát họa mi Tây Nguyên". Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ít ai có thể ngờ rằng, cô bé Jrai nhỏ nhắn có giọng ca trong trẻo như họa mi năm ấy đã vượt qua rào cản về ngôn ngữ, trở thành một trong số ít những ca sĩ được đào tạo chính quy, bài bản bậc nhất ở Việt Nam.

Rơ Chăm Phiang tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, hệ đại học chính quy và bảo vệ học hàm Thạc sĩ thanh nhạc tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Bà từng nhiều năm hoạt động biểu diễn trong Đoàn ca múa Quân khu V, Đoàn ca múa Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Bà đạt bằng xuất sắc sau hai năm tu nghiệp tại Học viện âm nhạc Tchaikovsky (Liên bang Nga) theo suất học bổng của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam. Hiện bà là giảng viên thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Trong sự nghiệp ca hát, bà đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Giải ba Cuộc thi hát thính phòng “Hoa cẩm chướng đỏ” ở Nga năm 1983; Huy chương vàng Liên hoan âm nhạc quốc tế Mùa xuân Bình Nhưỡng năm 1990; Giải nhất liên hoan “Giọng hát vàng ASEAN” năm 1996; Huy chương vàng Hội diễn toàn quốc năm 1980; Giải nhất giọng hát hay toàn quốc năm 1981; Giải nhất cuộc thi Giọng hát Hanoi - ASEAN 1996; Giải nhất Cuộc thi hát thính phòng Việt Nam lần thứ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1996. Sau những cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà, năm 2017, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2019.

Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang trăn trở: Dòng nhạc thính phòng, cổ điển đòi hỏi nghệ sĩ phải dành nhiều thời gian học tập, rèn luyện nhưng chưa hẳn đã chiếm được chỗ đứng trong lòng khán giả. Dù đang giữ vai trò giảng dạy, bà luôn đau đáu nỗi niềm tìm kiếm và giúp thế hệ trẻ nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với dòng nhạc này. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, dù vẫn khát khao được đứng trên sân khấu nhưng những năm tháng về sau này, Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang dành hầu hết thời gian, tâm huyết vào việc giảng dạy các thế hệ học trò - những người sẽ tiếp nối con đường âm nhạc thính phòng sang trọng, cao quý, nhưng đầy chông gai này. Ca sĩ Huyền Trang, Quán quân Sao Mai 2013, một trong những học trò của Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang là điển hình trong việc khổ luyện và đam mê với dòng nhạc này.

Đón đợi đêm nhạc "Tiếng hát họa mi Tây Nguyên" ảnh 3 Nghệ sĩ Nhân dân - Đại tá Rơ Chăm Phiang biểu diễn trong chương trình đêm nhạc "Họa mi của núi rừng Tây Nguyên". Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Dưới sự dìu dắt của bà, nhiều sinh viên khi ra trường đã trở thành những ca sĩ ở các nhà hát, đoàn nghệ thuật có tiếng. Dù đi đâu vẫn nhớ về buôn làng, năm 2012, bà đề nghị Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tuyển chọn tài năng ca hát ở Tây Nguyên về đào tạo, trong đó đã có những giọng ca, nghệ sĩ thành danh như Y Vol, Y Garia, Ploong Thiết, Phi Ưng, Ksor Vanh, Ksor Bla…

Lần đầu tiên được làm việc cùng Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang, chị Nguyễn Thị Hồng Vân, Nhà hát Ca múa nhạc Tổng hợp Đam San (Gia Lai) cho biết, chị rất vui, tự hào khi đứng cùng sân khấu với Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang và được hướng dẫn thêm một số kỹ năng, kinh nghiệm thanh nhạc chuyên sâu. Tuy làm việc với Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phian trong thời gian ngắn, nhưng chị Vân đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm ứng dụng trong công việc, cũng như quãng thời gian rèn luyện phía trước của mình.

Tối 24/4, đêm nhạc tiếng hát họa mi Tây Nguyên là liveshow đầu tiên của Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang sau 40 năm hoạt động nghệ thuật và cũng là chương trình đầu tiên được tổ chức tại Gia Lai - quê hương của bà. Chương trình nhận được sự quan tâm không chỉ của giới nghệ thuật Gia Lai mà còn của hàng nghìn người hâm mộ chào đón tiếng hát họa mi Tây Nguyên.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm