Dồn điền đổi thửa, liên kết sản xuất, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới ở huyện Duy Xuyên

Máy sạ hàng, vùi phân trên cánh đồng lớn. Ảnh: Hoàng Nhị-TTXVN
Máy sạ hàng, vùi phân trên cánh đồng lớn. Ảnh: Hoàng Nhị-TTXVN

Một trong những thành công nổi bật trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Duy Xuyên, là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện dồn điền đổi thửa, liên kết phát triển sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị. Thành công đó đã góp phần đưa Duy Xuyên trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Nam.

Dồn điền đổi thửa, liên kết sản xuất, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới ở huyện Duy Xuyên ảnh 1Máy sạ hàng, vùi phân trên cánh đồng lớn. Ảnh: Hoàng Nhị-TTXVN

Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Với hơn 2.817 tỷ đồng được huy động cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua, đến nay, huyện Duy Xuyên có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp - nông thôn đã cơ bản hoàn thiện. 100% diện tích đất canh tác lúa và hoa màu đảm bảo cung cấp nước tưới bằng hệ thống kênh mương kiên cố hóa. 100% các tuyến giao thông được bê tông hóa, đảm bảo khả năng kết nối liên vùng, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, tạo điều kiện liên kết, phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Quang Ảnh, người dân thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên phấn khởi chia sẻ, không chỉ hệ thống kênh mương, điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất được đầu tư xây dựng, đường giao thông cũng được mở rộng đến các vùng nguyên liệu sản xuất. Nhờ vậy, hàng hóa nông sản được tiêu thụ rất thuận lợi. Các mặt hàng như rau, củ, quả không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà còn được tư thương đến tận nơi thu mua để cung cấp cho thành phố Đà Nẵng, thành phố Tam Kỳ.

Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Phan Xuân Cảnh cho biết, từ nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau, đến nay, cơ sở hạ tầng của tất cả các lĩnh vực từ sản xuất đến đến văn hóa, giáo dục, y tế của địa phương đều đã được đầu tư xây dựng khang trang. Hạ tầng nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân đầu tư phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị trên từng đơn vị diện tích. Đa dạng hóa các mô hình, các chuỗi liên kết sản xuất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó chú trọng công tác khuyến nông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đang là hướng đi mạnh mẽ của địa phương.

“Trong phát triển sản xuất, những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm hàng hóa theo hướng sản xuất bền vững, giữ gìn và phát huy các làng nghề truyền thống, bảo vệ môi trường luôn được đặt lên hàng đầu, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người trong toàn huyện đạt trên 43 triệu đồng/người/năm, tăng hơn gấp đôi so với cách đây 10 năm”, ông Phan Xuân Cảnh nhấn mạnh.

Dồn điền đổi thửa, liên kết sản xuất

Là một trong những thành viên tiêu biểu của Hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa do Công ty CP Giống cây trồng miền Nam, gia đình bà Lê Thị Hiếu ở xã Duy Hòa có 7 sào ruộng lúa, thông qua việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, mỗi vụ gia đình có thu nhập gần 17 triệu đồng, tăng gần 7 triệu đồng so với trước khi liên kết.

Chủ tịch UBND xã Duy Hòa Lê Văn Hùng cho hay, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động được 110 tỷ đồng thực hiện 111 công trình hạ tầng dân sinh và phát triển sản xuất. Hơn 460 ha đất lúa và hoa màu của địa phương được chủ động nguồn nước tưới và tiêu thụ sản phẩm thông qua mô hình liên kết.

Trong vụ sản xuất vừa qua, nhờ nguồn nước tưới đảm bảo, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, Duy Hòa đã thu về 600 tấn lúa giống cung cấp cho Công ty CP Giống cây trồng miền Nam, đem về doanh thu hơn 4,5 tỷ đồng, cao hơn 25% so với lúa thương phẩm, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46 triệu đồng/người/năm. Hiện tại, Duy Hòa đã liên kết với 5 công ty giống cây trồng cung ứng nguồn giống đầu vào, hướng dẫn quy trình kỹ thuật mới và bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa giống cho bà con.

Ông Trần Huy Tường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên cho biết, toàn huyện hiện có gần 100 hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình liên kết hợp tác sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, tổ khai thác hải sản được hình thành, phát triển ngày càng đa dạng và bền vững. Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp Thu Bồn ở xã Duy Hòa, Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Duy Châu, Chi hội nghề nghiệp đánh bắt thủy hải sản tại các xã khu Đông. Gắn với mô hình liên kết sản xuất là phong trào dồn điền đổi thửa. Toàn huyện hiện có 2.300 ha đất được dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện hình thành các cánh đồng sản xuất chuyên canh với 44 danh mục đăng ký đầu tư sản xuất theo chuỗi, được UBND huyện phê duyệt và tiến hành thực hiện. Đây chính là bước khởi đầu đáng tin cậy của mô hình, các chuỗi liên kết sẽ được phát triển mạnh trong thời gian tới.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm