Đòn bẩy giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo (Bài 2)

Năm 2009, được Nhà nước làm nhà kiến cố, người dân La Hủ của xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) đã rời xa rừng sâu để tập trung. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Năm 2009, được Nhà nước làm nhà kiến cố, người dân La Hủ của xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) đã rời xa rừng sâu để tập trung. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Với chủ trương thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống điện - đường - trường - trạm, cũng như triển khai, thực hiện các chương trình và đề án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Để ghi nhận những kết quả trong công tác giảm nghèo, phóng viên TTXVN thực hiện loạt 4 bài viết với chủ đề "Đòn bẩy giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo".

Bài 2: Làm nhà giúp dân ổn canh, ổn cư

Tập tục của đồng bào dân tộc khu vực biên giới trước kia sống du canh du cư trong rừng, chính quyền địa phương xác định muốn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững thì phải đưa người dân về ổn canh ổn cư. Nhà nước hỗ trợ, cùng với bộ đội biên phòng giúp ngày công đã dựng nhà kiên cố, khang trang, sạch sẽ để bà con về ở tập trung, xóa hủ tục lạc hậu, vươn lên thoát nghèo.

Đưa dân “hạ sơn”

Tại thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai mười năm trước là vùng đất bỏ hoang, lau lách ngút đầu người. Hồi ấy nơi đây không có đường giao thông, chứ đừng nói đến điện, trường học, trạm y tế khang trang như hôm nay.

Đòn bẩy giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo (Bài 2) ảnh 1Bộ đội Biên phòng Lào Cai hướng dẫn kỹ thuật trồng cây chuối bà con huyện Bát Xát (Lào Cai) trồng chuối xóa đói nghèo. Ảnh: Lục Thu - TTXVN

Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ các xã vùng đặc biệt khó khăn, giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số, định canh, định cư, cấp ủy và chính quyền huyện Mường Khương đã đưa gần 270 hộ dân người dân tộc H’Mông của bảy xã vùng cao “hạ sơn”, chuyển về sinh sống, phát triển vùng kinh tế tại bảy thôn biên giới của xã Bản Lầu.

Giúp bà con lập nghiệp trên vùng đất mới, tỉnh Lào Cai và huyện Mường Khương đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế. Từ các Chương trình 30a, 135, Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy…, địa phương giao đất, giao rừng cho bà con canh tác và chăm sóc bảo vệ rừng, “lấy ngắn nuôi dài”, tạo sinh kế bền vững.

Theo chia sẻ của các cán bộ Đồn Biên phòng Bản Lầu, trước đây tập tục canh tác của bà con rất lạc hậu, việc tiếp cận khoa học kỹ thuật còn nhiều khó khăn, đời sống người dân còn nhiều vất vả. Nắm bắt được thực trạng đó, Đồn Biên phòng Bản Lầu phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con cải tạo, chuyển đổi vùng đất hoang sơ thành đất sản xuất chuyên canh trồng chuối, trồng dứa cao sản.

Cũng nhờ có bộ đội Đồn Biên phòng Bản Lầu hướng dẫn kỹ thuật trồng dứa, trồng chuối, cấy lúa nước hai vụ mà đồng bào nơi đây không phải lo cái đói, cái nghèo. Ông Dương Hồng Trung - Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu vui mừng cho biết: “Giờ đây thôn Cốc Phương đã phát triển nhanh về kinh tế, trở thành một trong những thôn có thu nhập cao ở huyện Mường Khương. Thu nhập bình quân đầu người đạt mức 40 triệu đồng/năm.

Nhiều hộ dân đã vươn lên trở thành những triệu phú, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng trên năm. Nhiều gia đình đã xây được nhà mới khang trang và mua sắm được nhiều tiện nghi hiện đại phục vụ cuộc sống. Nhờ kinh tế phát triển nên thôn không còn tình trạng bà con bỏ ruộng nương, người dân xuất cảnh lao động trái phép nữa”.

Đường đến Bản Lầu hôm nay cũng không còn khó khăn như trước. Thông qua các Chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình 134 hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình 135 hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn của Đảng và Nhà nước, con đường nhựa rộng rãi, từ trung tâm xã Bản Lầu đã chạy xuyên suốt bảy thôn biên giới từ Đồi Gianh, Pạc Bo, qua các thôn Na Lốc, Cốc Phương…, nối với xã Nậm Chảy.

Lãnh đạo xã Bản Lầu cho biết thêm: 5 năm qua, các cấp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nước hợp vệ sinh... giúp đồng bào dân tộc H’Mông ở vùng biên giới, có điều kiện sản xuất ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần một cách vững chắc. Điện lưới quốc gia đã đến từng nhà là chìa khóa mở cánh cửa thông thương, tiếp cận với thị trường, với cuộc sống mới bên ngoài, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu.

Giờ đây chỉ tính thôn Cốc Phương, số hộ khá, giàu đã chiếm hơn 70%. Kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, bà con nhân dân yên tâm bám đất, bám bản, xây dựng Bản Lầu ngày càng giàu đẹp

Tộc “lá vàng” đã có nhà ở

Dân tộc La Hủ được gọi tộc “lá vàng” vì trước kia họ sống du canh, du cư trong rừng, khi lá lợp lán ngả màu vàng thì chuyển nơi khác kiếm nguồn thức ăn mới... Thực hiện Đề án “Bộ đội Biên phòng Lai Châu tham gia giúp đồng bào La Hủ định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”, Bộ đội Biên phòng đã vận động đồng bào về sinh sống tập trung, thành lập mới 3 bản: Hà Xi (xã Pa Ủ), Là Si (xã Ka Lăng); Là Si (xã Thu Lũm); quy hoạch sắp xếp lại 2 bản: Tân Biên, Mu Chi (xã Pa Ủ). Năm 2009, bộ đội Biên phòng làm 130 nhà và nhiều công trình dân sinh như nhà văn hóa bản, cầu, đường... giúp bà con về ở tập trung, thêm điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Đòn bẩy giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo (Bài 2) ảnh 2Năm 2009, được Nhà nước làm nhà kiến cố, người dân La Hủ của xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) đã rời xa rừng sâu để tập trung. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Xã Pa Ủ, huyện Mường Tè có 12 bản, 762 hộ với 3.362 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc La Hủ chiếm đến 98%. Trước đây bà con dân tộc La Hủ có tập quán du canh, du cư, tỷ lệ đói nghèo cao. Các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ (Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu) đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động từng nhóm hộ dân tộc La Hủ sống trên các khe núi, lưng đồi về sống tập trung. Không chỉ bạt đồi mở lối, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng còn gùi từng tấm proximang đi bộ hàng chục cây số, lội suối, băng rừng để dựng nhà cho người dân.

Đòn bẩy giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo (Bài 2) ảnh 3Bà con dân tộc La Hủ ở huyện Mường Tè (Lai Châu) về ở tập trung, chính quyền địa phương đã cử giáo viên vào mở lớp dạy học cho các cháu. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Thiếu tá Trần Hà Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ chia sẻ, những năm qua, cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ đã làm 100 căn nhà kiên cố tại bản Hà Si, Mu Chi, Tân Biên, đưa các nhóm người La Hủ về ổn định đời sống lâu dài. Bộ đội Biên phòng giúp dân xây dựng các mô hình nuôi bò tập trung, mô hình trồng lúa nước hai vụ, trồng cây sa nhân, thảo quả... Nhờ vậy, bà con La Hủ đã không còn du canh, du cư, ổn định đời sống, tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Vào tới đầu bản Hà Si, chúng tôi đã nghe tiếng thầy cô dạy chữ, học trò đọc theo rộn ràng. Trong bản có từng dãy nhà kiên cố san sát, đường sá sạch sẽ. Bí thư Chi bộ bản Hà Si Hoàng Hừ Xa cho biết, cả bản có 59 hộ, 251 khẩu, đời sống của người dân đã dần ổn định, có điện lưới thắp sáng và sóng điện thoại để trao đổi thông tin. Nhờ bảo vệ rừng tốt, trung bình mỗi hộ gia đình được nhận 23 triệu đồng/năm, bà con được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ về cây, con giống…

Đòn bẩy giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo (Bài 2) ảnh 4Về ở tập trung, chính quyền tổ chức khai hoang, trồng lúa nên bà con dân tộc La Hủ ở huyện Mường Tè (Lai Châu) đã biết vươn lên làm ăn, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN

Bà Vàng Ha So, 79 tuổi ở bản Hà Si, xã Pa Ủ chia sẻ, trước kia, người dân tộc La Hủ sống rải rác trong rừng sâu, cách biệt với bên ngoài. Được Nhà nước quan tâm, Bộ đội Biên phòng giúp đỡ làm nhà để bà con về ở tập trung, mưa to gió lớn không còn sợ nữa. Người dân đã biết chăn nuôi, trồng trọt nên có lương thực đủ ăn. Con cháu được đi học, không phải chịu cảnh mù chữ. (Còn tiếp)

 Việt Hoàng - Lục Thu - Minh Tâm - Quyết Chiến - Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm