Đối thoại cấp cao Nhóm đối tác tài chính công

Đối thoại cấp cao Nhóm đối tác tài chính công

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được thành tích quan trọng. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,68%, lạm phát ở mức thấp, tỷ trọng xuất khẩu cao. Việc tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do, hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng trở thành nền tảng quan trọng để Việt Nam tham gia sân chơi chung toàn cầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng Việt Nam cũng đang đối mặt nhiều thách thức. Có thể kể tới sự phục hồi chậm của kinh tế trong khu vực cũng như thế giới, giá dầu ở mức thấp, hạn hán thiên tai kéo dài,…đều gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu-TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu-TTXVN

Bên cạnh quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế được kỳ vọng mang lại kết quả trong dài hạn, thực tế trong ngắn hạn lại phát sinh một số ảnh hưởng nhất định như: những giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phần nào khiến gia tăng bội chi ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công; các cam kết hội nhập ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu… 

Bộ trưởng nhấn mạnh, điều cần quan tâm sắp tới là phải cơ cấu lại ngân sách nhằm động viên hợp lý nguồn lực, đảm bảo hợp lý chi thường xuyên, trả nợ, tăng cường quản lý nợ công, giữ mức bội chi trong giai đoạn 2016-2020 từ đó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia… 

Bà Victoria Kwa Kwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN
Bà Victoria Kwa Kwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN

Đồng quan điểm với Bộ trưởng, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, bà Victoria Kwakwa cho rằng, diễn đàn năm nay là điểm đến quan trọng để hai bên cùng trao đổi những quan điểm về thách thức liên quan đến quản lý ngân sách cũng như những cơ hội cải cách. Theo bà Kwakwa, báo cáo đánh giá chi tiêu công cách đây 10 năm tại Việt Nam đã xem xét nhiều vấn đề chính liên quan tới chi tiêu, thu ngân sách cũng như đưa ra thách thức làm sao để nâng cao chất lượng hiệu quả chi tiêu công. Đồng thời, giúp Chính phủ có thể mang lại nhiều dịch vụ công tốt hơn cho người dân Việt Nam . Báo cáo năm nay được đưa ra ở thời điểm rất quan trọng, khi Việt Nam đứng trước những lựa chọn trọng yếu về ngân sách. 

Hiện nay, Việt Nam đã thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng kinh tế vĩ mô, lạm phát đã được kiềm chế một cách thành công và môi trường kinh doanh đã được ổn định, tăng trưởng được hồi phục và duy trì ở mức hợp lý. Bà Victoria Kwakwa hy vọng, báo cáo chi tiêu sẽ giúp đưa ra một nền tảng phân tích hữu ích cho Chính phủ để tiếp tục xây dựng kế hoạch ngân sách trung hạn; trong đó đưa ra các phương án lựa chọn, các giải pháp cho Việt Nam. Đó có thể là tăng huy động thu ngân sách và sử dụng một cách hiệu quả hơn những nguồn lực có hạn để đảm bảo hiệu suất cao hơn; tăng cường cơ chế khuyến khích cũng như trách nhiệm giải trình của tất cả các đối tác có liên quan tới việc cung cấp dịch vụ công. 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN

Báo cáo kết quả hoạt động PFPG 2015 -2016 cho biết, trong năm 2015, Bộ Tài chính và các đối tác gài chính công đồng thuận lựa chọn 14 hoạt động ưu tiên của ngành tài chính để đưa vào kế hoạch hợp tác cho giai đoạn 2015 - 2016. Qua gần 1 năm triển khai kế hoạch (từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2016), Bộ Tài chính và các đối tác tài chính công đã đạt được kết quả tích cực. 

Tính đến tháng 5/2016, Nhóm Tài chính công đã phối hợp thực hiện được 10/14 hoạt động nhóm theo đúng lộ trình cam kết (đạt 70% khối lượng công việc đề cập tại kế hoạch), 4 hoạt động còn lại được đề xuất tiếp tục phối hợp thực hiện trong năm 2016 - 2017. 

Bên cạnh các hoạt động đề xuất tại kế hoạch, Bộ Tài chính và các đối tác tài chính công tiếp tục phối hợp thực hiện thành công một số hoạt động hợp tác như phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tổ chức hội thảo nghiên cứu cơ chế thành phần tham gia của nhà nước trong các dự án theo hình thức đối tác công tư; phối hợp Canada trong xây dựng quy trình, quy chế về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật... 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài chính” cho bà Victoria Kwa Kwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài chính” cho bà Victoria Kwa Kwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình triển khai kế hoạch PFPG vẫn tồn tại một số khó khăn vướng mắc như quan điểm, nhận thức, cách tổ chức công việc của từng đối tác khác nhau khiến quy trình điều phối và duy trì hoạt động Nhóm không hiệu quả như mong đợi; một số giải pháp điều phối hoạt động nhóm đề ra tại Hội nghị đối thoại cấp cao năm 2015 như hình thành bộ máy giúp việc, hình thành danh sách cán bộ điều phối nhóm vẫn chưa được thực hiện đồng bộ do hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện./. 

Có thể bạn quan tâm